Khi nhắc đến thuật ngữ "Đại tuyệt chủng", nhiều người hẳn sẽ nghĩ đến những vụ phun trào núi lửa cực mạnh, hoặc thiên thạch khổng lồ đâm vào Trái đất gây
tuyệt chủng hàng loạt. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây từ ĐH Flinders (Úc) đã tìm ra một nguyên nhân khác, đó là
sự sụt giảm đột ngột của nguyên tố hóa học Selen.
Selen - hay selenium - là một phi kim khá giống với lưu huỳnh. Selen là một hóa chất có độc khi dùng ở liều lượng lớn, nhưng đồng thời cũng là một chất vi dinh dưỡng thiết yếu ở động vật và thực vật. Nguyên tố này sẽ kết hợp cùng các enzyme để bảo vệ cơ thể khỏi những phân tử gây hại đi cùng với oxy.
Cụ thể, các dữ liệu trong quá khứ cho thấy quá trình tăng đột biến selen trên toàn cầu có liên hệ mật thiết với thời kỳ sinh vật phát triển cực thịnh. Ngược lại, việc thiếu đi nguyên tố này có thể gây chết hàng loạt sinh vật.
Sự thiếu hụt selen có thể là một trong những nguyên nhân khiến sinh vật tuyệt chủng hàng loạt, bên cạnh những biến cố to lớn như thiên thạch
Các chuyên gia cho rằng, thiếu selen có thể là nguyên nhân cho ít nhất 3 cuộc Đại tuyệt chủng trong lịch sử: Tuyệt chủng Ordovic (443 triệu năm trước), tuyệt chủng Devon (359 triệu năm trước), và tuyệt chủng Trias (201 triệu năm trước).
Tuy nhiên, John Long - trưởng nhóm nghiên cứu - cho rằng selen có thể chỉ là một trong những yếu tố gây nên tuyệt chủng hàng loạt, nhưng không phải là nguyên nhân chính. Ông chia sẻ:
"Chúng tôi nghĩ vẫn còn một số nguyên nhân khác nữa. Những sự kiện như thế này luôn phức tạp, và cần có sự cấu thành của nhiều yếu tố. Tuy nhiên, dù vì nguyên nhân nào thì ảnh hưởng từ Đại tuyệt chủng là rất khủng khiếp. Ví dụ như tuyệt chủng Devon đã hủy diệt 75% sự sống trên Trái đất, quét sạch oxy trong lòng đại dương khiến không loài nào sống được ngoại trừ vi khuẩn". Ngoài ra, Long cho biết nguyên nhân gây ra sự sụt giảm selen vẫn còn là điều bí ẩn.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Gondwana Research (Úc).
Nguồn: IFL Science