Nếu như thực sự có một nền văn minh ngoài vũ trụ, có lẽ nền văn minh đó vẫn còn ở trạng thái sơ khai. Đó là những gì được Dimitar Sasselov - nhà thiên văn học tại ĐH Harvard kết luận.
Kết luận này của ông là lời giải thích cho một khái niệm mang tên "Nghịch lý Fermi". Nghịch lý này xuất phát từ một thực tế rằng có tới hàng tỉ thiên hà trong vũ trụ, hàng tỉ ngôi sao và hành tinh có thể ở được. Tuy nhiên đến lúc này, chúng ta vẫn chưa thể tìm ra sự sống ngoài hành tinh nào. Và theo Sasselov, nguyên nhân đơn giản chỉ vì họ chưa phát triển được mà thôi.
Sasselov cho biết các hành tinh trong vũ trụ thực sự vẫn rất... trẻ. Dựa trên các tính toán của ông, vũ trụ và các thiên hà chỉ tạo ra môi trường ổn định để hình thành nên hành tinh vào khoảng 9 tỉ năm trước. Trong đó, các hành tinh có bề mặt đá như Trái đất có tuổi đời khoảng 7 -8 tỉ năm. Ngoài ra, cách hợp chất hóa học phức tạp cần thiết cho sự sống cũng xuất hiện trong khoảng thời gian này.
Chính vì thế, có thể nói con người đã đến quá sớm, nên chúng ta chưa thể tìm ra người ngoài hành tinh.
NASA dường như cũng đồng tình với Sasselov, đồng thời khẳng định rằng trong 10-20 năm tới, chúng ta sẽ tìm ra sự sống ngoài Trái đất dưới dạng vi khuẩn.
Trước đó, một nhà khoa học người Australia lại có một giả thuyết khác, rằng người ngoài hành tinh có thể đã tuyệt chủng hết.
Trong quá trình nghiên cứu, Aditya Chopra - tiến sĩ ĐH quốc gia Australia - nhận thấy sự sống mới hình thành tại vũ trụ thường chết rất nhanh do điều kiện môi trường không ổn định trên các hành tinh non trẻ.
Ông cho biết: "Sự sống thuở đầu rất mong manh, và hiếm khi tiến hóa đủ nhanh để tồn tại. Phần lớn môi trường trên những hành tinh sơ khai đều không ổn định. Để tạo ra một hành tinh thuận lợi cho sinh tồn, các dạng sống cần điều hòa khí nhà kính cũng như nước và cacbon dioxide để duy trì nhiệt độ bề mặt ổn định".
Đây có thể coi là một lý do khiến các sinh vật ngoài hành tinh không thể tiến hóa cùng lúc với loài người chúng ta.
Nguồn: Daily Mail