Lý giải vì sao nhiều thiên tài bị tâm thần

Lê Giang, Theo Mask Online 10:53 04/06/2012

Cùng các cập nhật: Đón xem nguyệt thực kết hợp siêu Mặt trăng tối nay, phát minh bộ kim tiêm không gây đau đớn...


Lý giải vì sao nhiều thiên tài mắc chứng tâm thần


Nhiều thiên tài về tư duy sáng tạo vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại: từ những họa sĩ nổi tiếng Vincent van Gogh và Frida Kahlo đến các đại văn hào Virginia Woolf hay Edgar Allan Poe đều mắc chứng bệnh tâm thần.

Bức chân dung tự họa với chiếc tai bị cắt được Vincent van Gogh vẽ năm 1889.

Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra mối liên kết giữa 2 thái cực của tâm trí con người: khả năng sáng tạo và rối loạn tâm thần. Trong số nhiều loại rối loạn tâm thần, sự xuất hiện của khả năng sáng tạo có liên quan đến rối loạn tâm trạng, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực. Nó đặc trưng bởi sự thay đổi bất thường giữa 2 trạng thái: cực kỳ hưng phấn và trầm cảm ở mức độ nặng. Nhà sinh học thần kinh James Fallon đến từ Đại học California-Irvine giải thích: “những người mắc rối loạn lưỡng cực có xu hướng nảy sinh sự sáng tạo khi họ đang trong tâm trạng buồn phiền và tuyệt vọng”. Vào thời kỳ hưng cảm, họ sẽ có những lúc xuất thần tạo nên tuyệt phẩm mà một người bình thường không thể nào làm được.

Elyn Saks - Giáo sư về sức khỏe tâm thần tại Đại học Nam California chia sẻ, ở người mắc rối loạn dạng này, họ có thể phân tích, xem xét các ý tưởng trái ngược nhau cùng một lúc và nhận thức được những liên kết mơ hồ giữa chúng trong khi hầu hết các bộ não bình thường khác thì không.

 (Nguồn tham khảo: Life’s Little Mysteries)

Nguyệt thực một phần kết hợp siêu Mặt trăng ở Việt Nam


Như đã đưa tin, tối nay, Mặt trăng sẽ di chuyển tới điểm gần Trái đất nhất trên quỹ đạo của nó trong khi hiện tượng nguyệt thực một phần xảy ra. Như vậy, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng một phần bóng đen của Trái đất in trên siêu Mặt trăng.



Theo anh Đặng Tuấn Duy - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thiên văn nghiệp dư TP.HCM (HAAC), ở Việt Nam, thời điểm bắt đầu nguyệt thực là khoảng 17h. Cực đại của nguyệt thực hôm nay diễn ra vào lúc 18h03' và lúc đó, hơn 1/3 đĩa Mặt trăng sẽ bị "che phủ" bởi bóng đen của Trái đất.

Tuy nhiên, do điều kiện không thuận lợi nên người quan sát Việt Nam bỏ lỡ thời điểm bắt đầu của pha nhật thực, phải đến khoảng 13 phút sau pha cực đại lúc 18h03', Mặt trăng mới nhô khỏi đường chân trời đối với khu vực TP.HCM. Còn ở Hà Nội, người xem phải phải chờ đến 18h38' mới quan sát được hiện tượng này. Nguyệt thực kết thúc lúc 19h06'.

(Nguồn tham khảo: Space/HAAC)

Không phát hiện được dấu hiệu sự sống tại Gliese 581


Các nhà thiên văn học thuộc Đại học Curtin (Úc) đã dùng thiết bị kính viễn vọng vô tuyến tại 3 đài thiên văn để “nghe trộm” hệ thống sao Gliese 581, vốn cách Trái đất 20 năm ánh sáng nhưng cuộc ra quân đầu tiên đã không cho kết quả như ý.


Theo nghiên cứu, sao lùn đỏ Gliese 581 được cho là chứa đến 2 hành tinh có khả năng mang sự sống. Nó có kích thước nhỏ và ánh sáng yếu hơn Mặt trời của chúng ta. Tuy nhiên, sau 8 giờ khảo sát Gliese 581, tổng cộng có đến 222 tín hiệu vô tuyến được phát hiện, nhưng không tín hiệu nào xuất phát từ hệ thống sao này. Dù lần xuất quân đầu tiên thất bại, các chuyên gia theo đuổi chương trình SETI (tìm kiếm nền văn minh ngoài trái đất) cho biết Gliese 581 chỉ là một trong số hàng triệu hệ thống sao tiềm năng chứa đựng sự sống trong vũ trụ bao la. 

(Nguồn tham khảo: Space/BBC)

Phát minh bộ kim tiêm không gây đau đớn


Oliver Blackwell - một chuyên gia làm việc trong lĩnh vực thiết kế công nghiệp của Anh đã phát minh ra bộ kim tiêm không gây đau đớn. Không kể một chiếc kim thông thường đâm vào dưới da để đưa thuốc vào, ở đầu bơm tiêm còn có một chiếc kim phụ rất nhỏ. Nó chọc vào da trước và bơm vào một lượng nhỏ thuốc giảm đau (khoảng 0,2cc). Như vậy, khi chiếc kim chính đâm vào da thì tại vị trí đó đã được gây tê từ trước nên bệnh nhân không còn cảm giác đau.

Dụng cụ y tế mới do Blackwell chế tạo trông giống như một ống tiêm ven để đưa thuốc vào cơ thể.

Theo ông Blackwell, bộ kim tiêm này sẽ giúp bệnh nhân giảm sự lo lắng trong thời gian tiêm cũng như giúp các nhân viên y tế dễ dàng hoàn thành công việc tiêm thuốc cho các bệnh nhân. Bộ kim tiêm trên phối hợp hai quá trình trong một thao tác nên giảm được nguy cơ truyền bệnh qua dụng cụ y tế.
(Nguồn tham khảo: BBC)