1. Tại sao tự hát cho mình lại hay hơn hát cho người khác nghe?
Âm nhạc là sở thích của phần đông tất cả mọi người. Với một bài hát yêu thích, hẳn là bạn đã từng tự mình lẩm nhẩm hát theo và cảm giác mình hát thật hay. Nhưng khi hát lại cho bạn bè, người thân, bạn thấy họ nhăn mặt vì chán. Sao lại thế nhỉ?
Câu trả lời lại nằm ở cơ chế ghi nhận âm thanh của con người. Khi bạn hát người khác nghe, âm thanh được truyền tới tai họ qua lần lượt tai ngoài, tai giữa, tai trong và não.
Thứ mà não họ nhận được là âm thanh pha trộn và phần nào biến đổi trong không khí, giống như âm thanh từ một máy ghi âm vậy.
Điều này khác hoàn toàn so với bạn hát và tự nghe thấy giọng mình. Đó là vì khi hát, thanh quản trong cổ họng bạn rung và làm xương ở cổ, đầu rung động theo. Tai trong của bạn vừa nhận được những kích thích từ bên ngoài giống trường hợp trên, vừa nhận được kích thích rung động từ chính bên trong cơ thể.
Chúng phân tích, gửi tín hiệu tới não để nhận biết. Kết quả là âm thanh bạn tự nghe sẽ trầm, ấm và chất lượng hơn rất nhiều so với người khác nghe. Tuy nhiên, trên thực tế thì bạn không mấy khi để ý tới sự khác biệt này đâu.
2. Tại sao tai người có vành và có cấu trúc nếp gấp?
Tai người là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể. Chúng giúp ta cảm nhận được tiếng động xung quanh, những lời người khác nói, âm thanh của cuộc sống. Thế nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi rằng, tại sao vành tai bạn lại "cong cong" và có nếp gấp như thế không?
Câu trả lời nằm ở cấu tạo của nó. Tai được chia thành ba phần tai ngoài, tai giữa và tai trong, trong đó phần mà ta quan sát được là tai bên ngoài. Phần này gồm có loa tai, ống tai ngoài và phần cuối cùng tiếp giáp tai giữa là màng nhĩ.
Với nhiệm vụ là giúp truyền tín hiệu âm thanh vào tai giữa, phần tai bên ngoài được kết cấu bởi sụn và da, gấp nếp thành hình dạng vành tròn, gần giống với miệng loa. Các nếp gấp “kì quặc” giúp thay đổi tần số âm thanh tới tai, cộng hưởng những âm thanh ấy.
Đây là khâu tối quan trọng bởi nếu không có những nếp gấp này, não người sẽ không thể nhận diện được vị trí của nguồn âm. Sau khi được loa tai thu và hướng vào ống tai, âm thanh theo đó đi vào màng nhĩ.
Tại đây, nó được khuếch đại lên, làm rung màng nhĩ, truyền tín hiệu tới tai giữa và tiếp tục quá trình nhận thức âm thanh của cơ thể.