Với kích thước không quá lớn, tuy nhiên trên cơ thể người, bộ não lại đóng vai trò quan trọng bậc nhất: chi phối mọi hành động của chúng ta.
Đã từ rất lâu rồi, các nhà khoa học không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu về bộ não nhưng vẫn chưa thể nào hiểu hết hoàn toàn. Thậm chí, không ít những điều lầm tưởng về bộ não đã xuất hiện trong quá trình khám phá ấy.
1. Nghe nhạc Mozart khiến cho trẻ em thông minh hơn
Trong những năm 1950, một bác sĩ tai-mũi-họng tên Albert Tomatis đã tuyên bố sử dụng thành công nhạc cổ điển chữa trị chứng bệnh rối loạn ngôn ngữ và thính giác.
40 năm sau, trong một nghiên cứu tại ĐH California, 36 học sinh được nghe một bản sonate của Mozart 10 phút trước khi tham gia một bài kiểm tra IQ. Kết quả là theo tiến sĩ Gordon Shaw - nhà tâm lý học chịu trách nhiệm nghiên cứu trên đã kết luận, chỉ số IQ của những học sinh kia đã tăng 8 điểm.
“Hiệu ứng Mozart” ra đời từ đó. Người ta luôn nghĩ rằng, nghe nhạc cổ điển sẽ giúp con người thông minh hơn và có tác dụng đặc biệt trong việc phát triển nhận thức của một đứa trẻ từ khi còn trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, sự thật thì không phải như vậy. Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, nghe nhạc Mozart hay nhạc cổ điển nói chung không làm một người thông minh hơn. Trên thế giới hiện nay cũng chưa có trường hợp nào chứng minh được điều tương tự.
Trên thực tế, việc nghe nhạc cổ điển chỉ giúp con người tập trung hơn, tăng hiệu suất công việc trong một khoảng thời gian nhất định.
Có thể nói, âm nhạc cũng như toán học. Không phải học toán nhiều sẽ thông minh. Cả hai chỉ giúp rèn luyện những kỹ năng tư duy nhất định, qua đó tiếp tục phát triển khả năng sẵn có của mỗi người mà thôi.
2. Não sẽ nhăn khi bạn học thêm được điều gì đó
Một trong những đặc trưng của não người đó là các nếp nhăn. Chính những nếp nhăn giúp tăng kích thước thực tế của não, khiến con người trở thành sinh vật thông minh nhất hành tinh.
Do đó, hầu hết chúng ta nghĩ, khi học thêm được điều gì mới, ta sẽ thông minh hơn và não sẽ nhăn hơn.
Đó là một quan điểm sai lầm. Thực tế đúng là khi học hỏi thêm kiến thức, con người sẽ thông minh lên, tuy nhiên não nhăn hơn thì không phải như vậy.
Ban đầu, não của bào thai khá mịn và phẳng, theo thời gian, khi được khoảng 40 tuần tuổi, các nếp nhăn đã hình thành, hoàn thiện và không tiếp tục nhăn nữa.
Thay vào đó, người ta chứng minh được rằng, khi con người tăng cường nhận thức, các khớp thần kinh và tế bào máu hỗ trợ trong não tăng lên về số lượng cũng như phát triển. Đó chính là cách mà con người hoàn thiện tri thức trong cuộc sống.
3. Bộ não vẫn hoạt động sau khi bị chém đầu
Ngày 17/7/1793, Charlotte Corday bị chém đầu vì ám sát Jean-Paul Marat - một nhà báo cấp tiến trong cuộc Cách mạng Pháp. Sau khi bị chém đầu, một đao phủ đã tát vào má của Corday và thật kỳ lạ, nữ sát thủ quay sang nhìn trừng trừng vào đao phủ với ánh mắt phẫn nộ.
Các nhân chứng đứng đó đã vô cùng kinh hãi khi thấy mắt của Corday hấp háy trong khoảng 30 giây.
Năm 1905, một người đàn ông tên Languille cũng bị xử tử hình dưới sự chứng kiến của bác sĩ Gabriel Beaurieux. Vị bác sĩ này cũng mô tả lại một tình hình tương tự như trong câu chuyện của Corday: mí mắt và môi của Languille mấp máy liên tục trong khoảng 5 - 6 giây một cách chủ động, tựa như thể hoạt động bình thường vậy.
Những câu chuyện trên làm dấy lên một niềm tin rằng, bộ não chúng ta vẫn sẽ hoạt động, trong một thời gian rất ngắn sau khi chết, mà cụ thể là bị chém đầu. Tuy nhiên, đây cũng lại là một lầm tưởng có phần “điên rồ”.
Hầu hết các bác sĩ hiện đại đều tin rằng, những điều được mô tả trong câu chuyện kể trên chỉ là phản xạ co giật của cơ bắp, chứ không phải hoạt động có ý thức của bộ não.
Theo tiến sĩ Harold Hillman, não sẽ lâm vào hôn mê và chết gần như ngay lập tức khi không nhận được oxy. Cả quá trình chỉ diễn ra trong 2 - 3 giây chứ không thể lâu như trong câu chuyện của Corday được. Chính vì thế, niềm tin nói trên là hoàn toàn không có cơ sở hay căn cứ khoa học.
Bạn có thể xem thêm: