Đã bao giờ bạn thức dậy mỗi sáng chỉ vì cảm thấy khó chịu bởi
mùi hôi ở miệng, hay hoảng hốt vì đôi chân "tỏa hương" sau một ngày nóng bức đi giày? Và bạn còn khiến người khác tránh xa vì mùi cơ thể "hơi nặng" của mình?
Thậm chí, có bao giờ bạn tự hỏi mọi người luôn "vô tình" xa lánh bạn, khiến bạn mãi F.A dù có bóng gió về chuyện "mùi hương" cơ thể bạn?
Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân vì sao cơ thể chúng ta lại tỏa ra nhiều mùi hương như vậy qua nghiên cứu khoa học dưới đây...
1. Chứng hôi miệng vào buổi sáng
Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mỗi buổi sáng khi ngủ dậy, miệng chúng ta có mùi khá hôi. Đây là một hiện tượng sinh lý gặp phải ở tất cả mọi người. Thậm chí, có người còn mắc phải căn bệnh “hôi miệng kinh niên” mà không hề biết vì sao.
Ai cũng biết, trong miệng con người luôn có một lượng lớn các vi khuẩn. Chúng phá vỡ cấu trúc của các axit amin, protein có trong thực phẩm, sản sinh ra các hợp chất dễ bay hơi có mùi khó chịu. Đó là hydrogen sulfide, dimethyl sulfide và methyl mercaptan - những tác nhân gây ra mùi hôi.
Tuy nhiên, khi chúng ta thức, tuyến nước bọt liên tục được tiết ra, rửa trôi các chất này trước khi chúng có thể kịp sản sinh ra các hợp chất đó. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao suốt một ngày dài, miệng chúng ta không bị hôi.
Những chất hóa học do vi khuẩn tạo nên đã gây ra mùi hôi miệng khó chịu.
Thế nhưng, sau bữa ăn cuối cùng và một giấc ngủ đêm kéo dài 8 tiếng, mọi chuyện thay đổi hoàn toàn. Trong giấc ngủ, tuyến nước bọt hoạt động hạn chế, do đó lượng nước bọt có trong khoang miệng giảm hẳn.
Đây là lúc vi khuẩn tích tụ ở lưỡi, các kẽ răng hoành hành, sản xuất ra các hợp chất với mùi nồng, đặc biệt hydrogen sulfide còn có mùi trứng thối. Những chất khí này không được nước bọt rửa trôi như ban ngày, kết quả là tới sáng hôm sau khi thức dậy, miệng chúng ta sẽ có mùi hôi.
2. Chứng hôi chân
Hôi chân sau một ngày nóng bức đi giày chính là nguyên nhân khiến rất nhiều người tự ti trong giao tiếp. Nguyên nhân phần lớn mà mọi người thường nghĩ tới là do mồ hôi tiết ra nhiều gây ra mùi khó chịu, song đó là một quan niệm chưa chính xác.
Trên cơ thể người, hai bàn chân là bộ phận tiết ra mồ hôi nhiều nhất, vì nó có tới 250.000 tuyến mồ hôi. Trung bình một ngày, người bình thường tiết ra 0,5l mồ hôi ở bàn chân. Song, thành phần chính của mồ hôi chỉ là muối và nước nên về cơ bản, mồ hôi không trực tiếp gây ra tình trạng hôi chân.
Hung thủ thực sự là vi khuẩn trên da. Trong điều kiện phải đi giày, tất thường xuyên, mồ hôi tiết ra liên tục khiến môi trường bàn chân ẩm ướt. Đây chính là “thiên đường” với các loài vi khuẩn gây mùi. Điển hình là Brevibacteria - một loại ăn da chết ở chân.
Đây cũng là loại vi khuẩn tạo mùi cho pho mát Limburger, Bel Paese… Trong quá trình đó, chúng biến đổi methionine thành methanethiol - một chất có mùi hôi đặc trưng.
Ngoài ra, một thông tin thú vị liên quan tới mùi hôi chân đã được Bart Knols - nhà khoa học đạt giải IG Nobel năm 2006 tìm ra. Theo đó, mùi hôi chân ở người cực kỳ hấp dẫn muỗi Anophele - loài muỗi truyền bệnh sốt rét. Phát hiện này đã tạo ra tiền đề cho phương pháp loại bỏ loài sinh vật nguy hiểm trên.
Muỗi Anophele cực kỳ yêu thích mùi hôi chân.
Không dừng lại ở đó, Viện Y tế Ifakara, Tanzania vào năm 2009 và 2011 đã chế tạo một hóa chất chứa chất gây ra mùi hôi chân ở người, cùng với mùi pho mát Limburger giúp thu hút muỗi Anophele, từ đó nhằm tiêu diệt triệt để loài muỗi này.
3. Chứng hôi nách
Cùng với hôi miệng và hôi chân, hôi nách là hiện tượng gây ác mộng và ám ảnh cho nhiều người trong chúng ta. Theo chuyên gia Joseph Jordania, mùi hôi nách nói riêng và mùi cơ thể nói chung là một yếu tố di truyền có từ thời tổ tiên ta. Mùi hôi đó có ở vượn người cổ, nhằm cảnh cáo và xua đuổi kẻ thù vào ban đêm. Trong quá trình tiến hóa, nó vẫn tồn tại và trở thành “di sản không hề mong muốn”.
Tại nách, do quá trình vận động tiết mồ hôi và cấu tạo khép, bộ phận này có phần ẩm ướt và là nơi sinh sống của nhiều vi khuẩn trên da như Corynebacterium, Propionibacteria hay Staphylococcus epidermidis (khuẩn tạo mùi cho nhiều loại pho-mát). Chúng phân hủy chất béo được tiết ra theo mồ hôi tạo thành các axit có cấu trúc nhỏ hơn như axit butyric, axit isovaleric, axit propionic…
Ở một mức độ nhất định, axit propionic có bản chất hóa học tương đối giống axit axetic (giấm ăn) nên nó góp phần tạo độ chua trong thành phần mùi hôi ở nách.
Ngoài ra, theo giới khoa học, hôi nách cũng phụ thuộc vào thực phẩm ăn uống hàng ngày, tình trạng tâm lý cá nhân. Nếu ăn nhiều đồ ăn có mùi hăng nồng, hoặc tăng tiết các loại dịch hay bị stress thì tình trạng hôi nách sẽ trở nên nặng hơn thông thường.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Mentafloss, Dailymail, Wikipedia...
Bạn có thể xem thêm: