Khứu giác là một trong năm giác quan kỳ diệu nhất của con người. Nó giúp chúng ta cảm nhận được các hương vị khác nhau của cuộc sống. Ta có thể phân biệt một bông hoa hồng và một món ăn trong bóng tối chỉ đơn giản thông qua
mùi hương của chúng.
Vậy bạn có dám tự tin khẳng định mình thông thuộc và hiểu rõ tất cả các mùi hương hay không? Câu trả lời chắc chắn là không rồi. Hãy cùng tìm hiểu một vài những ẩn số đằng sau các mùi hương trong cuộc sống thường ngày qua bài viết dưới đây.
1. Mỗi người đều có mùi hương đặc trưng
Mỗi người đều có dấu vân tay riêng để phân biệt nhưng ít ai biết rằng, mỗi người đều mang trên mình một mùi hương đặc trưng, không ai giống ai. Một nghiên cứu năm 2006 của nhà khoa học Dustin Penn ở Vienna (Áo) đã chỉ ra nhận định trên.
Cụ thể, ông lấy mẫu mùi hôi nách, nước tiểu và nước bọt ở 197 người trưởng thành 5 lần trong vòng 10 tuần. Sau đó, các chuyên gia chiết tách hóa chất dễ bay hơi - chất dễ tạo mùi, trong các mẫu thu được, phân tích và đưa ra kết luận cuối cùng.
Theo đó, có rất nhiều chất bay hơi có mặt trong mồ hôi, hơn hẳn so với trong nước tiểu và nước bọt. Điều đó chứng minh, con người phân biệt nhau bằng mùi hương chứ không bằng nước tiểu hay nước bọt giống các loài động vật.
Chưa hết, trong hỗn hợp mùi cơ thể của mỗi người luôn tồn tại 400 hợp chất. Chúng thường xuyên có mặt, bất kể chủ nhân của chúng ăn uống gì đi chăng nữa. 400 hợp chất đó tạo ra sự khác nhau giữa các cá nhân, kể cả với các thành viên của một gia đình. Kết quả này khẳng định việc con người có mùi hương đặc trưng là hoàn toàn có cơ sở.
2. Người cao tuổi có mùi nặng và đặc trưng hơn
Đã bao giờ bạn băn khoăn hình như ông bà bạn có mùi gì đó rất đặc trưng mà chưa bao giờ bạn ngửi thấy? Suy nghĩ của bạn là hợp lý bởi các nhà khoa học đã chứng minh rằng, ở người già tồn tại một mùi hương rất đặc biệt.
Cụ thể, các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến hành một thử nghiệm sau đây. Họ phân tích vải áo ngủ được mặc liên tục của 22 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 26 - 75 và đem ra so sánh.
Kết quả, các chuyên gia phát hiện nồng độ chất 2-nonenal đặc biệt cao ở những người già, nó nhiều gấp 3 lần so với người trung niên và nhiều lần so với các đối tượng trẻ tuổi. Mặt khác, họ cũng tìm ra sự hiện diện song hành của axit béo omega 7 ở các đối tượng có nhiều 2-nonenal, trong khi không có hóa chất nào khác mang các đặc điểm tương tự.
Giả thuyết được các chuyên gia đồng tình, đó là 2-nonenal đã gây nên mùi người già. Người ta mô tả mùi này có sự pha trộn giữa hương cỏ ngai ngái và mùi dầu mỡ, tạo cảm giác khó chịu. Rất có thể, 2-nonenal này được hình thành qua sự phân hủy chuỗi các axit béo. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao lượng axit béo gia tăng khi về già vẫn là điều bỏ ngỏ chưa có lời đáp.
3. Phụ nữ ngửi được mùi hương của tình địch tiềm ẩn
Theo một nghiên cứu mới nhất của Mỹ, hoạt động của mũi có liên quan rất lớn tới hàm lượng testosterone - hormone hiếu chiến trong cơ thể nữ giới. Cụ thể, Jon Maner - nhà tâm lý học thuộc ĐH Florida (Mỹ) và cộng sự James McNulty đã tiến hành một thí nghiệm để tìm ra cụ thể mối quan hệ nói trên.
Họ tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm phụ nữ độ tuổi từ 18 - 21: một nhóm phải mặc những chiếc áo phông quy định, không sử dụng thuốc lá, dầu gội đầu, xà phòng có hương thơm, nước hoa trong hai khoảng thời gian là ngày 13, 14, 15 và ngày 20, 2, 22 của chu kỳ kinh nguyệt.
Đây là 2 thời điểm dễ và ít có khả năng có thai nhất. Nhóm còn lại làm nhiệm vụ ngửi những chiếc áo phông này mà không biết gì về nhóm phụ nữ còn lại.
Kết quả cho thấy, những chiếc áo phông của phụ nữ ở thời kỳ dễ mang thai có mùi hương đặc trưng, kích thích sự gia tăng testosterone ở người phụ nữ ngửi chiếc áo đó. Trong khi hương của những chiếc áo phông còn lại lại làm giảm lượng testosterone ở đối tượng được ngửi áo.
Như vậy, các XX hoàn toàn có thể sử dụng mối quan hệ trên để “đánh hơi” tình địch tiềm ẩn của mình bằng cách đơn giản: ngửi áo người đàn ông của mình. Nếu họ thích âu yếm những người khác, linh cảm phụ nữ sẽ mách bảo bạn ngay thôi.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Health Land, Livescience, Mentafloss...