Hiện tượng ăn rỉ mũi thực ra vô cùng phổ biến trong cuộc sống, nó là thói quen “mất vệ sinh” của nhiều trẻ nhỏ và thậm chí của nhiều người trưởng thành, trong đó có nhiều người vô cùng nổi tiếng. Hôm nay, chúng mình cùng đi tìm lời đáp cho câu hỏi kì quặc này nhé!
Bạn có biết, một ngày chúng ta hít thở bao nhiêu không khí không? Câu trả lời là tới 50m3 - tương đương 50.000l không khí cơ đấy! Và đương nhiên, nếu trong không khí chỉ toàn oxi và nitơ tinh khiết giống sách giáo khoa hóa học đã dạy thì hiển nhiên không có vấn đề gì xảy ra ở đây cả. Thế nhưng, trong thực tế, nhất là một xã hội công nghiệp phát triển thì khói bụi, phấn hoa, vi khuẩn... tồn tại lơ lửng trong không trung đâu còn là hiếm. Những thứ này luôn “chực chờ” chúng mình hít phải. Nếu chúng trực tiếp xâm nhập vào phổi và cơ thể chúng ta thì hãy tưởng tượng xem bạn sẽ ra sao? 50.000l không khí tràn vào mà toàn bụi bẩn, vi khuẩn sẽ nhanh chóng kết liễu đường hô hấp, song thật may chúng ta có vị cứu tinh chặn đứng hầu hết các thứ ấy từ xa đó là mũi.
Mũi là bộ phận giúp chúng mình hít thở và có cả một cơ chế phức tạp giúp ta sàng lọc những thứ bẩn, tránh cho chúng xâm nhập vào khí quản. Trong mũi có một hệ thống lông mũi dày đặc, nó sẽ giữ lại những vật thể nhỏ có hại. Đối với những loại vi khuẩn, vi rút hay phấn hoa nhỏ li ti, mũi tiết chất nhầy ra để giữ chúng lại ngoài mũi. Những chất nhầy này “dinh dính”, kết hợp hoàn hảo với những sợi lông mũi, trở thành những cánh tay “thu gọn” những vi khuẩn gây hại xâm nhập vào đường hô hấp. Dần dà, hỗn hợp chất nhầy và những chất bụi bẩn khô lại, đóng “cục nhỏ” lại trên lông mũi, và đó là... rỉ mũi như chúng mình biết.
Chỉ cần tìm hiểu sơ qua từng ấy thôi chắc các bạn cũng biết mức độ “kinh khủng” có hạng của rỉ mũi rồi phải không? Thế nhưng một nghịch lí là có rất nhiều người, nhất là trẻ em lại có thói quen… măm măm thứ ấy. Tại sao vậy nhỉ?
Phải khẳng định rằng những người trưởng thành có sở thích ăn... rỉ mũi đều có thói quen này từ nhỏ và không hề từ bỏ được khi lớn lên. Kết luận ấy không hề chủ quan cá nhân đâu nhé! Các ấy thử nghĩ mà xem, nếu là người trưởng thành, hắn các ấy sẽ biết đến sự mất vệ sinh của rỉ mũi. Rõ ràng nếu thói quen… có 1-0-2 này hình thành ở tuổi trưởng thành thì thật khó hiểu phải không nào? Như vậy, người lớn có thói quen trên từ khi còn nhỏ và không sửa được bởi thiếu sự kiên trì.
Trở lại với vấn đề tại sao hầu hết trẻ em lại thích ăn… rỉ mũi, có lẽ lý giải dễ dàng nhất, đó là từ bản tính ưa khám phá của chúng. Đơn giản có thể hiểu như sau: một đứa trẻ lên ba luôn muốn khám phá bất cứ thứ gì chúng tìm được, nhất là những điều xung quanh chúng như đồ chơi, cơ thể mình chẳng hạn. Rỉ mũi được các enzim ở mũi tiết ra, hòa quyện với bụi bẩn gây ra cảm giác ngứa ngáy cho đứa trẻ. Theo phản xạ thông thường, chúng có xu hướng lấy thứ đó ra và khám phá theo cách riêng: đó là cho vào miệng và… ăn. Đây chính là khởi nguồn của thói quen xấu này. Thêm nữa, ăn rỉ mũi tuy rất mất vệ sinh, xong với một đứa trẻ thì chúng không thể cảm nhận ngay hậu quả của việc làm đó gây ra. Nếu bố mẹ không để ý và nhắc nhở, chúng sẽ thấy vô hại và tiếp tục hành động đó thường xuyên hơn bởi đơn thuần rỉ mũi xuất hiện thường ngày với tần suất cao. Thói quen xấu hình thành thật nhanh chóng và ăn sâu trong tâm tưởng đứa trẻ.
Trong thực tế, có rất nhiều trẻ khi lớn hơn hoặc được bố mẹ giảng giải đã từ bỏ tật xấu này. Nhưng cũng không ít teen không thể từ bỏ thói quen ấy gây phản cảm cho nhiều người khi tiếp xúc. Thậm chí, khi “xơi” món ấy, bạn đã gián tiếp đưa các loại vi khuẩn và vi-rút vào cơ thể. Đừng bao giờ mắc phải thói quen này và nếu có hãy từ bỏ nó ngay, các bạn nhé!