Giấc ngủ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Trung bình chúng ta dành khoảng 1/3 cuộc đời của mình để “khò khò” trên giường. Tuy nhiên, bạn đã bao giờ cho rằng ngủ như vậy là quá nhiều hay chưa? Liệu bạn có khi nào từng mong muốn
rút ngắn việc ngủ để có thêm thời gian làm việc, giải trí?
Nếu có thì hãy suy nghĩ lại. Bởi không ngủ đủ giấc, con người sẽ...
1. Mắc hội chứng thèm đi “giải quyết nỗi buồn”
Khi ngủ, cơ thể con người sẽ làm chậm quá trình sản xuất nước tiểu ở thận. Nhờ khả năng này mà hầu hết chúng ta ít khi phải thức dậy giữa đêm để “giải quyết nỗi buồn”.
Tuy nhiên, nếu thiếu ngủ, khả năng trên của cơ thể bị suy giảm, dẫn tới tình trạng bạn thường xuyên phải tìm tới nhà vệ sinh để "giải quyết nỗi buồn".
2. Hay cáu kỉnh và dễ trầm cảm
Nghiên cứu của nhà tâm lý học đạt giải Nobel - Daniel Kahneman đã chỉ ra, mất ngủ làm tăng gấp đôi khả năng mắc trầm cảm ở con người.
Đồng thời, việc ngủ không sâu hoặc không đủ giấc cũng làm gia tăng các cảm xúc tiêu cực, tình trạng cáu kỉnh vào ngày hôm sau.
3. Đau đầu như búa bổ
Thống kê y học trong hơn một thế kỷ trở lại đây cho thấy, thiếu ngủ dẫn đến chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu. Theo đó, 36 – 58% những người mất ngủ trong đêm vì ngạt mũi khó thở có biểu hiện đau đầu nghiêm trọng và mất đi sự tỉnh táo vào sáng hôm sau.
4. Tăng cân vù vù
Ở những người thiếu ngủ, các bác sĩ nhận thấy tình trạng mất cân bằng nội tiết tố bên trong cơ thể. Hậu quả của hiện tượng này là tình trạng thèm ăn (đặc biệt là các loại thực phẩm giàu calo) gia tăng.
Đây là phản ứng của não bộ nhằm duy trì khả năng và sự tỉnh táo khi không được ngủ đủ giấc. Tuy nhiên, lượng calo dư thừa vì thế cũng tăng cao và khiến chúng ta tăng cân nhanh tới chóng mặt.
5. Huyết áp “leo thang”
Trong một thí nghiệm, các chuyên gia yêu cầu các tình nguyện viên thức liên tục trong 88 giờ đồng hồ trước khi được đo huyết áp. Kết quả cho thấy, khi không được ngủ, huyết áp của con người tăng cao một cách bất thường.
Đồng thời, nồng độ C – reactive, protein cảnh báo nguy cơ bệnh tim mạch cũng gia tăng ở những người không được ngủ thường xuyên.
6. Phản ứng chậm chạp như kẻ ngốc
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, thời gian và tốc độ phản ứng của con người bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi ta ngủ không đủ giấc.
Cụ thể, trong một thí nghiệm, các tình nguyện viên được yêu cầu thức liên tục trong 36 tiếng cho thấy rõ khả năng nói tồi tệ của mình. Họ có xu hướng sử dụng các từ lặp đi lặp lại, vô nghĩa và nói rất chậm chạp.
7. Bất lực trong “chuyện ấy”
Testosterone là hormone kích thích ham muốn “chuyện ấy” ở cả hai giới. Hormone này được sản sinh nhiều khi con người “khò khò” và giảm đi khi chúng ta ở trạng thái tỉnh táo.
Vì vậy, việc thiếu ngủ thường xuyên có thể gây nên tình trạng suy yếu sức khỏe, kiệt quệ về ham muốn tình dục.
8. Dễ bị ung thư hơn
Giấc ngủ không được đảm bảo đồng nghĩa với việc phá vỡ nhịp sinh học bình thường của cơ thể. Điều này gây nên tình trạng suy giảm sức đề kháng của hệ miễn dịch.
Theo các chuyên gia y tế, đó là nguyên nhân khiến những người hay mất ngủ có nguy cơ cao mắc các chứng ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú...
9. Cái chết chờ đợi
Các vấn đề sức khỏe gặp phải khi thiếu ngủ là nguyên nhân khiến sức khỏe đi xuống. Hậu quả là cái chết sẽ chờ đợi sẵn chúng ta lúc nào không hay.
Theo một nghiên cứu năm 2010, những người ngủ ít hơn 7 – 8 giờ/ngày trong thời gian dài sẽ qua đời sớm hơn so với tuổi thọ tiềm năng của họ.
Nguồn: Business Insider, Nature