Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị

Gabby, Theo Trí Thức Trẻ 01:04 17/12/2014

Khi gặp trường hợp khẩn cấp, phi công sẽ sử dụng "bí kíp" để báo cáo tình trạng xin trợ giúp kịp thời.

Trong khi bạn đang làm việc, nghỉ ngơi hay uống tách cà phê thì trên đầu bạn, có hàng ngàn chú "chim sắt" đang hoạt động. Theo thống kê của Plane Finder thì trung bình tại cùng một thời điểm, có tới 7.000 - 8.000 chiếc máy bay chở khách đang hoạt động trên bầu trời. 

Bởi vậy, việc một máy bay gặp trục trặc và hạ cánh khẩn cấp thực sự không phải là chuyện hiếm có. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 1

Chúng ta biết rằng, phần đông các máy bay được sử dụng hiện nay với mục đích vận tải hành khách. Trên không trung, máy bay có thể xảy ra rất nhiều các sự cố khác nhau. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 2

Ứng với mỗi trường hợp, phi hành đoàn sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời. Chẳng hạn, khi hỏng động cơ, phi công có thể sử dụng nút gạt nhanh để tắt xăng (Fuel shut off valve) nhằm tránh tai nạn thảm khốc xảy ra. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 3

Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, phần lớn các máy bay dân dụng hiện nay phải được trang bị thiết bị phát đáp (transponder). 

Cụ thể, theo luật không phận của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế), khi bay ở độ cao trên 18.000 feet, tức không phận class A (độ cao từ 18.000 - 60.000 feet - tương đương 5.486m - 18.288m), các máy bay bắt buộc phải sử dụng bộ phát đáp. Các máy bay dân dụng chủ yếu bay ở độ cao khoảng 30.000 feet (9.144m) nên việc trang bị bộ phát đáp cũng là điều dễ hiểu.

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 4

Về bản chất, bộ phát đáp là thiết bị đặc biệt luôn được bật mọi lúc trên máy bay. Nhờ kết nối với radar, thiết bị này giúp đài kiểm soát mặt đất định vị được vị trí của máy bay đang trên không trung. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 5

Đồng thời, nhờ tín hiệu cung cấp bởi bộ phát đáp, các cơ quan kiểm soát ở mặt đất có thể cảnh báo cho máy bay trên không trung, tránh những va chạm và tai nạn không đáng có với các máy bay khác đang hoạt động.

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 6

Về cơ chế vận hành, bộ phát đáp sử dụng các code để giữ liên lạc cho máy bay với mặt đất. Khi chưa cất cánh, code hiển thị trên màn hình máy bay sẽ là 1200. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 7

Khi bắt đầu hành trình, đài kiểm soát mặt đất sẽ cấp cho từng máy bay một code nhất định, có thể coi như “chứng minh thư” của chuyến bay. Theo quy định ICAO, mã số code có giới hạn nhất định, tối đa là 7777. 

Trong đó, một số code đặc biệt được áp dụng trên toàn cầu với các trường hợp khẩn cấp. Cụ thể, mã 7500 dành cho trường hợp khi máy bay bị khủng bố tấn công, mã 7600 áp dụng khi máy bay mất liên lạc với mặt đất và mã 7700 đối với các tình huống khẩn cấp khác. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 8

Khi mặt đất nhận được những tín hiệu như 7500, 7600, 7700, họ có các cách riêng biệt ứng phó.

Ví dụ:

- 7500 thì có thể phái không lực đi áp sát máy bay xử lý và tìm cách đảm bảo mạng sống cho hành khách dưới sự kiểm soát của khủng bố.

- Với 7600, khi ấy máy bay mất liên lạc nữa thì phi công trên máy bay thường phải tiếp tục đường bay ở độ cao được giao gần lúc mất liên lạc nhất.

- Với 7700, code này thường đi kèm với tín hiệu khẩn cấp "Mayday". Tùy theo tình huống xảy ra sẽ có thêm nhiều cách ứng phó cụ thể.

Khi xảy ra sự cố, nhập bộ 3 code trên vào bộ phát đáp, phi công có thể chuyển tín hiệu sang radio liên lạc. Nếu bắt được tần số sóng từ đài kiểm soát, phi công có thể dùng tín hiệu khẩn cấp “Mayday” để kêu gọi sự giúp đỡ. “Mayday” vốn được sử dụng chệch theo từ “m’aider” trong tiếng Pháp, có nghĩa là “Giúp tôi!”

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 9

Đi kèm tín hiệu này, phi công nếu có thể cần cung cấp thêm thông tin về chuyến bay, số hiệu và vị trí, tốc độ hiện thời của máy bay do mình điều khiển. 

Cách máy bay báo động khẩn cấp qua thiết bị định vị 10

Đối với đài kiểm soát mặt đất, các thông tin nói trên giúp họ đưa ra được sự giúp đỡ tốt nhất cho phi hành đoàn đang vận hành máy bay. Sự phối hợp giữa hai bên ăn ý cuối cùng sẽ giúp máy bay gặp nạn có thể hạ cánh an toàn, đảm bảo sinh mạng cho tất cả hành khách.

Nguồn: ICAO, Wikipedia