Mới đây, một chiếc
máy bay của Malaysia đã mất tích khi đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh. Nhiều người nghi ngờ về khả năng một tai nạn thảm khốc đã xảy ra với chiếc
máy bay gặp nạn này. Song cho tới nay, vẫn chưa có khẳng định chính xác nào được đưa ra.
Một giả thuyết khác cũng được tính đến là máy bay mất liên lạc đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở nơi nào đó. Hãy cùng tìm hiểu xem liệu chuyện gì xảy ra nếu tình huống đó là thật…
Hạ cánh khẩn cấp là gì?
Hạ cánh khẩn cấp là việc máy bay buộc phải hạ cánh do sự cố liên quan tới hoạt động máy bay hoặc các trường hợp khẩn cấp đòi hỏi phải dừng lại trong thời gian ngắn nhất.
Thông thường, có 3 loại hạ cánh khẩn cấp: bắt buộc (khi động cơ máy bay hỏng hoặc sắp hỏng), phòng ngừa (liên quan tới điều kiện thời tiết xấu, cấp cứu hay dính líu tới khủng bố, tội phạm…) và trên mặt nước (tương tự như hạ cánh bắt buộc, chỉ khác ở bề mặt hạ cánh là nước).
Lịch trình bay của chiếc máy bay mất tích.
Tung tích của chiếc máy bay Malaysia giờ vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Các phương thức hạ cánh khẩn cấp
1. Hạ cánh bằng bụng
Trên thực tế, các tình huống khẩn cấp diễn ra rất khác nhau, từ đó hình thành nhiều phương pháp hạ cánh khẩn cấp khác nhau. Một trong những trường hợp phổ biến nhất là hạ cánh bằng bụng máy bay (belly-landing), xảy ra khi bộ phận hạ cánh gặp trục trặc.
Hiểu đơn giản, đây là tình trạng tiếp đất trực tiếp của máy bay xuống mặt đất bằng cả phần thân bụng máy bay mà không thông qua hệ thống bánh xe. Sau khi hạ cánh, máy bay sẽ trượt đi một quãng đường tùy vào tốc độ, gây ra ma sát lớn giữa nó và bề mặt tiếp xúc.
Địa điểm thích hợp nhất để tiến hành phương pháp hạ cánh khẩn cấp này là vùng bề mặt phẳng, ma sát ít như đất cỏ, tuyết. Trong trường hợp hạ cánh cẩn thận, thương vong về người là hầu như không có.
Máy bay không mở được bộ phận hạ cánh và chuẩn bị tiếp xúc mặt đất bằng... bụng.
Cận cảnh quá trình "mài bụng" xuống mặt đất.
Tuy nhiên, hạ cánh bằng bụng gây ra nhiều thiệt hại cho máy bay nhất bởi khi sử dụng phương pháp này, máy bay dễ bị lật qua lật lại, bắt lửa do ma sát dẫn tới cháy nổ sau khi tiếp đất.
Theo các chuyên gia trong ngành, yếu tố quan trọng nhất cần lưu ý khi hạ cánh bằng cách này đó là tốc độ gió, tầm nhìn của phi công; gió thổi càng mạnh và tầm nhìn càng thấp thì sự nguy hiểm càng gia tăng.
Địa hình tuyết sẽ dễ dàng cho một cú hạ cánh bằng bụng an toàn.
Video dưới đây mô tả quá trình hạ cánh bằng bụng thành công của một chiếc Boeing 767 tại Warsaw, Ba Lan năm 2011.
2. Hạ cánh khi động cơ chết
Rất nhiều trường hợp trong thực tế, máy bay hết nhiên liệu hoặc do trục trặc kỹ thuật mà động cơ chính không còn hoạt động nữa. Đó là khi máy bay rơi vào trạng thái “lơ lửng” và buộc phải hạ cánh, gọi là dead-stick landing.
Ngay cả khi động cơ hỏng hóc, hành khách vẫn có thể sống sót nếu phi công đủ bình tĩnh.
Trong trường hợp này, máy bay không rơi tự do như nhiều người vẫn lầm tưởng. Thay vào đó, thiết kế hiện nay cho phép các máy bay có thể lướt và trượt dù động cơ không hoạt động.
Máy bay sẽ hạ dần độ cao và cuối cùng trượt dài trên bề mặt tiếp xúc. Điển hình như 1 chiếc Boeing 747-200 trượt đi với tỉ lệ 15:1, đồng nghĩa có thể lướt đi 150km trên mặt đất nếu bắt đầu rơi từ độ cao 10.000m.
Nếu may mắn, máy bay sẽ hạ cánh an toàn.
Còn nếu không, đó lại là một câu chuyện khác.
Sự thành công của phương pháp hạ cánh này phụ thuộc chủ yếu vào… may mắn. Nếu máy bay tiếp xúc với khoảng đất trống, kích thước đủ dài theo tỷ lệ trượt của mình thì hành khách có thể an toàn, sống sót. Song ngược lại, nếu hạ cánh ở địa hình mấp mô có núi đá thì tai nạn thảm khốc là điều khó tránh khỏi.
3. Hạ cánh xuống nước
Một tình huống phổ biến khác là việc máy bay buộc phải hạ cánh khi đang bay qua các vùng nước như biển, sông, hồ. Khi ấy, lựa chọn duy nhất là hạ cánh xuống mặt nước (water landing).
Đối với các máy bay thiết kế riêng hay thủy phi cơ thì câu chuyện này sẽ không có gì là lạ, tuy nhiên đối với máy bay thương mại dân dụng thì hạ cánh xuống nước lại là cả một vấn đề to tát.
Hầu như các máy bay dân dụng hạ cánh xuống nước sẽ đều chìm nghỉm.
So với hạ cánh khẩn cấp trên mặt đất, hạ cánh trên mặt nước loại trừ được khả năng ma sát lớn gây ra cháy nổ các bộ phận. Ngược lại, mối nguy hiểm thực sự nằm ở cách xử trí sau khi hạ cánh bởi một chiếc máy bay trên mặt nước thì gần như sớm muộn gì cũng sẽ chìm nghỉm.
Phần lớn các máy bay hiện nay đều được thiết kế để thích ứng phần nào với tình huống này. Theo đó, khi máy bay gặp nước, các khoang đều được đóng kín để giảm tốc độ xâm nhập của nước vào bên trong máy bay. Trong khoảng thời gian đó, nếu phi hành đoàn và hành khách bình tĩnh xử lý, được cứu hộ thì thiệt hại về người sẽ không lớn.
Hành khách sẽ sống sót nếu công tác cứu hộ được tiến hành khẩn trương và kịp thời.
Video dưới đây cho bạn cái nhìn rõ nét hơn về cách hạ cánh trên nước của máy bay.
Tạm kết:
Tất cả mọi giả thuyết liên quan tới chiếc máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia mới chỉ dừng ở phỏng đoán song đã gây ra nhiều lo lắng, quan ngại cho những người có ý định di chuyển bằng đường hàng không hiện nay.
Tuy nhiên, thay vì lo sợ hãy chuẩn bị những kiến thức đầy đủ về các biện pháp an toàn khi đi máy bay và nhớ rằng máy bay là phương tiện an toàn nhất trên thế giới. Xét về xác suất, nếu ngày nào bạn cũng đi máy bay thì phải mất 21.000 năm bạn mới gặp tai nạn.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Flight Training, Aviation Knowledge, Wikipedia…