Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường

Nano Kwon, Theo Trí Thức Trẻ 11:52 08/10/2019
Chia sẻ

Sinh viên là khoảng thời gian nên được tận dụng tối đa để phát triển bản thân nhằm đạt được những mục tiêu trong tương lai, sự định hướng và hỗ trợ của một Mentor sẽ rút ngắn được điều này.

Thuật ngữ Mentor nghe có vẻ xa lạ nhưng thực chất lại là một khái niệm phổ biến và được dùng rộng rãi trong đời sống. Ví dụ như Thu Minh có thể được coi là Mentor của Hương Tràm trong cuộc thi The Voice, Hồ Ngọc Hà là Mentor của Phí Phương Anh trong cuộc thi The Face, Tony Stark là Mentor của Peter Parker trong vũ trụ điện ảnh Marvel. Vậy Mentor là gì và tại sao mỗi sinh viên lại cần có một Mentor ngay từ khi còn đi học?

Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường - Ảnh 1.

Mỗi sinh viên đều nên tìm cho mình một Mentor ngay từ khi còn đi học

Mentor – Người dẫn dắt: có thể hiểu trong tiếng Việt là cố vấn, huấn luyện viên, sư phụ, tiền bối. Họ sẽ là những người có kinh nghiệm hơn trong một lĩnh vực, chứ không bó hẹp với chức danh. Đó có thể là sếp, cũng có thể là giáo viên, một người bạn mới gặp được trong một diễn đàn hoặc hội thảo, hay thậm chí bố mẹ cũng có thể là Mentor.

Mentee – Người được dẫn dắt: có thể được hiểu theo nghĩa thực tập sinh, đệ tử, học trò, hậu bối. Mentee không nhất thiết phải nhỏ tuổi hơn Mentor mà sẽ là những người có ít kinh nghiệm hơn trong mọi lĩnh vực, đang đi tìm mục tiêu, lời khuyên hoặc hướng đi cho bản thân.

Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường - Ảnh 2.

Mentor sẽ giúp Mentee hiểu thêm về năng lực của bản thân

Mentor sẽ giúp Mentee hiểu thêm về năng lực của bản thân, là người nhìn ra được những ưu và khuyết điểm của Mentee một cách rõ ràng nhất. Khi cần phải lựa chọn những quyết định mang tính lớn lao, bằng tầm nhìn xa của mình, Mentor sẽ giúp Mentee phân tích và đánh giá bước đi đó là tiến hay lùi đối với sự nghiệp và con đường tương lai, từ đó đưa ra được lời khuyên phù hợp nhất.

Nhiều người nghĩ rằng khoảng thời gian đi học chỉ đơn thuần là để học và hoàn thành tốt nội dung học trên trường. Nhưng thực tế nếu biết tận dụng tối đa, đây là những tháng ngày rất có giá trị mang tính bước đệm cho sự nghiệp tương tai. Sự định hướng và hỗ trợ của một Mentor sẽ giúp cho con đường đạt mục tiêu trong tương lai của Mentee được rút ngắn đi đáng kể. 


Nếu được dẫn dắt, Mentee sẽ không phải tự mình mò đường và sẽ tránh được những sai lầm không đáng có.

Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường - Ảnh 3.

Mối quan hệ đối bên cùng có lợi


Mentee thường nhận được rất nhiều lợi ích từ một Mentor. Nhưng trong mối quan hệ này Mentor cũng không phải bỏ thời gian ra một cách vô ích. Những kỹ năng mềm mà Mentor có thể rèn luyện được thông qua quá trình dẫn dắt và định hướng cho Mentee có thể kể đến như sau:


Kỹ năng quan sát: Để có để đưa ra được những lời khuyên phù hợp nhất, Mentor cần quan sát kỹ Mentee của mình từ xu hướng tính cách, cho đến trình độ học vấn và kỹ năng mềm của học trò. Nhờ đó mà kỹ năng quan sát của Mentor cũng sẽ được nâng cấp và áp dụng không chỉ với Mentee mà còn có thể đối với đối tác hay ở trong những tình huống khác trong đời sống.


Kỹ năng giao tiếp và lãnh đạo: Bằng việc truyền đạt suy nghĩ, giải thích và hướng dẫn cho môn đồ, Mentor cũng có cơ hội rèn luyện hai kỹ năng này tốt hơn.


Có thêm góc nhìn mới: Bản thân Mentee cũng sẽ mang lại những góc nhìn mới hơn cho Mentor trong lĩnh vực mà hai người trao đổi. 

Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường - Ảnh 4.

Để tìm được Mentor, Mentee nên chuẩn bị tâm thế cởi mở

Làm thế nào để tìm được Mentor cho mình?


Cởi mở, khiêm tốn: Để tìm được một người Mentor cho mình, trước hết cần phải chuẩn bị một tâm thế cởi mở, sẵn sàng tiếp thu và lắng nghe ý kiến của người khác. Đồng thời cũng không nên bảo thủ và cố chấp với những quan điểm và kiến thức vốn có của mình. 


Tự tin: Khiêm tốn nhưng không tự ti. Một người Mentee cần phải hiểu Mentor cũng cần tới mình để truyền đạt lại những kiến thức, kinh nghiệm cho lớp người đi sau. Không ai muốn tích lũy tri thức cho riêng mình mà không chia sẻ cả. Đồng thời Mentor cũng sẽ học hỏi được nhiều từ chính Mentee của mình và rèn luyện được những kỹ năng như đã kể trên. Vậy nên hãy dũng cảm tìm đến những người đi trước và đặt câu hỏi.

Khám phá tầm quan trọng của thuật ngữ mentor đối với sinh viên khi còn ngồi trên giảng đường - Ảnh 5.

Chăm sóc tốt các mối quan hệ cũng là một cách để tìm được Mentor

Xây dựng và chăm sóc tốt các mối quan hệ bạn bè: Như đã nói, Mentor không nhất thiết phải là người nhiều tuổi hơn Mentee và cũng có thể là những người bạn bởi ở một số lĩnh vực nhất định, bạn bè xung quanh cũng có thể là người có kinh nghiệm hơn. Ngoài ra bạn bè cũng có thể đem đến những mối quan hệ mới, không phải là để đi cửa trên cửa dưới, mà là để học hỏi và chia sẻ. Một người quen biết được giới thiệu thì sẽ dễ xây dựng sự tin tưởng hơn là một người lạ hoàn toàn.


Tham gia sự kiện, hội thảo, các buổi đàm tọa và các mạng lưới trí thức: Nơi để gặp được những người tài giỏi và có kinh nghiệm ở những lĩnh vực mình quan tâm chính là các hội thảo, sự kiện về các chủ đề bản thân thấy hứng thú. Sinh viên hãy tự rèn luyện cho mình kỹ năng tham dự sự kiện, hội thảo, giới thiệu bản thân và tạo dựng các mối quan hệ mới (networking) ngay từ khi còn đi học. Đồng thời phân bổ thời gian học tập và hoạt động xã hội sao cho thật hợp lí bởi kiến thức thực tiễn cũng quan trọng ngang ngửa với lí thuyết.


(Ảnh minh hoạ: Undraw)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày