Năm 2024, chị Quách, người thuê trọ tại huyện Kính Dương, thành phố Hàm Dương, Thiểm Tây, Trung Quốc, đã đến một ngân hàng trên địa bàn để chuyển tiền phòng cho chủ nhà. Tuy nhiên, thay vì chuyển 10.000 NDT tiền mặt (hơn 35,7 triệu đồng) vào tài khoản của chủ nhà như yêu cầu của chị Quách, giao dịch viên Tiểu Lưu lại ấn thừa một con số 0, khiến số tiền được chuyển đi là 100.000 NDT (hơn 357 triệu đồng).
Lúc đó, chị Quách và nhân viên Tiểu Lưu đều không hề phát hiện sai sót trên. Mãi đến buổi tối hôm đó, sau khi rà soát các giao dịch trong ngày, Tiểu Lưu mới phát hiện ra các số liệu không khớp nên mới kiểm tra lại. Sau khi xác định được sai sót đến từ giao dịch của chị Quách, nữ nhân viên này đã liên hệ và yêu cầu người phụ nữ này trả lại số tiền 90.000 NDT (hơn 321 triệu đồng) chuyển thừa.
Chị Quách sau khi nghe nhân viên Tiểu Lưu trình bày vấn đề thì đáp lại rằng: “Sao lại chuyển nhầm tiền được? Lúc đó tôi đã ghi rõ là chuyển đúng là 10.000 NDT mà?"
"Là như thế này chị Quách, chị đã ghi 10.000 NDT vào giấy chuyển tiền. Tuy nhiên khi chuyển tiền, do nhầm lẫn, chúng tôi đã chuyển cho người nhận là anh Lý 100.000 NDT. Nói cách khác, ngân hàng đã hỗ trợ ứng trước 90.000 NDT. Chị có thể trả lại phần tiền này không?", Tiểu Lưu nhẹ nhàng giải thích.
Chị Quách nghe vậy thì vô cùng tức giận, thẳng thừng từ chối: “Tại sao tôi phải trả tiền cho sai lầm của ngân hàng? Hơn nữa, anh Lý mới là bên nhận được số tiền chuyển nhầm, ngân hàng có muốn thu hồi tiền thì phải liên hệ anh ấy mới hợp lý chứ.”
Nói xong, chị Quách liền cúp máy. Nhân viên Tiểu Lưu sau đó đã liên hệ với anh Lý để thương lượng: "Chào anh Lý, xin lỗi vì đã làm phiền anh. Tôi là Tiểu Lưu, nhân viên ngân hàng. Hôm nay anh nhận được số tiền là 100.000 NDT dưới tên của chị Quách. Trên thực tế, số tiền mà chị ý muốn gửi là 10.000 NDT. Tuy nhiên do hệ thống ngân hàng xảy ra sự cố nên đã chuyển nhầm thành 100.000 NDT cho anh. Chúng tôi mong anh có thể trả lại số tiền thừa là 90.000 NDT." Tuy nhiên, với yêu cầu này, anh Lý khẳng định bản thân không liên quan đến ngân hàng nên không trả tiền và dập máy. Nhân viên Tiểu Lưu không thể làm gì khác đành thành thật báo cáo sự việc với lãnh đạo. Để lấy lại số tiền đã chuyển nhầm, lãnh đạo ngân hàng quyết định khởi kiện chị Quách và anh Lý ra Tòa án huyện Kính Dương.
Ảnh minh hoạ: Internet
Sau khi nhận được lệnh triệu tập của tòa án, chị Quách càng thêm tức giận. Người phụ nữ này cho rằng sự việc xảy ra là lỗi của ngân hàng nên việc đơn vị này yêu cầu chị trả lại 90.000 NDT là rất vô lý. Anh Lý cũng rất bất bình trước hành động của phía ngân hàng. Trước toà, người đàn ông này cho biết bản thân không liên quan gì tới ngân hàng, số tiền anh nhận được là do chị Lý trả tiền thuê trọ, bản thân anh và ngân hàng không có quan hệ hợp đồng, không có lợi ích pháp lý trực tiếp nên đã bác bỏ yêu cầu trả lại tiền của đơn vị này.
Đáp lại lý lẽ của phía bị đơn, ngân hàng đã xuất trình giấy chuyển tiền do chị Quách điền vào ngày xảy ra vụ việc. Số tiền trên đó là 10.000 NDT nhưng sao kê của ngân hàng lại ghi là 100.000 NDT. Từ đây, ngân hàng cho rằng số tiền chuyển khoản nhầm 90.000 NDT trong tài khoản của anh Lý không phải là khoản tiền hợp pháp và yêu cầu chị Quách hoặc anh Lý phải trả lại 90.000 NDT cùng khoản lãi tối thiểu là 3,65%. Còn việc ai trong 2 người trả lại tiền thì phía ngân hàng không quan tâm.
Về vụ việc này, Tòa án huyện Kính Dương cho biết theo Điều 122 Bộ luật Dân sự Trung Quốc, người nào được hưởng lợi bất chính thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người hưởng lợi này trả lại khoản lợi bất chính. Do đó, tòa án xác định việc ngân hàng yêu cầu anh Lý trả lại 90.000 NDT tiền bất hợp pháp là hoàn toàn có lý.
Trong trường hợp anh Lý biết mình đã nhận 90.000 NDT tiền chuyển khoản nhầm mà vẫn từ chối trả lại thì hành vi của người này sẽ cấu thành tội chiếm đoạt tài sản. Khi đó, anh ta không chỉ phải trả lại số tiền 90.000 NDT không phải của mình, mà còn phải đối mặt với các hình phạt hình sự. Theo Điều 270 Bộ luật Hình sự Trung Quốc, người nào chiếm đoạt tài sản có giá trị mà không trả lại thì bị phạt tù có thời hạn đến 02 năm, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền; Nếu số tiền chiếm đoạt quá lớn hoặc có tình tiết nghiêm trọng khác thì bị phạt tù có thời hạn từ 2 năm đến 5 năm và phạt tiền.
Đối với việc chuyển tiền nhầm, Điều 1165 Bộ luật Dân sự Trung Quốc quy định sai phạm của một người nếu xâm phạm đến quyền, lợi ích dân sự của người khác và gây thiệt hại thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho người bị hại. Trong vụ việc này, nguyên nhân xuất phát từ phía ngân hàng nên đơn vị này cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Cuối cùng, Tòa án huyện Kính Dương ra phán quyết rằng anh Lý với tư cách là người nhận khoản tiền bị chuyển nhầm phải trả lại tiền cho ngân hàng trong vòng 10 ngày. Người đàn ông này sẽ không phải chịu khoản lãi như yêu cầu của phía ngân hàng mà khoản lãi này sẽ do ngân hàng phải chịu. Yêu cầu về phí xử lý vụ án và các yêu cầu khác của ngân hàng cũng bị bác bỏ. Vụ việc kết thúc tại đây.
(Theo Baidu)