Nhắc tới những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn đối với riêng du khách Việt, không thể bỏ qua Trung Quốc. "Quốc gia tỷ dân" sở hữu diện tích lãnh thổ rộng lớn với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, sự đa dạng phong phú trong văn hóa, và đặc biệt là sự hiện đại, tiên tiến, thể hiện qua nhiều yếu tố, khiến du khách phải trầm trồ.
Câu chuyện của nữ du khách Việt sau đây là một ví dụ. Nữ du khách là T.P.Linh (30 tuổi, đến từ Hà Nội), cô vừa có chuyến đi tới 2 thành phố lớn của Trung Quốc là Thượng Hải và Hàng Châu giữa tháng 5 vừa qua. Trong hành trình, nữ du khách cùng con trai mình đặc biệt ấn tượng với một thứ trong khách sạn ở thành phố Hàng Châu.
Cô chia sẻ, thứ này đặc biệt đến nỗi ngày nào con trai cô cũng háo hức để được nhìn thấy. "Tôi nhớ là mình chưa từng thấy nó ở Việt Nam trước đây, vì vậy thật thú vị", nữ du khách trầm trồ cảm thán.
Du khách trong câu chuyện (Ảnh NVCC)
Thứ đang được nhắc tới chính là chú robot phục vụ tự động này. Theo lời nữ du khách kể lại, chú robot này thực hiện công việc như một nhân viên khách sạn thực thụ. Bất kỳ yêu cầu nào của du khách như mang đồ ăn lên phòng, lấy thêm đồ dùng cá nhân, chuyển đồ xuống lễ tân..., cũng sẽ được robot thực hiện thay vì con người như thông thường.
Được biết ở Trung Quốc, những chú robot phục vụ thế này đã không còn xa lạ, đặc biệt ở các thành phố lớn. Không chỉ xuất hiện ở khách sạn, chúng còn được bắt gặp ở những nhà hàng, quán ăn hay trung tâm thương mại.
Robot phục vụ du khách gặp trong khách sạn ở Hàng Châu, Trung Quốc (Ảnh NVCC)
Và loại robot mà gia đình nữ du khách gặp trong chuyến đi của mình chỉ là 1 trong số rất nhiều loại đang thịnh hành tại "quốc gia tỷ dân".
Thực tế, robot phục vụ đã bắt đầu trở nên phổ biến từ nhiều năm trở lại đây, giúp Trung Quốc nhanh chóng trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực robot phục vụ (service robots). Robot ở Trung Quốc bùng nổ cả về sản lượng, lẫn ứng dụng thực tiễn trong nhiều lĩnh vực của đời sống thường nhật.
Tech Edition đưa tin, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, chỉ trong hai tháng đầu năm 2025, sản lượng robot phục vụ đã tăng 35,7%, đạt gần 1,5 triệu đơn vị - một con số vượt xa tốc độ tăng trưởng của robot công nghiệp cùng kỳ (27%).
Robot phục vụ tại Trung Quốc hiện rất đa dạng, từ các robot chuyên ngành trong nhà hàng, khách sạn đến những mẫu robot hình người có khả năng tương tác xã hội. Nổi bật trong số này là các sản phẩm của Keenon Robotics như Dinerbot T5 và Butlerbot W3, được ứng dụng rộng rãi trong ngành dịch vụ để giao món ăn, dẫn đường, hoặc tiếp đón khách hàng.
Robot phục vụ ở Trung Quốc dần trở nên phổ biến với rất nhiều loại (Ảnh SMCP, Business Insider)
Ngoài ra, tại các sự kiện lớn như Đại hội Thể thao Thế giới 2025, robot hình người “Honghu” do Trung tâm Đổi mới Robot hình người Thành Đô phát triển đã gây chú ý khi thực hiện các nhiệm vụ phức tạp như rước đuốc và giao tiếp với khách tham quan.
Mới đây, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng vừa chia sẻ một đoạn video ngắn giới thiệu về những thành tựu robot hình người, robot động vật thậm chí có thể múa dân gian, trình diễn võ thuật, làm bánh, pha chế đồ uống, hỗ trợ cảnh sát hay... thậm chí là thi chạy marathon thay cho con người.
Có thể thấy, robot phục vụ ở Trung Quốc giờ đây, đã vượt xa một người "bồi bàn". Nó không chỉ đơn thuần là cỗ máy tự động, được lập trình sẵn, khả năng phục vụ hạn chế nữa.
Một vài đoạn trích trong video giới thiệu về các loại Robot phục vụ được phát trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (Video CCTV)
Bên cạnh ngành dịch vụ, robot phục vụ cũng được ứng dụng rộng rãi trong y tế, giáo dục và chăm sóc người cao tuổi. Tại các viện dưỡng lão ở Bắc Kinh, robot được sử dụng để hỗ trợ người già trong sinh hoạt hàng ngày, từ giao tiếp đến hỗ trợ di chuyển. Trong môi trường học đường, robot cũng đang được đưa vào làm công cụ hỗ trợ giảng dạy và tương tác với học sinh.
Rõ ràng, nếu không được lập trình, hay nói cách khác là không được "dạy", không được đào tạo, những chú robot, nói chính xác là những cỗ máy, không thể thông minh đủ để phục vụ đa dạng nhu cầu của con người. Theo People's Daily Online, Trung Quốc không chỉ chú trọng vào khía cạnh thương mại của robot mà còn đầu tư vào đào tạo và phát triển công nghệ lõi.
Trung tâm Đổi mới Robot hình người quốc gia tại Thượng Hải đã thành lập cơ sở huấn luyện robot đầu tiên, nơi các robot được “dạy” các kỹ năng như cầm nắm, di chuyển, tương tác xã hội - đặt nền tảng cho việc ứng dụng linh hoạt hơn trong tương lai.
Ảnh minh họa
Robot phục vụ không phải là chưa xuất hiện ở Việt Nam. Trong khoảng 1 năm trở lại đây, chúng đang dần xuất hiện trong các nhà hàng, khách sạn và siêu thị, đánh dấu bước tiến trong việc ứng dụng công nghệ vào ngành dịch vụ. Các loại robot ở Việt Nam tuy chưa thể thực hiện nhiều công việc như robot ở Trung Quốc, nhưng cũng đã đáp ứng được một vài nhu cầu cơ bản như hỗ trợ vận chuyển món ăn, tương tác với khách hàng.
Một số siêu thị tại TP.HCM đã tích hợp robot và trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động, mang lại trải nghiệm mua sắm hiện đại cho khách hàng. Hay ở thủ đô Hà Nội, một quán cà phê đã có robot để thay cho nhân viên pha chế, thậm chí nó còn được đặt tên là "Tú". Và còn nhiều nhà hàng, khu vui chơi khác ở các thành phố lớn tại Việt Nam, đã bắt đầu áp dụng robot phục vụ.
Robot tại một siêu thị tại TP.HCM (Ảnh Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Robot pha chế tại một quán cà phê ở Hà Nội (Ảnh Báo Tiền Phong)
Có thể thấy, dù không thể thay thế con người, nhưng robot được ứng dụng vào đời sống không chỉ giúp nâng cao hiệu suất làm việc mà còn tạo điểm nhấn công nghệ, thu hút sự quan tâm của khách hàng và góp phần hiện đại hóa ngành dịch vụ tại Việt Nam.