Kenya đã cấm túi nilon được 2 năm. Ảnh: BBC
Các siêu thị ở Kenya tiêu thụ hàng chục triệu túi nilong mỗi năm. Những túi nilon này gây ô nhiễm môi trường và tắc ống cống, dẫn đến ngập lụt trong mùa mưa.
Cơ quan Quản lý Môi trường Quốc gia Kenya (Nema) đã hỗ trợ một nghiên cứu và phát hiện ra hơn 50% gia súc tại khu vực thành thị có túi nilon trong dạ dày.
Kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực, Chính phủ Kenya tuyên bố có tới 80% người dân nước này ngừng sử dụng túi nilon.
Việc nhập khẩu hoặc bán túi nilong tại Kenya có thể khiến người vi phạm bị phạt lên tới 40.000 USD hoặc ngồi tù lên tới 4 năm. Sử dụng túi nilon bị cấm cũng khiến người vi phạm bị phạt hơn 500 USD hoặc ngồi tù một năm.
Sau 2 năm, có 300 người tại Kenya bị phạt từ 500 đến 1.500 USD. Bộ trưởng Môi trường Kenya cho biết một số người đã phải ngồi tù. Năm 2018, có 18 người bị tuyên án tại thành phố biển Mombasa với mức phạt 300 USD và 8 tháng tù do sử dụng túi nilon.
Quyền Tổng giám đốc Nema, ông Mamo B. Mamo cho biết hình phạt nặng nhất đã được tuyên đối với nhà sản xuất túi nilon là 1 năm tù.
Bà Nancy Githaiga tại Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) ở Kenya nhận định: "Đã có nhiều tiến triển. Trước đây, khi lái xe từ Nairobi đến một địa điểm như Masai Mara, bạn sẽ quan sát thấy nhiều túi nilon treo trên cây do bị gió thổi lên và mắc kẹt. Đến giờ thì chúng không còn nữa".
Dạ dày gia súc tại Kenya trước đây thường có nhiều túi nilon. Ảnh: BBC
Mặc dù lệnh cấm tại Kenya được coi đã phát huy tác dụng nhưng một số loại túi nilon vẫn chưa biến mất hoàn toàn. Các siêu thị và nhiều cửa hàng không còn sử dụng túi nilon nhưng nhiều tiểu thương đã dùng túi nhỏ hơn làm từ nhựa trong suốt.
Còn có trường hợp túi nilon tuồn lậu vào Kenya qua Uganda và Somalia. Buôn lậu túi nilon qua biên giới cũng là vấn nạn xảy ra tại Rwanda - nơi cấm túi nilon trong năm 2008 và ở Morocco vốn cũng ban hành luật cấm từ năm 2017.
Sau lệnh cấm sử dụng túi nilon, túi polymer nhiệt dẻo Polypropylene cũng trở thành vật thay thế phổ biến. Polypropylene là loại nhựa dễ tái chế hơn nhựa nhiệt dẻo Polyetylen.
Tuy nhiên, Nema phát hiện nhiều cơ sở sản xuất bắt đầu giảm chất lượng túi đựng bằng việc bổ sung cả polythene khiến chúng không thể tái chế.
Sau đó, Chính phủ Kenya quyết định cấm túi polypropylene từ tháng 3/2019 cho đến khi ban hành một chỉ tiêu về chất lượng.
Nhiều công ty sản xuất túi nilon tại Kenya nay đã chuyển sang làm túi vải, túi giấy…