Trong tập cuối Diên Hi Công Lược, Kế Hoàng hậu đã bất ngờ cắt lấy một đoạn tóc của mình, khiến ai nấy sững sờ. Vì theo phong tục Mãn Châu, hoàng hậu chỉ xuống tóc khi xảy ra đại tang mà thôi.
Nói về lịch sử, một số tài liệu cũng cho rằng Kế hoàng hậu đã bị vua Càn Long thất sủng sau chuyến du tuần đến Giang Nam. Đến năm 1778 (lúc này Kế hậu đã mất 12 năm), vua Càn Long nhớ lại và giải thích rằng, trong đêm hôm ấy Ô Lạp Na Lạp thị "điên loạn" tự xuống tóc, phạm vào đại kỵ.
Tranh vẽ vua Càn Long và Kế hoàng hậu
Thực hư về câu chuyện trên không thể chắc chắn, tuy nhiên, mái tóc quả là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng thời Thanh triều.
Nếu Kế hậu đã tự tay cắt tóc, thì nhát chém đó cũng cắt đứt luôn 3 giá trị quan trọng nhất của người phụ nữ Mãn Châu.
Người Mãn Châu dù là nữ hay nam đều vô cùng coi trọng mái tóc của mình. Họ vốn là hậu thế của người Nữ Chân, sinh sống tại vùng rừng núi phía bắc Trung Quốc.
Ở đó qua hàng ngàn năm, họ cưỡi trên lưng ngựa, lấy việc săn bắn làm nguồn sống. Vì thế, nam giới Mãn Châu luôn cạo trọc phần tóc phía trước, kết tóc đuôi sam ở phía sau cho thuận tiện.
Còn với nữ nhân thì sao? Khi nhỏ, các cô gái Mãn Châu cũng phải cắt gọn phần tóc phía trước, chỉ để ngắn đến ngang trán. Phía sau tết tóc đuôi sam giống nam giới, nhưng đuôi tóc sẽ được cột bằng một chiếc nơ đỏ.
Theo truyền thống, khi chưa xuất giá, cô gái Mãn Châu cũng tết 1 bím tóc đuôi sam phía sau. Ảnh minh họa.
Nhiều cô gái còn đeo chuỗi hạt làm bằng vàng, bạc, đá quý, để xuôi theo bím tóc. Khi cưỡi ngựa hay di chuyển, chuỗi hạt cùng bím tóc lại đung đưa theo gió, tạo nên vẻ đẹp vừa khỏe khoắn vừa thanh thoát.
Nếu người Mãn Châu không may phải bỏ mạng nơi đất khách quê người, ví dụ như binh lính nhà Thanh tử trận trên sa trường, thì tóc của họ luôn được mang về quê nhà để an táng trọng thể. Điều đó cho thấy sự trân trọng hết mực của người Mãn Châu đối với mái tóc.
Ấy vậy mà Kế Hoàng hậu đã phải tự tay cắt phăng đi một đoạn đầu tóc đẹp, gạt bỏ ý nghĩa mà mỗi người Mãn Châu đều nâng niu, trân trọng.
Nếu các cô gái Mãn Châu tết tóc đuôi sam thì khi xuất giá, bắt đầu một quãng đời mới, họ cũng để kiểu tóc khác. Phụ nữ Mãn Châu về nhà chồng không còn phải cắt tóc ngắn nữa, cứ để dài tự nhiên.
Nhưng khác với phụ nữ Hán thường quấn tóc thành 1 búi sau đầu, phụ nữ Mãn Châu có nhiều kiểu tóc cầu kì hơn, đặc biệt là đối với gia đình quyền quý, sang trọng.
Kiểu tóc của Nhĩ Tình - phu nhân của đại quan Phó Hằng trong "Diên Hi"
Ngoài ra, phụ nữ Mãn Châu với nếp sống bao đời gần gũi với chốn núi rừng hoang sơ, nên họ rất yêu thích hoa cỏ, thường cài lên mái tóc những cây trâm chạm khắc hình hoa mẫu đơn, hoa cúc, hoa mận,...
Một số kiểu tóc của phụ nữ Mãn Châu nhà quyền quý. Ảnh: sohu
Có thể nói, nuôi tóc dài là một đặc quyền mà phụ nữ Mãn Châu được nhận lấy sau khi kết hôn.
Họ tạm biệt nét khỏe khoắn, tinh nghịch thời son trẻ để trở nên trang nghiêm, trau chuốt cho bản thân nhiều hơn, cũng là "giữ thể diện" cho phu quân.
Vậy khi Kế Hoàng hậu buông lời trách móc hoàng thượng rồi tự cắt tóc mình - cũng là để cắt đứt ân tình với phu quân Hoằng Lịch của nàng.
Hoàng hậu nhà Thanh luôn sở hữu mái tóc búi cao trên đầu, thể hiện uy quyền "vạn phụng chi vương". Thời đầu Thanh Triều, hậu cung ưa chuộng kiểu tóc mà chia đuôi tóc ra làm hai (hay gọi là "lưỡng bã đầu" mà chúng ta đã thấy trong Diên Hi Công Lược).
Điều quan trọng là trang sức trên tóc phải phối chuẩn với họa tiết dưới giày móng ngựa. Như thế, phi tần nhà Thanh với kiểu tóc đặc biệt, lại không theo tục bó chân đau đớn như người Hán mà mang giày móng ngựa tạo nét thanh thoát, yêu kiều.
Từ đầu tóc đến đôi chân – tất cả đều toát lên nét đẹp riêng biệt của Mãn Châu mà hoàng hậu phải "làm gương", gìn giữ bản sắc của tổ tiên.
Ngoài ra, sự "kềnh càng" của đầu tóc còn nhằm mục đích buộc hoàng hậu, phi tần phải giữ khuôn mặt và dáng vẻ cho ngay thẳng, uy nghiêm. Đó là hình ảnh của bậc mẫu nghi thiên hạ - đầy đủ sắc đẹp, nhân phẩm và sự duyên dáng.
Kế Hoàng hậu vẫn giữ vững hình ảnh như thế, cho đến khi bà mất hết tất cả! Vậy thì lúc đấy, không ai khác ngoài Kế hậu sẽ phải tự tay cắt phăng đi sự oai nghiêm của hoàng hậu Đại Thanh. Đó là hành động tuyệt vọng cho thấy hoàng hậu đã thật sự thua cuộc rồi.
Một nhát dao không phải đâm vào tim mà cắt đi mái tóc thề. Nhưng cũng chỉ 1 hành động đó là phủi sạch hết 3 giá trị mà cả đời Kế hậu luôn trân quý. Đó chẳng phải là điều đau khổ nhất hay sao?
Tham khảo: theepochtimes, chinaculture.org...