Tỷ phú John Paul DeJoria
Thật khó để tưởng tượng một người sống vô gia cư có thể đột ngột thay đổi hoàn cảnh của anh ta và trở thành tỷ phú. Nhưng John Paul DeJoria - đồng sáng lập của công ty chăm sóc tóc John Paul Mitchell Systems và sản xuất rượu cao cấp Patrón Spirits - đã làm được điều này. Theo Forbes, vị tỷ phú 73 tuổi này hiện có tài sản ròng ước tính là 3,1 tỷ đô la. Một cú nhảy vọt khỏi sự nghèo khó của ông giống như một câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn Charles Dickens.
John Paul DeJoria – từng là nhân viên bán hàng dầu gội và sách giáo khoa đến từng nhà, đã cùng hợp tác với Paul Mitchell vào năm 1980, và hai người đã biến 700 đô la Mỹ khi ấy trở thành một trong những công ty chăm sóc tóc có lợi nhuận nhất trên thế giới hiện nay. Không lâu sau khi công ty của họ bắt đầu hoạt động, Mitchell qua đời do ung thư và DeJoria đã hoàn toàn tiếp quản. Hiện nay, doanh thu hàng năm của công ty là 1 tỷ đô la. Công ty sản xuất rượu Tequila của ông cũng quá đỗi thành công. Có hơn 2 triệu chai được bán mỗi năm.
Nhưng DeJoria không đánh giá thành công của ông dựa trên đồng tiền. Ông cho biết: “Tôi đã quá vất vả trong cuộc đời, tôi cảm thấy thật tuyệt vời khi được ban phước về tài chính và có thể chia sẻ với mọi người. Ngoài tiền, tôi còn nhận được niềm vui to lớn và sự phấn khởi tột độ”.
DeJoria nhớ lại ông đã từng đưa một hào cho Đội quân cứu tế khi ông sáu tuổi và đang sống ở Los Angeles. Mẹ ông nói rằng: “Có thể con rất nghèo, nhưng có nhiều người trên thế giới còn kém may mắn hơn con, và bất cứ thứ nhỏ nhặt gì cũng đều có thể giúp đỡ họ”.
“Những lời này luôn ghim trong tâm trí tôi” – Ông nhớ lại.
Tình thương người đã khiến ông tham gia vào nhóm “The Giving Pledge” cùng với Bill Gates và Warren Buffett – một chiến dịch từ thiện cao cả của các nhà tỷ phú và DeJoria hứa quyên tặng một nửa tài sản của mình để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Ngoài ra ông cũng thành lập quỹ JP’ Peace Love & Happiness như một trung tâm tài trợ từ thiện cũng như phản ánh những giá trị cốt lõi của công ty mình: bảo vệ môi trường, giúp đỡ người nghèo và bảo vệ quyền động vật.
“Nếu một doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động kinh doanh, nó không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận trong hôm nay” - Paul DeJoria chia sẻ.
DeJoria đã gây được quỹ hàng triệu đô la để hỗ trợ cho 163 quỹ từ thiện trên khắp thế giới, bao gồm Grow Appalachia, một chương trình cung cấp hạt giống và công cụ để giúp các gia đình nghèo ở sáu tiểu bang trung tâm Appalachia chống suy dinh dưỡng; Sea Shepherd, một tổ chức xã hội bảo tồn động vật hoang dã biển đang phải đối mặt với việc săn bắn trái phép và phá huỷ động vật hoang dã ở các đại dương trên thế giới.
Lễ Tạ ơn này ông cũng đã đến thăm cộng đồng làng đầu tiên tại Mobile Loaves & Fishes ở Austin, Texas, nơi họ đang xây dựng một mô hình nhà ở sáng tạo giúp những người vô gia cư có thể học tập các kỹ năng, kiếm thu nhập và có được nhà ở giá rẻ.
Vậy DeJoria đã duy trì động lực và mở rộng đế chế của mình như thế nào? Ông nói có ba quy tắc đơn giản trên con đường dẫn tới thành công của ông.
Quy tắc số 1: Luôn luôn chuẩn bị tâm lý bị từ chối
Trong suốt sự nghiệp của mình, bạn sẽ luôn gặp phải sự từ chối. DeJoria chỉ ra: “Khi bạn gõ cửa, nhiều người có thể sẽ đóng sập cửa trước mặt bạn, có thể bởi họ không thích sản phẩm của bạn, công ty của bạn, hoặc chính bạn”. Nhưng điều quan trọng là bạn phải nhận ra điều này từ khi bắt đầu khởi nghiệp. “Để thành công, bạn phải duy trì sự tự tin và nhiệt tình, từ cửa số nhà 59 quay lại cửa nhà số 1”. Nếu bạn biết điều này sẽ xảy ra và chuẩn bị tâm lý, sự từ chối của người khác sẽ không đánh bại bạn. Nó sẽ giúp bạn kiên cường - ông giải thích.
Quy tắc số 2: Đảm bảo rằng sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn là tốt nhất có thể
DeJoria kiên quyết: “Luôn luôn nhớ rằng bạn không phải đang bán sản phẩm, mà là đang định hình lại thị trường”. Như ông giải thích, hãy làm việc chăm chỉ để phát triển một sản phẩm đẳng cấp thế giới mà người tiêu dùng mong muốn.
Quy tắc số 3: Làm tốt sẽ tốt cho cả bạn và doanh nghiệp của bạn
DeJoria nói: “Nếu một doanh nghiệp muốn duy trì hoạt động kinh doanh của mình, nó không thể chỉ nghĩ đến lợi nhuận trong ngày hôm nay”. Nó phải tạo ra một cam kết của công ty để có thể giúp đỡ người khác ngay lập tức. Ông giải thích: “Bằng cách giúp đỡ người khác, bạn đang tạo ra những khách hàng tương lai và tạo cảm hứng cho lòng trung thành của nhân viên. Khách hàng cũng sẽ muốn tham gia cùng doanh nghiệp, dùng thời gian của họ để giúp đỡ người khác, cứu vãn hành tinh và tạo sự khác biệt”.