Rủi ro tiềm ẩn khi mua iPhone xách tay
Những năm trước, iPhone xách tay luôn là một mặt hàng khá "hot" trong thời gian đầu mở bán iPhone. Nguyên nhân của hiện tượng này là do iPhone xách tay luôn được rao bán sớm nhất, thậm chí ngay trong ngày mở bán iPhone tại các thị trường cấp 1, các mẫu iPhone này đã được "tuồn" về Việt Nam để bán cho những ai có nhu cầu nhận máy sớm.
iPhone xách tay là một sản phẩm iPhone không được phân phối chính thức bởi Apple hoặc các đối tác cấp phép tại Việt Nam. Mặt hàng này chủ yếu được các "con buôn" tuồn về từ các thị trường cấp 1 như Thái Lan, Singapore, Hong Kong... trong ngày đầu mở bán, sau đó bán lại cho người dùng trong nước có nhu cầu sở hữu iPhone sớm nhất. Cái giá phải trả cho iPhone xách tay là giá bán rất cao, không có bảo hành chính hãng và không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng.
Trước khi được thăng hạng lên thị trường cấp 2, iPhone chính hãng VN/A mở bán tại Việt Nam khá muộn, khoảng từ 3 - 5 tuần sau khi mở bán tại thị trường cấp 1, điều này tạo điều kiện cho các mặt hàng xách tay nở rộ khi người dùng có nhu cầu sở hữu iPhone sớm rất cao.
iPhone xách tay bán tràn lan trên mạng trong ngày mở bán - Ảnh: Internet
Với lợi thế là có sẵn hàng sớm hơn và cho phép người dùng ở Việt Nam nắm bắt những phiên bản mới nhất của iPhone, nhưng các mặt hàng iPhone xách tay cũng đi kèm với nhiều rủi ro tiềm ẩn. Dưới đây là một số rủi ro mà người dùng cần xem xét:
- Giá bán rất cao: Trong ngày đầu tiên mở bán, những chiếc iPhone đầu tiên xách tay về Việt Nam có giá bán rất cao, cao hơn nhiều lần so với giá niêm yết của các hệ thống bán lẻ uỷ quyền. Đơn cử như năm nay, iPhone 15 Pro Max màu Titan Tự Nhiên xách tay về Việt Nam trong sáng ngày 22/9 được các thương lái rao bán với giá lên tới 70 triệu đồng, tức gấp đôi so với giá niêm yết 34,99 triệu đồng mà Apple đề xuất.
- Không có bảo hành chính hãng: Một trong những rủi ro lớn nhất khi mua iPhone xách tay là người dùng sẽ không được hỗ trợ bảo hành chính hãng từ Apple tại Việt Nam. Điều này có nghĩa là nếu sản phẩm gặp sự cố hoặc hỏng hóc, người dùng sẽ phải nhờ tới các dịch vụ sửa chữa bên thứ 3 và chắc chắn sẽ không đảm bảo về chất lượng.
- Không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng: iPhone xách tay thường không có nguồn gốc rõ ràng và không được kiểm định chất lượng bởi Apple. Có thể có rủi ro mua phải sản phẩm giả mạo hoặc đã qua sửa đổi, gây ra các vấn đề về hiệu suất hoặc bảo mật.
- Hạn chế về SIM: Một số phiên bản iPhone xách tay có thể không hoàn toàn tương thích với các nhà mạng tại Việt Nam hoặc hạn chế về khả năng sử dụng SIM. Ví dụ kể từ iPhone 14 trở đi, phiên bản bán tại thị trường Mỹ sẽ không có khe SIM vật lý, người dùng Việt muốn sử dụng buộc phải sử dụng eSIM, hoặc tìm tới giải pháp "độ" khe SIM tiềm ẩn nhiều rủi ro.
iPhone 15 phiên bản Mỹ (mã LL/A) sẽ không có khe cắm SIM vật lý - Ảnh: Tuấn Lê
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Khuê, đại diện truyền thông hệ thống Viettel Store cho biết: "Những rủi ro khi mua iPhone xách tay đầu tiên được kể đến chính là yếu tố hậu mãi. Thông thường, khách hàng Việt sẽ mua qua thương lái nên trên thực tế khi phát sinh sự vụ cần bảo hành, khách hàng sẽ rất khó để bảo hành tại Việt Nam hoặc phải nhờ thương lái đứng ra gửi bảo hành. Lúc này khách hàng sẽ ở thế bị động khi không được làm việc trực tiếp với Apple mặc dù mức giá bỏ ra thời điểm ban đầu để mua iPhone còn cao hơn rất nhiều so với các đại lý ủy quyền chính hãng tại Việt Nam. Việc bảo hành sản phẩm lúc này chủ yếu phụ thuộc vào người bán hàng, thời gian đầu linh kiện thay thế chưa có, sau này có linh kiện nếu có cũng có thể không phải hàng chính hãng
Chưa kể nếu kém may mắn hơn, khách hàng sẽ mua phải bản lock (khóa mạng), dẫn tới sẽ không thể dùng được sim vật lý hoặc eSIM tại thị trường Việt Nam. Và hơn hết, lợi thế của mua hàng chính hãng sẽ giúp khách hàng duy trì thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ và đóng thuế đầy đủ".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS cũng nhận định iPhone xách tay hiện đang được bị cấm giao dịch, người dùng không nên tiếp tay cho các con buôn. "Đã có quy định cấm giao dịch mua bán hàng hoá xách tay, không có hoá đơn nên người dùng hay những người buôn bán các sản phẩm này có thể gặp các rủi ro về pháp lý, cũng như khó có thể nhận được hỗ trợ từ cơ quan chính quyền khi bị đánh cắp, cướp giật, hoả hoạn...", ông Huy chia sẻ.
Năm nay, Cục Điều tra chống buôn lậu yêu cầu Cục Hải quan TP. Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM chỉ đạo lực lượng kiểm soát và các Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế trực thuộc chủ động nắm chắc tình hình, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các đối tượng thuộc nhóm hành khách trên những chuyến bay Singapore, Thái Lan, Mỹ, Nhật, Hồng Kông (Trung Quốc) về Việt Nam nhằm tránh tình trạng tuồn hàng iPhone không rõ nguồn gốc.
Từ những nhược điểm kể trên, người dùng Việt đang dần tỏ ra không "mặn mà" với các mặt hàng iPhone xách tay. Lợi thế về việc có hàng sớm cũng đã không còn khiến iPhone xách tay trở nên hấp dẫn khi năm nay iPhone 15 mở bán chính hãng rất sớm. Bằng chứng tới từ việc iPhone xách tay liên tục giảm giá trong vài ngày qua, nhưng vẫn ít người mua.
Sự quan tâm của Apple với người dùng Việt
Năm nay là một năm khá đặc biệt đối với thị trường Việt Nam khi Apple đã có những động thái ưu ái tích cực cho người dùng Việt. Từ việc mời truyền thông báo chí đi tham dự sự kiện ra mắt iPhone mới, cho tới việc thăng hạng thị trường Việt Nam và mở bán sớm iPhone, cũng như triển khai trang bán hàng Apple Store trực tuyến,... Apple đang coi Việt Nam là một thị trường quan trọng và có tiềm năng tăng trưởng vượt bậc.
Tháng 9/2023, Apple mở cửa hàng Apple Store trực tuyến, một địa điểm mua bán các sản phẩm iPhone, iPad, MacBook và phụ kiện chính thống mà "Táo cắn dở" muốn hướng người dùng Việt tới. Đây đồng thời cũng là một nơi để người dùng tham chiếu giá bán các sản phẩm của Apple để so sánh với các hệ thống bán lẻ khác. Trong ngày 22/9, Apple Store trực tuyến cũng mở đặt trước iPhone 15 tới cho khách hàng Việt và cam kết giao sớm từ ngày mở bán 29/9.
Apple Store trực tuyến cũng mở đặt trước iPhone mới cho người dùng Việt - Ảnh: Internet
Tháng 5/2023, chúng tôi từng có 1 buổi phỏng vấn độc quyền với bà Karen Rasmussen, Giám đốc bán lẻ trực tuyến Apple về câu chuyện xoay quanh Apple Store trực tuyến tại Việt Nam. Bà cho biết Việt Nam hiện đang được coi là thị trường đầy tiềm năng với lượng người dùng đông đảo. Chính bởi vậy, Apple lựa chọn Việt Nam là thị trường tiếp theo trong việc "thắt chặt mối quan hệ" với chính những người dùng này. Có lẽ, đây cũng là một trong những yếu tố giúp thị trường Việt Nam được thăng hạng năm nay, khi mà iPhone 15 được mở bán sớm hơn mọi năm, chỉ muộn hơn các thị trường cấp 1 đúng một tuần.
"Việc mở bán iPhone mới trong các năm gần đây, mỗi năm càng một sớm hơn. Năm nay iPhone 15 chính hãng mở bán chỉ đúng một tuần sau ngày mở bán tại các thị trường cấp 1. Cùng với mức giá bán năm nay thấp hơn hẳn so với các năm trước do có sự cạnh tranh với trang trực tuyến của Apple. Giá bán thị trường iPhone xách tay sụt giảm liên tục theo ngày, theo giờ thể hiện rõ cho điều đó", ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS bày tỏ quan điểm.
Tại Việt Nam các đơn vị bán lẻ uỷ quyền cũng đã chính thức nhận đặt cọc với giá bán thấp hơn, nhiều ưu đãi hơn, khách hàng càng có ít lý do để chọn mua hàng xách tay. Với một số mẫu, phiên bản màu bị thiếu, cháy hàng trong ngày mở bán 29/9 cũng sẽ sớm được bổ sung thêm trong 2 tới 3 tuần sau đó, nên thực tế lượng hàng hoá dự kiến sẽ vẫn đáp ứng đủ dần cho khách hàng. Bên cạnh đó, mua iPhone trên hệ thống Apple Store trực tuyến cũng là một cách thức mua hàng mới, giúp cho người tiêu dùng có đa dạng lựa chọn hàng chính hãng hơn thay vì hàng xách tay không kiểm chứng nguồn gốc và quan trọng nhất là thiếu bảo hành chính hãng.
iPhone 15 Pro Max "cháy hàng" trong ngày mở đặt trước 22/9 vừa qua. Đây là phiên bản được người dùng Việt quan tâm nhiều nhất - Ảnh: Internet
Apple luôn tỏ ra rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, và điều này thể hiện qua việc họ cố gắng đáp ứng sớm nhu cầu của người dùng tại đất nước hình chữ S. Với tình yêu lớn đối với sản phẩm của "Táo cắn dở" trong lòng người dùng Việt, việc đẩy nhanh thời gian mở bán chính hãng tại Việt Nam là một quyết định dễ hiểu. Điều này cho thấy Apple không chỉ xem thị trường Việt Nam là một phần quan trọng trong chiến lược toàn cầu của họ, mà còn thể hiện cam kết hỗ trợ và phục vụ khách hàng Việt một cách tận tâm.