Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào?

Ngọc King, Theo Trí Thức Trẻ 09:00 02/04/2018

Xuất hiện từ những năm 90, internet đã trở thành một phần trong cuộc sống và thậm chí trở thành "oxy để hít thở" đối với nhiều người. Điện ảnh cũng không phải là ngoại lệ khi mô tả một thế giới "sống ảo".

Một người phụ nữ muốn ăn pizza, nhưng cô quá lười để rời khỏi nhà, cũng quá lười để gọi điện thoại đặt hàng và giao tiếp với loài người. Thế là cô bật máy tính lên, chọn cho mình loại pizza ưa thích, chọn nhân và đế bánh với một mục đích rõ ràng: cô muốn pizza và sự riêng tư. Năm 1995 cảnh tượng này hẳn sẽ làm nhiều người ngạc nhiên, thế nhưng lại là chuyện "thường ngày ở huyện" năm 2018.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 1.

Cách màn ảnh phản ứng với sự kiện Internet được ra đời

Đã 23 năm trôi qua kể từ ngày Sandra Bullock xuất hiện trong tác phẩm ly kì The Net và đặt pizza qua mạng. Đó là một bộ phim có tính tiên tri, với những đột phá trong kịch bản mà phần lớn người xem thời gian đó chưa thể hiểu được hết. Trong phim, Bullock vào vai Angela Bennett, một nhà phân tích hệ thống làm việc ở California người mà danh tính bị đánh cắp để che giấu cho cái chết của một nhân viên chính phủ. The Net không thực sự được đánh giá cao lúc nó ra mắt, nhưng khi nhìn lại thì ta mới thấy giá trị vượt thời gian của tác phẩm sau 23 năm.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 2.

The Net được ra mắt vào thời kỳ mà những biên kịch của Hollywood hoảng sợ trước tiềm năng vô hạn của internet khi nó mới xuất hiện. Đó còn là những Disclosure, một tác phẩm về thực tế giả lập (VR) khêu gợi đặt ra câu hỏi "Nếu như phụ nữ mới là những kẻ quấy rối tình dục ở nơi công sở thì sao?", Virtuosity - một phim VR khác có sự tham gia của Denzel Washington hay Hackers với diễn xuất chính của Angelina Jolie trẻ măng vào vai một hacker nổi loạn.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 3.

Tất cả chúng đều được ra đời trong vòng 12 tháng kể từ khi khái niệm về internet xuất hiện. Bốn tháng sau khi The Net được trình chiếu, Windows 95 được ra mắt. Khán giả đại chúng như chúng ta không thể tự hình dung được cảm xúc của mình khi đối mặt với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ, vì thế chúng ta mượn điện ảnh như một chiếc gương phản ánh những tò mò, thích thú và nhất là nỗi sợ hãi trước những gì chúng ta không biết. Chúng ta - những cá thể với bộ nhớ trí óc (phần lớn) hạn hẹp, sợ rằng internet với tất cả sức mạnh to lớn của chúng sẽ nuốt chửng mình.

Ba thập kỷ sau vẫn không có gì thay đổi nhiều. Internet vẫn đang ăn dần ăn mòn con người, và giờ là cả màn ảnh lớn nhỏ.

Ready Player One và câu hỏi đạo đức dành cho người làm phim

Tuần này người xem chứng kiến sự chào sân của Ready Player One (Ready Player One: Đấu Trường Ảo), tác phẩm của đạo diễn Steven Spielberg lấy cảm hứng từ tiểu thuyết hoài cổ của nhà văn Ernest Cline. Bối cảnh phim là thế giới hậu tận thế nơi cậu thiếu niên sống ở khu ổ chuột tự thân phá đảo trò chơi ảo OASIS. Đó là một thế giới giả tưởng nơi con người dành hàng giờ để xây dựng cho nhân vật của mình, người ta bị nhốt trong ảo tưởng để trốn tránh thực tại.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 4.

Đó có thể là chất liệu điện ảnh hoài cổ tuyệt vời cho một đạo diễn muốn xây dựng tương lai từ quá khứ. Khi Spielberg giới thiệu bộ phim tại liên hoan phim South West, ông tự hào nói: "Tôi là một game thủ từ năm 1974 khi còn đang quay phim cho Jaws."

Tuy nhiên OASIS cũng đồng thời đặt ra câu hỏi hóc búa cho những nhà làm phim đương đại và cả khán giả: "Liệu bạn muốn sống với thực tại mệt mỏi hay rũ bỏ tất cả để được trở thành bất kỳ ai mình muốn trong thế giới ảo?".

Trong thời gian gần đây, qua điện ảnh chúng ta thấy sự chi phối của internet vào mọi mặt đời sống con người rõ ràng hơn bao giờ hết. Nerve là câu chuyện về hai thanh niên "trẻ trâu" liều lĩnh nhất vũ trụ tham gia thử thách của dân mạng để kiếm tiền và sự nổi tiếng. Ingrid Goes West là câu chuyện về một cô nàng phát rồ vì thèm khát nổi tiếng trên Instagram, Personal Shopper là những bóng đen sau hào quang ảo, The Circle là một tương lai nơi mạng xã hội hoàn toàn khống chế con người - tiện ích đồng nghĩa với việc hy sinh riêng tư.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 5.
Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 6.

Gần đây nhất phải kể tới Unsane, bộ phim của đạo diễn Steven Soderbergh được quay hoàn toàn bằng Iphone là phần hậu truyện của Unfriended - một phim kinh dị khai thác những nỗi sợ thực sự mà thế giới ảo mang lại, đồng thời cũng là bức chân dung cô đơn tột cùng của người phụ nữ đứng trước ứng dụng hẹn hò trên mạng. Mùa thu năm nay, Ralph Breaks the Internet: Wreck-It Ralph 2 được coi là phiên bản trẻ em của Ready Player One sẽ được ra mắt sau thành công của phần đầu tiên.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 7.

Có thể thấy các tác phẩm trên khắc họa một thế giới bị ám ảnh thực sự với internet. Thay vì những sợ hãi và dè chừng mà màn ảnh đem đến 20 năm trước thì điện ảnh đương đại mô tả những con người lệ thuộc vào internet như không khí để hít thở vậy. Thật khó để làm một phim mà không có sự xuất hiện của máy tính, điện thoại thông minh, email, mạng xã hội... Chúng ta đặt chiếc laptop nóng rẫy lên đùi, tay lướt điện thoại để xem một bộ phim mà nhân vật cũng đang làm điều y hệt. Nghĩ đến điều này thôi cũng đủ đau đầu như xem Inception vậy.

Ready Player One là một bộ phim được sinh ra đúng vào thời kỳ con người khao khát hơn bao giờ hết một lối thoát trong chính mê cung thông tin mình vẽ ra. Càng dấn thân sâu vào thế giới ảo, họ càng hờ hững với thực tại và thèm khát những thứ mà người khác có được. Ngay cả khi Wade Watts có giải được bài toán trong OASIS để sở hữu quả trứng Phục sinh, thì còn lâu một kẻ "sống ảo" như cậu mới có thể giải quyết xong được những vấn đề của bản thân chứ đừng nói đến thực tại của thế giới.

Internet đã nuốt chửng điện ảnh và cả chúng ta như thế nào? - Ảnh 8.

Những phim về hậu quả của internet không phải là mới đây mới có: Black Mirror, Blackhat, The Social Network, Catfish hay You’ve Got Mail đều đã đánh động đến khán giả. Thế nhưng chúng không sửa được điều đang xảy đến với chính điện ảnh. Internet đã đánh bại màn ảnh ở ngay chính sân nhà - giờ đây chúng mới là công cụ mạnh mẽ có khả năng tái tạo, vận chuyển, tái cấu trúc lại quan niệm của con người về cái gì là khả thi trên thế giới. Có lẽ chỉ là vấn đề thời gian trước khi điện ảnh trở thành một hình thức giải trí đơn thuần. Internet và những tiềm năng của VR đang làm phẳng thế giới, bào mòn trải nghiệm của người dùng và thay đổi thế giới chỉ bằng những cái quẹt, vuốt màn hình. Thật dễ dàng như việc đặt pizza hiện giờ vậy.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày