Những ngày nay khắp cả nước đang chung tay ủng hộ đông bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do cơn bão số 3 gây ra. Khối lượng nhu yếu phẩm gửi về các vùng lũ lụt từ các nơi, các ban ngành đoàn thể và các hội nhóm từ thiện là không nhỏ. Sau đó, khâu đoạn phân phối cho bà con đang cần lương thực là không hề đơn giản, phải mất thời gian di chuyển, cung đường khó khăn cộng với thời tiết mưa gió kéo dài.
Trong các hội nhóm, các mạnh thường quân và tình nguyên viên đang chia sẻ hình ảnh gói bánh chưng, nấu cơm, mua bánh mì để gửi cho đồng bào.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo được an toàn vệ sinh và có thể kéo dài thêm hạn sử dụng cho thực phẩm cứu trợ mà không bị ảnh hưởng đến sức khỏe là bài toán khó.
Hút chân không có thực sự hiệu quả?
Sáng 13/9, chia sẻ với PV, PGS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm Trường đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay, người Việt Nam có tấm lòng tương thân tương ái cao, rất đáng được trân trọng. Đồ ăn cứu trợ cho đồng bào thường rất đa dạng, tuy nhiên nên người dân nên quan tâm vấn đề an toàn thực phẩm.
Đối với thức ăn sẵn đóng hộp, đồ ăn khô sẽ được ưu tiên vì các nhà máy, đơn vị sản xuất đã phải đảm bảo mọi tiêu chuẩn, tuy nhiên cần chú ý thời hạn sử và tính toán thời gian vận chuyển đến người dân đang cần.
Trong số hàng cứu trợ năm nay, nhiều mạnh thường quân quan tâm là bánh chưng và bánh mì, ông Thịnh ủng hộ phương pháp bảo quản hút chân không.
"Bánh chưng thì bản chất đã được luộc chín và bọc lá, bình thường có thể để được 7 ngày, nếu hút chân không sẽ để được 14 ngày. Trong khi đó để đưa được đến vùng lũ lụt rất khó khăn, không may bị dính nước, bùn đất… chuyển qua lại nhiều lần. Nếu hút chân không kín, sạch sẽ càng tốt, thì tại sao không?"
Ông Thịnh nói thêm về bánh mì, nếu những loại bánh mì được các hãng, nhà máy sản xuất đóng riêng lẻ mỗi chiếc một túi nilong thì không lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm, nhưng bánh mì do người dân tự làm thì cần chú ý cách đóng gói làm sao để đảm bảo không bị không khí thâm nhập và thời gian đến với người dân sớm nhất. Song, vị chuyên gia vẫn ủng hộ phương án hút chân không nếu là bánh mì, vì hút chân không vừa đảm bảo vệ sinh và giúp đồ ăn gọn gàng khi vận chuyển.
Hút chân không nhưng không đảm bảo vệ sinh sẽ sinh độc tố botulinum
Đối với những thực phẩm chưa được làm sạch và rau, củ quả…, PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng phải đảm bảo đồ ăn đã được nấu chín thật kỹ. Sau khi đã nấu chín kỹ, người dân cần để nguội bằng với nhiệt độ ngoài trời rồi mới đóng gói để vận chuyển đến các địa điểm cứu trợ.
Song, vị chuyên gia chia sẻ về những thực phẩm ủng hộ đồng bào vừa thiết thực vừa hiệu quả mà đảm bảo được an toàn vệ sinh như: gạo rang, lương khô, các thực phẩm đồ hộp có thời hạn dài ngày nhưng nếu được hút chân không thì càng tốt. Bởi lũ lụt có thể kéo dài vài ngày nhưng việc vận chuyển và bảo quản nhu yếu phẩm phải qua nhiều giai đoạn mới có thể đến với người dân.
Cùng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý môi trường, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho hay, phương pháp hút chân không tùy thuộc vào loại thực phẩm. Có những thực phẩm trong môi trường chân không có thể tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh phát triển vì nó có sẵn trong thực phẩm.
Theo chuyên gia môi trường y tế, các sản phẩm từ rau, củ, quả, thịt, hải sản khi hút chân không không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn Clostridium botulinum và sinh độc tố botulinum.
"Hút chân không khi thực phẩm chưa được làm sạch hoặc thực phẩm ôi thiu sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm", PGS.TS Nguyễn Huy Nga đồng tình ủng hộ phương pháp hút chân không đối với bánh chưng, còn đối với bánh mì tự làm phải đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm.