"Survivor - Người sống sót" được phát sóng lần đầu tiên vào năm 2000 trên đài CBS của Mỹ. "Survivor" được bình chọn là một trong Top 10 những chương trình phải xem và có rating cao ngất ngưởng trong suốt những năm từ 2000 - 2010.
Ngoài việc giải thưởng cực khủng là 1 triệu đô la Mỹ, cùng điểm qua một số lí do vì sao sau hơn 30 mùa giải, chương trình vẫn là lựa chọn hàng đầu của khán giả trên toàn thế giới và có một lượng fan trung thành qua suốt hơn một thập kỷ.
Mùa giải mới nhất có tên gọi "Game Changers"
Thiên nhiên hoành tráng và vô cùng khắc nghiệt
Chương trình tập trung một nhóm người chơi từ 16 đến 24 thành viên tùy theo từng mùa giải, họ đến từ khắp nơi trên đất nước Mỹ và được mang đến một hoang đảo ở nhiều đất nước khác nhau - nơi mà không có các phương tiện hiện đại bao gồm cả những tiện nghi cơ bản nhất như giường ngủ, thức ăn...
Họ sẽ phải sinh hoạt như một "người sống sót" thật sự và đấu tranh chống lại thiên nhiên khắc nghiệt bằng cách tự tìm thức ăn, dựng lều để ngủ và không có sự giúp đỡ nào từ ban tổ chức ngoại trừ trường hợp sức khoẻ.
Dàn thí sinh mùa mới nhất
Qua rất nhiều mùa giải, khán giả bắt gặp khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp vượt xa những gì con người thành thị thường được chứng kiến khi chương trình quay hình ở Trung Quốc, Philippines, Brazil... Tất cả các thí sinh được đưa đến những nơi có bãi biển hoang sơ, thác nước hùng vĩ hay cả những ngọn núi lửa đầy nguy hiểm và được hiểu biết hơn về phong tục tập quán của đất nước, con người nơi ấy.
Tuy nhiên, cũng chính vì sử dụng "ngôi nhà chung" cho thí sinh là những gì thô sơ nhất và bắt buộc họ phải "tự thân vận động", không ít lần các thí sinh lâm vào cảnh "dở khóc dở cười". Sẽ rất điên rồ khi chúng ta đăng ký tham gia một chương trình mà tại đó lúc thì không đủ ăn, không đủ mặc, khi thì phải hứng chịu cơn mưa lạnh thấu xương từ những cơn bão trên đảo hoang, có khi còn phải làm mồi cho côn trùng và sâu bọ. Có đôi khi ban tổ chức vì muốn bảo đảm an toàn cho thí sinh nên phải ra lệnh ngừng quay hình để di tản khẩn cấp.
Thử thách vượt quá giới hạn con người
Các thí sinh khi đăng kí tham gia "Survivor" đều phải hiểu đây là một trò chơi đòi hỏi thể lực rất nhiều, tất cả sự khắc nghiệt từ môi trường bên ngoài cũng như các thử thách đồng đội và cá nhân dường như vắt kiệt sức lực của họ.
Tuy nhiên, điểm hay của "Survivor" là ngoài thể lực giúp người chơi khám phá sức mạnh thì nó cũng là nơi phát huy của những ai khéo léo và nhạy bén trong các trò dành cho người có IQ, khả năng phân tích và ghi nhớ, nhưng thỉnh thoảng ban thử thách cũng dễ dàng và ít tốn sức hơn khi chỉ bắt họ phải ăn hết các loại côn trùng kinh khủng nhất tại hòn đảo ấy mà thôi.
Nhiều lúc thí sinh không thể chịu nổi thử thách hoặc "sứt đầu mẻ trán" đều phải lần lượt ra về trong tiếc nuối. Các trường hợp phải được đội y tế cấp cứu ngay khi đang tham gia cuộc chơi vì quá sức hoặc quá đói.
Dàn thí sinh nóng bỏng mắt
Sẽ là một thiếu sót nếu như không nhắc đến điểm thu hút rất lớn sự quan tâm của tất cả người xem là dàn thí sinh toàn những trai xinh gái đẹp của "Survivor". Rất nhiều trong số họ là người mẫu, diễn viên, vận động viên đăng ký tham gia vì ngưỡng mộ format của chương trình.
Trong quá trình chinh chiến và rèn luyện thể lực, họ rũ bỏ vẻ đẹp "sang chảnh" bên ngoài và để lại sự khoẻ khoắn, sexy. Các thí sinh xinh đẹp này khi cùng nhau sinh hoạt tập thể cũng không ít lần phải lòng nhau dẫn đến việc một trong 2 hoặc cả 2 đều bị những người còn lại "chướng mắt" và loại đi. Không chỉ người trong cuộc mà khán giả cũng đứng ngồi không yên với những màn thân mật của các cặp đôi trên màn ảnh.
Những cá tính nổi trội và quy luật "nói dối" để loại đi đồng đội
"Survivor" đã phá bỏ nhiều nguyên tắc và mời trở lại chương trình những thí sinh đáng nhớ, có lượng fans hùng hậu (sau này trở thành thông lệ thường xuyên của chương trình). Còn nhớ bà nội trợ Sandra Diaz cá tính quyết ăn thua đủ với những ai coi thường mình, kẻ giàu có chuyên bắt nạt người khác Russell Crowe, cô nàng kiêu kỳ có chiến thuật lợi dụng tình cảm các chàng trai - Parvati Shallow hay gần đây nhất là chú Tài Trang - người Mỹ gốc Việt hiền lành dễ mến nhưng rất "nguy hiểm" trong mắt các thành viên khác.
Khi xem "Survivor", khán giả sẽ thấy một quy luật chung rằng người chơi sẽ phải bất chấp tình bạn, tình thân để nói dối lẫn nhau và để loại nhau không thương tiếc. Đến mức thí sinh Ciara Estin đã từng tham gia 2 mùa giải "Survivor" phải thú nhận sau khi cô viết vào lá phiếu loại đi... mẹ ruột của mình "Đây là trò chơi chỉ dành cho những ai thông minh và nhiều mưu tính nhất, tuyệt đối không có chỗ cho sự trung thực và thân thiện". Bởi vì giải thưởng 1 triệu đô la chỉ có dành cho một người duy nhất.
Đến thời điểm hiện tại "Survivor" vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và đang trong quá trình sản xuất những mùa tiếp theo. Trong khi đó, mùa giải thứ 34 vừa mới hoàn thành tại quần đảo Fiji hứa hẹn sẽ bùng nổ với sự trở lại của những người đã từng thắng cuộc và những người chơi xuất sắc nhất từ trước đến nay của chương trình thực tế này.
Với chủ đề "Survivor: Game Changers", chương trình sẽ được lên sóng từ ngày 8 tháng 3 năm 2017 trên đài CBS của Mỹ.