Khỏi phải nói cũng biết đỉnh Everest trên dãy Himalaya hùng vĩ từ lâu đã mệnh danh là "nóc nhà của thế giới". Địa điểm nguy hiểm này hàng năm thu hút lượng lớn những người đam mê trekking, leo núi tìm đến để thử thách bản thân. Tuy nhiên, thực ra nguy hiểm đã rình rập từ ngay trước khi những du khách này đến được địa điểm leo!
Sở dĩ nói như vậy là vì để bắt đầu cuộc hành trình leo lên lên đỉnh Everest, khách du lịch phải tìm đến một khu trại mang tên Everest Base Camp, và để đến được nơi đây mọi người thường phải đáp chuyến bay hạ cánh tại sân bay Lukla. Toạ độ này từ lâu đã được mệnh danh là "sân bay nguy hiểm nhất hành tinh", nằm tại thị trấn Lukla, huyện Solukhumbu, vùng Sagarmatha, miền đông Nepal.
Sân bay Lukla ở Nepal từ lâu đã được mệnh danh "sân bay nguy hiểm nhất thế giới", là nỗi khiếp sợ của biết bao phi công lẫn du khách.
Vào tháng 1 năm 2008, sân bay Lukla được đổi tên thành Tenzing-Hillary để vinh danh Sir Edmund Hillary và Sherpa Tenzing Norgay, những người đầu tiên leo lên đỉnh Everest thành công và cũng để đánh dấu những nỗ lực của họ trong việc xây dựng sân bay này.
Sân bay này nằm ở độ cao gần 3.000m với một bên là núi cao, bên còn lại là vực thẳm sâu 1.000 m cùng đường băng ngắn chỉ dài hơn 600m, lại rất dốc. Hơn thế nữa, thời tiết khắc nghiệt với dày đặc mây mù, đôi lúc có gió mạnh và bão tuyết cũng tạo ra thách thức lớn cho các phi công khi hạ cánh. Chính vì thế, chương trình History Channel đã xếp sân bay này vào vị trí "sân bay cực kỳ nguy hiểm" trên thế giới. Chỉ cần không cẩn thận, đi chệch hướng vì bị giảm tầm nhìn là máy bay có thể đâm thẳng vào ngọn núi phía trước mặt ngay lập tức.
Sân bay nằm ở độ cao 3.000m, bao quanh là đồi núi cao hùng vĩ và thời tiết vô cùng khắc nghiệt. Đây chính là những yếu tố khiến người ta "khiếp vía" khi nhắc về nó.
Các phi công chỉ có khoảng 10 giây để hạ cánh trên đường băng dài vỏn vẹn 600m tại sân bay kỳ lạ này.
Hơn thế nữa, ở độ cao 3.000m, mật độ không khí thường thấp hơn đáng kể so với khu vực gần mực nước biển. Điều này tác động tới nguồn năng lượng động cơ máy bay tạo ra, làm giảm lực nâng. Trong khi đó, lực cản không khí giảm cũng là thử thách với những phi công muốn giảm vận tốc máy bay đột ngột.
Thông thường, thời gian máy bay hạ cánh thường chỉ kéo dài trong 10 giây. Địa hình đồi núi cao xung quanh sân bay cũng không cho phép phi cơ bay vòng quanh trên không trung để chờ hạ cánh. Khi một chuyến bay bắt đầu cất cánh tới đây, nó bắt buộc phải chạm đất. Và khi sai một li thì có thể… đi luôn một đời ấy chứ!
Ở sân bay này, sai một li có thể khiến bạn... đi luôn 1 đời!
Do quá nguy hiểm mà chỉ những máy bay nhỏ và trực thăng mới được phép tới đây. Mỗi ngày sẽ có nhiều chuyến bay chở những người leo núi từ thủ đô Kathmandu của Nepal tới Lukla trong điều kiện là thời tiết phải tốt. Mặc dù khoảng cách bay ngắn (chỉ khoảng 25 – 30 phút), chuyến bay có thể bị hủy bất cứ lúc nào khi thời tiết ở thủ đô Kathmandu tuyệt đẹp nhưng lại có mưa và mây mù ở Lukla.
Trong quá khứ, từng có nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại sân bay này. Tai nạn nghiêm trọng nhất xảy ra năm 2008, khi chuyến bay của hãng Yeti Airlines đâm vào núi sau khi hạ cánh. Sự cố khác gần hơn là vào năm 2017, khi chiếc máy bay của hãng Summit Air mang số hiệu 409 bị rơi, khiến cả 3 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Các phi công muốn lái máy bay đến đây cũng phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe do cơ quan hàng không dân dụng Nepal đề ra.
Hàng ngày, sân bay vẫn đón tiếp lượng du khách rất lớn tìm đến để chinh phục đỉnh Everest nổi tiếng.
Thông thường, chỉ có máy bay nhỏ hoặc trực thăng mới được phép hạ cánh tại sân bay này. Và chuyến bay cũng có thể bị huỷ bất kỳ lúc nào nếu thời tiết tại đây diễn biến xấu.
Nguồn: Forbes