Chỉ còn chưa đầy 24 tiếng đồng hồ nữa, hôn lễ của Công chúa Mako với bạn trai thường dân sẽ chính thức được diễn ra sau gần 4 năm bị trì hoãn. Dù hai nhân vật chính vẫn quyết tâm đến với nhau nhưng một số cuộc thăm dò gần đây cho thấy, vẫn có nhiều người phản đối cuộc hôn nhân này.
Lần đầu tiên sau 28 năm, một thành viên cao cấp của gia đình hoàng gia Nhật sẽ kết hôn vào ngày 26/10 nhưng trái với tưởng tượng của nhiều người, sự háo hức mong chờ hầu như là không có, cũng chẳng có đám đông nào tập trung ở thủ đô để gửi lời chúc phúc cho cặp đôi này.
Thay vào đó, công chúng vẫn tỏ ra thù địch với việc lựa chọn chồng của Công chúa Mako, Kei Komuro, người bạn trai 9 năm mà cô bắt đầu yêu từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Truyền thông Nhật Bản đã đưa tin về việc Công chúa Mako "rơi nước mắt" khi gặp lại bạn trai sau hơn 3 năm xa cách khi anh tới chào hỏi bố mẹ vợ tương lai.
Công chúa Mako đã rơi nước mắt khi gặp lại hôn phu sau 3 năm xa cách
Công chúa Mako sẽ ở lại Nhật Bản trong vài tuần sau hôn lễ trước khi có thể cùng chồng đến Hoa Kỳ bắt đầu cuộc sống mới. Truyền thông Nhật cũng bày tỏ sự phàn nàn về việc người đóng thuế Nhật Bản phải chi ra một cái giá quá đắt để bảo vệ gia đình Komuro trong thời điểm hiện tại, kể từ khi vị phò mã tương lai từ New York trở về Nhật Bản để chuẩn bị cho hôn lễ vào cuối tháng trước.
Mako dự kiến sẽ chuyển ra khỏi cung điện vào ngày 26/10 sau khi cô đăng ký kết hôn cùng với Komuro vào sáng cùng ngày. Cặp đôi sau đó dự định tổ chức họp báo vào cuối ngày hôm đó. Kyodo News đưa tin, Công chúa Mako dự kiến sẽ sống trong một chung cư ở Tokyo trước khi sang Mỹ và cũng sẽ phải xin hộ chiếu thông thường để thay thế hộ chiếu ngoại giao thường được cấp cho các thành viên hoàng gia Nhật. Bởi lẽ sau khi kết hôn với người chồng thường dân, Mako sẽ không còn là người của hoàng gia, bị tước bỏ mọi đặc quyền trước đây.
Cuối tuần qua, Công chúa Mako bước sang tuổi 30, sinh nhật cuối cùng của cô với tư cách là thành viên trong hoàng gia. Mitsue Nagasaku, một nhân viên văn phòng 43 tuổi đến từ tỉnh Kanagawa, phía Nam Tokyo, nói: "Tôi cảm thấy tiếc cho cô ấy. Những gì truyền thông đang nói bây giờ là quá nhiều, quá xâm phạm đời tư. Đây là sự lựa chọn của cô ấy, Mako vẫn kiên định với lòng quyết tâm muốn kết hôn với Komuro. Tôi nghĩ bây giờ chúng ta cần tôn trọng với điều đó".
Mako trong bộ ảnh mừng sinh nhật tròn 30 tuổi
Nagasaku nói rằng cô rất buồn khi một số phương tiện truyền thông đưa tin gây nhiễu loạn trước thềm đám cưới và cho biết thêm: "Tôi hy vọng họ có thể hạnh phúc bên nhau và sau khi chuyển đến Mỹ, cặp đôi sẽ là một gia đình bình thường như bao người khác".
Bên cạnh đó, Nagasaku còn nói rằng việc truyền thông liên tục lên án việc lựa chọn kiểu tóc của Komuro khi anh được trông thấy buộc tóc đuôi ngựa lúc từ Mỹ trở về Nhật Bản cùng những bài viết châm chọc khác đã vi phạm pháp luật về quyền tự do cá nhân. Đây cũng là một bằng chứng cho thấy, Komuro đã bị giới truyền thông đối xử bất công.
Komuro xuất thân từ thường dân và là một người mồ côi cha khi bố anh mất sớm. Bên cạnh đó, Komuro cũng bị chỉ trích chỉ vì sự nhập nhằng tài chính của mẹ anh với hôn phu cũ. Rõ ràng, truyền thông và dư luận Nhật đã phủ nhận mọi cố gắng nỗ lực thành tài của Komuro trên con đường trở thành luật sư tài giỏi cũng như tình yêu kiên định của anh với Công chúa Mako.
Mái tóc buộc đuôi ngựa của Komuro bị dư luận và truyền thông Nhật chỉ trích gay gắt
Trước sự phản đối gay gắt của công chúng cùng báo chí tiêu cực, Thái tử Fumihito, cha của Công chúa Mako nói rằng ông miễn cưỡng đồng ý để hôn lễ được diễn ra với quy mô thu nhỏ lại. Lễ đính hôn truyền thống cùng cuộc gặp mặt chính thức với Nhật hoàng và Hoàng hậu trước hôn lễ cũng đã bị hủy bỏ. Công chúa Mako chỉ thực hiện một số nghi lễ cúng bái tổ tiên để thông báo về việc kết hôn của mình.
Trong suốt thời gian qua, nhiều người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm Tokyo với những tấm biểu ngữ mang thông điệp: "Hãy dừng lại cuộc hôn nhân đáng bị nguyền rủa này", "Nói không với Komuro"... Trong một cuộc thăm dò mới đây của tạp chí Aera cho thấy 93% người Nhật tin rằng đám cưới hoàng gia này "chẳng có gì đáng để kỷ niệm".
Người dân Nhật Bản xuống đường biểu tình phản đối cuộc hôn nhân của Công chúa Mako
Ken Kato, một doanh nhân có trụ sở tại Tokyo cho biết anh không nghĩ Komuro là "người phù hợp" để kết hôn với một thành viên hoàng tộc Nhật Bản. Theo người đàn ông này, một yếu tố khác khiến cuộc hôn nhân bị phản đối gay gắt xuất phát từ việc ông ngoại của Công chúa Mako , Tatsuhiko Kawashima, một giáo sư danh dự 81 tuổi tại Đại học Gakushuin, đang phải nằm viện điều trị từ tuần trước.
"Nếu ông ấy qua đời thì hôn lễ không thể được cử hành. Nhiều người nói rằng bây giờ không phải là thời điểm để tổ chức hôn lễ, nó nên được hoãn lại một lần nữa", Kato cho biết.
Vào năm 2017, Công chúa Mako đã tuyên bố đính hôn với bạn trai thường dân sau một thời gian dài ở bên nhau. Kể từ đó cho đến nay, hôn lễ của cặp đôi liên tục bị trì hoãn, chủ yếu vì rắc rối tài chính của mẹ Komuro với hôn phu cũ. Komuro và gia đình bị cáo buộc là "đào mỏ" gia đình hoàng gia khi Công chúa Mako sẽ được hưởng khoản hồi môn kếch xù. Để bảo vệ tình yêu cũng như cuộc hôn nhân của mình, Mako đã từ chối nhận của hồi môn và chấp nhận một đám cưới đơn giản nhất từ trước đến nay.
Nguồn: SCMP