Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách!

Minh Nhân - Design: Tuấn maxx, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 03/03/2019

Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày chuẩn bị trang hoàng đường phố rộn rã, thời khắc hồi hộp, háo hức đón chào Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Kim, sự tiếc nuối thoáng nhẹ khi cú bắt tay lịch sử không thành hiện thực. Nhưng chúng ta đã có với nhau những câu chuyện thú vị để kể sau này.

Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 đã chính thức kết thúc mà không một thỏa thuận nào được ký kết. Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim cùng rời khỏi bàn đàm phán, không dùng bữa trưa và nhanh chóng lên xe về nơi lưu trú. Ông Trump sau khi chủ trì buổi họp báo sớm hơn dự kiến đã lên chuyên cơ Air Force One trở về Mỹ. Cả 2 nhà lãnh đạo đều bỏ ngỏ về kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3.

Tất cả diễn biến trong suốt 2 ngày thượng đỉnh Mỹ - Triều đi đến hồi kết không như nhiều người kỳ vọng. Có người phỏng đoán, có thể giữa ông Trump và ông Kim xuất hiện sự căng thẳng không đáng có, nhưng bức ảnh được Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đăng tải trên Instagram ngay sau đó đã xua đi mọi nghi hoặc. 

Bức ảnh 2 Nhà lãnh đạo bắt tay chào nhau, nhưng điều khiến mọi người chú ý và thích thú chính là: Nụ cười của Chủ tịch Kim. 


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 1.

Chúng tôi xin mượn một trong số những hình ảnh đẹp nhất về 2 nhà lãnh đạo để bắt đầu câu chuyện hậu thượng đỉnh.

Bạn có thể nghĩ, rốt cuộc thì xuyên suốt 12 giờ đàm phán không nghỉ ngơi, không hề có thỏa thuận hòa bình nào được ký kết, đó ắt hẳn không thể gọi là thượng đỉnh thành công? Rằng 2 nhà lãnh đạo đã có buổi nói chuyện căng thẳng?

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 2.

Ít giờ sau, bà Sarah Sanders kể cho chúng ta nghe một câu chuyện hoàn toàn khác. Trong hình ảnh do chính bà đăng tải trên instagram cá nhân, Chủ tịch Kim đang cười rất tươi, bắt tay người cộng sự của mình với tất cả sự thân thiện nhất.

"Tổng thống Trump nói lời tạm biệt Chủ tịch Kim khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội", bà Sanders đăng dòng mô tả. 

"Bức ảnh chia tay này thật sự là một tín hiệu đáng mong đợi", một độc giả chia sẻ quan điểm. "Có thể, 28/2 chỉ là thời điểm mặc cả, chắc chắn hai ông sẽ quay lại để chốt. Rõ ràng ông Kim sẵn sàng phi hạt nhân hóa và ông Trump sẵn sàng dỡ bỏ lệnh cấm vận. Hy vọng cả hai sẽ có tiếng nói chung trong thời gian tới".

Nhà Trắng thông báo Mỹ và Triều Tiên không đạt được thỏa thuận trong lần này, nhưng các hội nghị thượng đỉnh sẽ được tiếp nối trong tương lai. 

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 3.

2 nhà lãnh đạo trong buổi tọa đàm tại Hội nghị thượng đỉnh lần 2.


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 4.

Không phải ai cũng biết, đây là lần đầu tiên Chủ tịch Kim Jong-un tới Việt Nam. Sau khi bước khỏi nhà ga xe lửa Đồng Đăng ở tỉnh Lạng Sơn, ông Kim nhanh chóng được hộ tống lên xe limousine Mercedes-Maybach S600 bọc thép. Trong lúc 12 cận vệ Triều Tiên mặc âu phục bắt đầu đi nhanh theo chiếc xe khi nó di chuyển, cửa sau của chiếc xe chống đạn từ từ được hạ xuống thấp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã chủ động đưa tay ra khỏi cửa kính, mỉm cười vẫy chào những người dân đang cầm hoa và cờ Việt Nam - Triều Tiên đứng dọc hai bên đường. Trong tâm thế háo hức, từ lúc mặt trời còn chưa lên, họ đã xếp hàng chỉnh tề trước ga Đồng Đăng, mong có cơ hội được nhìn tận mắt hình ảnh Chủ tịch Kim. Khoảnh khắc cánh tay giơ ra khỏi cửa kính chống đạn suốt hơn hai phút thể hiện sự gần gũi của nhà lãnh đạo với những người dân bình thường, điều chưa từng có tiền lệ tại Singapore - nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất. 

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 5.

Từ xe bọc thép, ông Kim Jong Un chủ động mở cửa kính và vẫy chào người dân Việt Nam.

Có nhiều điều để bàn về hình ảnh thiện chí này của ông Kim Jong-un. Một trong số đó là sự gần gũi, thân thiện của một nhà lãnh đạo lớn ngay trên mảnh đất lần đầu tiên ông tới tham quan và làm việc. Hơn thế nữa, ông rất tin tưởng vào khả năng đảm bảo an ninh của phía Việt Nam, không chỉ tại nhà ga Đồng Đăng mà còn trên cả hành trình hơn 100km về thủ đô Hà Nội.

Riêng Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cũng đã kịp để lại một hình ảnh thật đẹp trong 48 giờ lưu trú tại Việt Nam. 

Trong một đoạn clip do NBC đăng tải, khi đi cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào phòng họp trong sáng 27/2, Tổng thống Trump vui vẻ đáp lại sự chào đón của các cán bộ, các em thiếu nhi và liên tục nói "Cảm ơn Việt Nam". 

Ông bất ngờ dừng lại và cầm một lá cờ Việt Nam vẫy cao, không quên lấy một lá cờ Mỹ, đưa cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hai lãnh đạo tươi cười cùng vẫy lá cờ Việt - Mỹ trước sự chứng kiến của nhiều người.

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 6.

Tổng thống Trump giơ cao lá cờ Việt Nam trong sự chào đón của cán bộ và các em thiếu nhi. Ảnh: Reuters.

Hành động tuy nhỏ nhưng tinh tế của Tổng thống Trump để lại ấn tượng rất tốt trong lòng người dân Việt Nam. Đây là lần thứ 2 ông Trump đến thăm Việt Nam và đã ngay lập tức thể hiện sự thân thiện bằng một tweet đăng lên trang cá nhân bày tỏ sự cảm ơn nước chủ nhà. Ông Trump thể hiện sự bất ngờ trước sự chào đón nhiệt thành của đông đảo người dân Thủ đô.


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 7.

Mật vụ Mỹ vốn được miêu tả là những anh chàng to cao, khuôn mặt bình tĩnh đến mức đáng sợ, trên người luôn "lăm le" khẩu súng để bảo vệ tốt nhất cho sự an toàn của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi lẽ đó, với nhiều người, mật vụ Mỹ không phải là những đối tượng để... trêu đùa!

Trước thềm chuyến công du của ông Trump, bốn vận tải cơ quân sự Boeing C-17 Globemaster III chở hơn 200 mật vụ Mỹ xuất phát từ Nhật Bản tới Việt Nam. Tốp mật vụ này chia làm 2 nhóm, 1 nhóm chuyên vest đen, nhóm còn lại có tên Đội chống tấn công (CAT) với trang phục quần áo lính, mũ bảo hộ, giáp chống đạn, tạo nên đội hình tinh nhuệ, hầm hố.

Một hình ảnh đáng yêu đã được ghi lại trên đường phố Hà Nội, khi một anh mật vụ Mỹ ở bên ngoài nơi diễn ra hội nghị, "tay xách nách mang" rồi di chuyển đi mua thức ăn, cùng đồng nghiệp tranh thủ ăn trưa, khi buổi tọa đàm giữa 2 nhà lãnh đạo kéo dài hơn dự kiến. 

Anh Brain vui vẻ với cốc cà phê trên tay. Ảnh: VTCNews.

Trước đó, trong lúc làm nhiệm vụ bên ngoài khách sạn Metropole, anh Brain đã dành chút thời gian ghé cửa hàng trên phố Tràng Tiền thưởng thức một cốc cà phê take - away. Anh cho biết cà phê Hà Nội có hương vị rất ngon. Và nụ cười thân thiện của anh đã xua đi phần nào sự lạnh lùng vốn có của mật vụ Mỹ. 

Ngày 23/2, sau khi đoàn siêu xe Cadillac One The Beast (Quái thú) trở về khách sạn Marriot, mật vụ Mỹ thân thiện cảm ơn sự hỗ trợ của các chiến sĩ CSGT thành phố Hà Nội trong quá trình tham gia hỗ trợ, bảo đảm an ninh. 

Đúng là, những lúc không quá căng thẳng với công việc, mật vụ Mỹ cũng có phút giây thoải mái và vui vẻ, khác xa với những gì chúng ta từng suy nghĩ trước đây. 


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 9.

Theo thống kê, hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội thu hút gần 3.000 phóng viên quốc tế đến từ 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này lớn hơn hẳn số lượng phóng viên tác nghiệp tại APEC 2017. 

Khách sạn JW Marriott, khách sạn Melia và khách sạn Metropole luôn là địa điểm săn tin tức của cánh phóng viên, trong suốt 2 ngày diễn ra hội nghị. Họ làm việc không mệt mỏi từ sáng sớm, tới tận 11h đêm mỗi ngày.

Trong số đó, một số phóng viên Hàn Quốc và Nhật Bản, với ngoại hình không thua kém các ca sỹ thần tượng, diễn viên, luôn là tâm điểm chú ý và thu hút mọi ánh nhìn mỗi khi họ có mặt để tác nghiệp. Dù là một bức hình chụp lén được đăng tải lên mạng xã hội, thần thái cuốn hút, nụ cười bẽn lẽn của những nam thanh nữ tú, có sức mạnh "gây thương nhớ" cực bền lâu.

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 10.

Dàn phóng viên quốc tế hàng "cực phẩm" tại thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019.

Baek Seung-woo (29 tuổi), hiện đang công tác tại đài Channel A, là một trong những cái tên nổi bật nhất giữa "dàn hoa thượng đỉnh". Seung-woo quê gốc ở thành phố Gyeongju, tỉnh Gyeongsang Bắc và hiện sống tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Anh tốt nghiệp ĐH Sogang và giữ chức chủ tịch Trung tâm Đào tạo Ngoại ngữ của trường. Anh cũng từng phục vụ trong lực lượng Không quân Hàn Quốc và làm phóng viên thực tập tại Văn phòng Quốc hội nước này.

Seung-woo tỏ ra rất vui mừng khi bức ảnh chụp "góc nghiêng thần thánh" của anh xuất hiện trên nhiều mặt báo, trang tin, mạng xã hội Việt Nam. Thậm chí anh đã chụp ảnh màn hình một bài viết rồi đăng tải lên trang instagram cá nhân thay cho lời cảm kích. 

Bên cạnh đó, Im Hye Jun - nàng phóng viên đến từ hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, là "bóng hồng" gây thương nhớ khi tác nghiệp tại khu vực ga Đồng Đăng - nơi đón chuyến tàu bọc thép đưa ông Kim từ Triều Tiên đến Việt Nam. 

Trong khung hình chụp vội, Hye Jun diện bộ vest lịch sự, tông màu nhã nhặn. Gương mặt thanh tú cùng mái tóc ngắn ôm sát của cô dễ dàng khiến đối phương "đổ rạp". Đặc biệt, nụ cười mắt híp đặc trưng xứ kim chi của Hye Jun càng mang tính "sát thương" cao. Cô thể hiện sự thân thiện của mình thông qua những bức ảnh chụp chung với các phóng viên quốc tế khác. 


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 11.

Ngay thời điểm Tổng thống Mỹ tuyên bố, thủ đô Hà Nội của Việt Nam là điểm đến của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2, các hãng thông tấn lớn trên thế giới đã bắt tay vào "cuộc chiến" chọn địa điểm ghi hình trên cao. Điều thú vị là từ những nóc nhà ấy, bạn bè quốc tế sẽ được chiêm ngưỡng toàn cảnh Hà Nội rất đẹp, bình dị và nên thơ, dù sáng hay đêm.

Khu vực được các đài truyền hình, hãng thông tấn "nhắm tới" nhiều nhất là phố cổ, nơi những toà nhà cao tầng hướng thẳng xuống Hồ Hoàn Kiếm - trung tâm Thủ đô. Trước hội nghị thượng đỉnh khoảng một tháng, phóng viên quốc tế đã bắt đầu tìm kiếm các khách sạn, quán cà phê cao tầng. Tỷ lệ chọi khá lớn, hoặc cạnh tranh gay gắt để có thể thuê được những tầng cao nhất của toà nhà. Được biết, các nhóm phóng viên làm việc xuyên ngày, yêu cầu khách sạn không để người ngoài can thiệp tới công việc của họ, nếu chưa được sự đồng ý và cho phép.

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 12.

Rất nhiều hãng thông tấn quốc tế đến Hà Nội dịp này và đều chọn địa điểm trên cao để dẫn bản tin thời sự.

Nếu không thể "chen chân" ở phố cổ, nhiều toà nhà cao tầng trên những con đường đẹp nhất Thủ đô như Nguyễn Chí Thanh, Thanh Niên, Liễu Giai cũng được các đài CNN, MBC, SBS lựa chọn.

Từ những trường quay "dã chiến" nhìn thấy toàn cảnh thành phố, các phát thanh viên mong muốn đem đến cho độc giả những hình ảnh, trải nghiệm đặc sắc và ấn tượng nhất. Đúng là, cách đơn giản nhất để nói với khán giả về địa điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh lần này, là lấy một trong những hình ảnh đặc trưng nhất của Hà Nội. Và Hồ Hoàn Kiếm, Tháp Rùa, cầu Thê Húc xuất hiện gần như xuyên suốt 2 ngày diễn ra cuộc gặp gỡ lịch sử Mỹ - Triều, bởi vẻ đẹp hùng vĩ và nguyên sơ của nó.

Lần này, Hà Nội mang trong mình sứ mệnh của thành phố vì hòa bình, thủ đô thân thiện cùng những cảnh sắc tự nhiên, hùng vĩ. Trước đây, có thể bạn bè quốc tế ít nhiều biết đến Hà Nội, đơn giản chỉ là thủ đô của một đất nước. Nhưng có lẽ giờ đây, Hà Nội đang từng ngày cố gắng vượt xa hơn nữa những gì chúng ta mong đợi. 

Từ những nóc nhà, bạn có thể chiêm ngưỡng khu vực trung tâm Hà Nội như thế này.

Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 15.

Đến với thượng đỉnh Mỹ-Triều 2019 tại Hà Nội, tất cả phóng viên quốc tế đều được thưởng thức miễn phí nhiều đặc sản nổi tiếng của Việt Nam, như bún chả, bún thang, nem, phở, cà phê trứng,... do chính tay nghệ nhân ẩm thực nổi tiếng nhất chế biến. Họ đặc biệt dành những lời khen có cánh cho ẩm thực dân dã Việt Nam. Nhiều người thậm chí đã rủ bạn bè cùng lê la hàng quán vỉa hè, khám phá thêm "văn hóa ăn uống" tại Thủ đô.

Bên cạnh đó, 2 nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong-un, cùng phái đoàn Mỹ-Triều cũng được thiết đãi những món ăn vô cùng Việt Nam. Trên bàn tiệc có vẻ như mang tiếng "sang chảnh", bạn sẽ thấy, những gì dân dã nhất đều "có mặt".

Một trong những điều ấn tượng nhất, chính là món nem Hà Nội với nguyên liệu tôm, thịt, dùng cùng bún, rau, nước chấm pha và ớt tươi, được chọn để chiêu đãi Tổng thống Trump sáng 27/2  tại Văn phòng Chính phủ. Bữa chính "vinh dự gọi tên" các món: Chả cá, thịt cá áp chảo; bít tết thịt bò thăn Wagyu và gan ngỗng; su su xào tỏi và xôi tôm bọc lá sen. 

Những món ăn bình dị xuất hiện trên bàn tiệc đón tiếp 2 nhà lãnh đạo và phái đoàn. 

Kế tiếp đó, bánh đa cua - đặc sản bình dân Hải Phòng lên bàn tiệc 5 sao tiếp đón phái đoàn Triều Tiên, khiến người dân vô cùng bất ngờ.  Hương vị bánh đa cua dù là đặc trưng của miền đất Cảng nhưng lại rất hợp khẩu vị với những vị khách phương xa, các cán bộ thuộc phái đoàn Triều Tiên tỏ ra rất thích thú khi được thưởng thức món ăn này.

Đặc biệt, một nhà hàng chuyên những món ăn dân dã tại Hà Nội có vinh dự đón đoàn đại biểu cấp cao của Triều Tiên. Thực đơn gồm 10 món, khai vị với món salad của quán, súp bào ngư, nem cua bể, bò nướng Nha trang, cuốn tôm, bánh xèo, cá lăng nướng, bê chao, đùi gà rán và cuối cùng là chè tổ yến chưng trong quả đu đủ.

Cho dù là ai đi chăng nữa, khi tới Việt Nam, đều được chúng ta đón tiếp bằng những thức ăn bình dị nhưng đậm chất văn hóa. Đó cũng là một cách để sau này khi nhắc nhớ Việt Nam, vẫn là sẽ những hình ảnh dung dị như chính đất nước, con người chúng ta.  


Những câu chuyện bên lề Thượng đỉnh Mỹ - Triều: Ông Trump vẫy cờ Việt, Chủ tịch Kim tươi cười và một Hà Nội mến khách! - Ảnh 17.

Chúng ta đã cùng nhau đi qua những ngày chuẩn bị trang hoàng đường phố rộn rã, thời khắc hồi hộp, háo hức đón chào Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Kim, sự tiếc nuối thoáng nhẹ khi cú bắt tay lịch sử không thành hiện thực.

Nhưng không sao, bạn thấy đấy, những anh chàng mật vụ với vẻ ngoài "bặm trợn", tưởng như chỉ biết lạnh lùng không thôi, cũng đã nở nụ cười thân thiện. Dàn phóng viên "trai tài, gái sắc" bỗng nổi tiếng, được công chúng săn đón chẳng khác gì những ca sĩ thần tượng. Người dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, luôn trong tâm thế đầy hân hoan. Từ nhân viên văn phòng, tới người lao động bình thường, từ em nhỏ tới những cụ già, họ mang theo cờ, hoa và những hình ảnh đẹp về Mỹ - Triều Tiên, đứng thành những hàng dài, đợi chờ suốt nhiều tiếng đồng hồ, chỉ để hòa mình vào dòng người, "xích" lại gần hơn với những Nguyên thủ quốc gia. 

Có những ngày Hà Nội dành nguyên con đường đón Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim. Hình ảnh hiếm gặp về một thủ đô vốn ồn ào và tấp nập.

Cô dâu chú rể xách váy chạy bộ ngày Hà Nội cấm đường bảo vệ Thượng đỉnh. Ảnh: VTCNews

Và đặc biệt, 2 nhân vật chính, 2 nhà lãnh đạo tài ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, đều đã nở những nụ cười vui vẻ nhất, thoải mái nhất khi được cùng nhau ngồi lại, bàn về hòa bình thế giới. 

Chúng ta vẫn không thôi hy vọng về bức tranh thế giới trong tương lai, một tiến triển hòa bình, phát triển cho Triều Tiên, sự vững mạnh, đi đầu của cường quốc Hoa Kỳ. Bởi, ngày mai vẫn còn đang phía trước. Ít nhất, cuộc hội ngộ lần này của cả hai đã cùng tạo ra ý tiến bộ. Điều quan trọng là Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Kim đều đã cam kết về một viễn cảnh mới.

Cuối cùng, Hà Nội tự hào đã góp phần nhỏ bé cho lần tiếp đón đáng nhớ này. Xin chào, cảm ơn và hẹn ngày gặp lại!

Hà Nội, hẹn ngày gặp lại!