Hỏi khó: Vết thương ở miệng và ngoài da, ở đâu lành nhanh hơn nhỉ? Và câu trả lời là...

Đặng Nghiêm, Theo Helino 22:05 28/07/2018

Sự khác biệt trong bộ gene của hai bộ phận này tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng chúng lại mang đến kết quả trái ngược nhau hoàn toàn.

Ắt hẳn không ít lần chúng ta "lỡ miệng" cắn trúng, hay bị xước vùng nướu do ăn phải thức ăn cứng. Và cảm giác này thật sự chẳng dễ chịu một chút nào cả.

Hỏi khó: Vết thương ở miệng và ngoài da, ở đâu lành nhanh hơn nhỉ? Và câu trả lời là... - Ảnh 1.

Thế nhưng, nếu bạn để ý một chút, vết thương ở miệng dù khó chịu, nhưng sẽ chóng lành lại trong một thời gian ngắn. 

Còn với những tổn thương tương tự ở các vùng da khác, chúng sẽ mất một khoảng lâu hơn mới trở về bình thường.

Vì sao lại có điều lạ kỳ này thế nhỉ?

Hỏi khó: Vết thương ở miệng và ngoài da, ở đâu lành nhanh hơn nhỉ? Và câu trả lời là... - Ảnh 2.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Translational Medicine, đội ngũ các nhà khoa học tại Viện Y học Hoa Kỳ đã tìm ra được yếu tố đặc biệt khiến việc phục hồi tổn thương ở vùng miệng nhanh chóng hơn cả.

Để thực hiện nghiên cứu, họ đã thử nghiệm tạo ra các vết thương nhỏ ở cánh tay và miệng cùng lúc, có cùng độ nông-sâu tương đồng nhau. Mục đích của việc này là để xem tốc độ hồi phục của hai vết thương có sự khác biệt hay không (trong điều kiện không có các tác nhân gây ảnh hưởng, như hút thuốc, không súc miệng, che chắn vết thương kỹ lưỡng...).

Hỏi khó: Vết thương ở miệng và ngoài da, ở đâu lành nhanh hơn nhỉ? Và câu trả lời là... - Ảnh 3.

Hình ảnh đối chứng về tốc độ hồi phục của vết thương có kích thước 3-mm (Group 1) và 5-mm (Group 2) lần lượt ở da và nướu. Trong khi vết thương ở miệng chỉ mất từ 6 – 7 ngày để hồi phục, vùng da phải mất hơn 1 tuần mới lành hẳn.

Kết quả là, cùng một mức độ tổn thương nhưng vùng niêm mạc nướu chỉ tốn chưa đến 10 ngày để hồi phục hoàn toàn. Trong khi đó, vùng da cánh tay của chúng ta phải tốn đến 14-15 ngày cho kết quả tương tự.

Tiếp đến, khi đem các mẫu tế bào ở những vết thương này để phân tích, đội ngũ nghiên cứu đã phát hiện thêm nhiều điều lý thú.

Hỏi khó: Vết thương ở miệng và ngoài da, ở đâu lành nhanh hơn nhỉ? Và câu trả lời là... - Ảnh 4.

Cụ thể, các tổ hợp gene như SOX2, PITX1 và PITX2 chỉ có trong tế bào niêm mạc má có chức năng giúp tổ chức sống được tái tạo nhanh chóng - gấp 4 lần so với các cơ quan khác. Và khi thử nghiệm các loại protein này trên da của loài chuột, sự phục hồi cũng được thúc đẩy đáng kể, so với quá trình tự nhiên.

"Kết quả nghiên cứu có thể là bước tiến mới trong việc tìm ra phương pháp phục hồi vết thương bằng sinh học cho con người" - đội ngũ nghiên cứu đã phát biểu trên tạp chí.

Viễn cảnh về phương pháp điều trị nhờ vào việc bổ sung hệ gene này mang lại hi vọng trong tương lai. Tuy nhiên, có lẽ các nhà khoa học sẽ cần một chút thời gian nữa, để mang lại kết quả khả quan nhất đến người bệnh.

Theo RealClearScience, ScienceMag