Hội độc thân chi 20-30 triệu ngày Tết: Ám ảnh nhất là khoản lì xì, không tiếc tiền biếu bố mẹ

Tô Diệp - Thiết kế: Hoàng Sơn - Ảnh: NVCC, Theo Phụ nữ số 16:48 01/02/2024
Chia sẻ

Chỉ cần chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ tránh được những áp lực chi tiêu ngày Tết.

Dự tính chi 20-30 triệu cho Tết

Minh Đức (sinh năm 1991, TP Hồ Chí Minh) dự tính sẽ chi 20 triệu đồng cho Tết 2024. Trong đó, biếu bố mẹ khoảng 15 triệu, mua đồ Tết 5 triệu. “Khoản lớn nhất là dành cho ba mẹ. Cả năm quần quật làm việc, mình muốn biếu một khoản tiền đủ để ba mẹ ăn Tết đầy đủ. Thật ra, ba mẹ mình cũng lấy tiền đó để mua đồ trong nhà nên cuối cùng mình cũng được hưởng ít”.

Nguyên tắc chi tiêu Tết của Minh Đức là coi trọng sự thoải mái. Cả năm chi tiêu đều phải suy nghĩ cẩn thận kỹ càng, Tết là dịp để nghỉ ngơi nên muốn chi tiêu thoải mái hơn, bớt lo nghĩ. Một năm có 12 tháng, tháng nào cũng phải lo lắng thì cuộc sống rất áp lực, tất nhiên vẫn cần chi tiêu sao cho không vượt quá mức kiểm soát. Ví dụ, thông thường mỗi tháng chi tiêu 10 triệu, Tết có thể gấp đôi chi tiêu. Cho đến bây giờ, cậu bạn đã mua quần áo, giày dép mới, còn bánh trái sẽ đợi gần Tết mới sắm.

Hội độc thân chi 20-30 triệu ngày Tết: Ám ảnh nhất là khoản lì xì, không tiếc tiền biếu bố mẹ - Ảnh 1.

Minh Đức

Cũng giống Minh Đức, Ngọc Linh (sinh năm 1998, Hà Nội) dự tính chi 20 triệu vào dịp Tết. Các khoản mục bao gồm

- Gia đình khoảng 5 triệu: mua thực phẩm chức năng tặng bố mẹ, sắm bánh kẹo, trang trí nhà cửa,…

- Bản thân khoảng 10 triệu: sắm quần áo, làm tóc, làm nail, chụp ảnh Tết, rửa và bảo dưỡng xe ô tô,…

- Mua quà tặng đối tác dự chi khoảng 5 triệu

“Năm nay mình có dự định chi tiêu cho Tết ít hơn năm ngoái vì nền kinh tế đang khó khăn, thu nhập của mình cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do vậy mình lên kế hoạch chi tiêu chi tiết làm sao để tiết kiệm nhất mà vẫn vừa đủ”.

Khoản chi lớn nhất của Ngọc Linh là dành cho bản thân. Mọi người hay bảo cả năm mới có một ngày Tết, việc quan trọng để dồn đến Tết. Và Ngọc Linh nghĩ đó cũng là một cách để tự thưởng cho bản thân sau một năm cố gắng và có thêm động lực cho năm tới.

Còn Thảo Linh (sinh năm 1997, Hà Nội) dự tính chi khoảng 30 triệu cho Tết. Trong đó, biếu bố mẹ 15 triệu đồng, vì làm xa nhà nên muốn tặng bố mẹ một khoản “xông xênh" nhân dịp đầu năm. Lì xì cho cháu và con đồng nghiệp khoảng 7-8 triệu đồng. Mua sắm cá nhân khoảng 3 triệu đồng và 5 triệu để tụ tập bạn bè. “Khoản chi ăn uống gặp gỡ khá nhiều nhưng mình thấy khá xứng đáng. Bởi vì công việc bận rộn, Tết là dịp duy nhất mà mình có thể thoải mái ăn uống, trò chuyện với bạn bè".

Áp lực chi tiêu Tết?

Trên thực tế con số 20-30 triệu đồng không hề nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, chi tiêu Tết tăng vọt so với những tháng khác có thể khiến những người trẻ cảm thấy khá áp lực trong tài chính.

Theo Ngọc Linh, dù đã bước sang độ tuổi 26, cô bạn vẫn luôn loay hoay và tìm cách để giải những bài toán tài chính cá nhân. Do vậy, chắc chắn những thời điểm phải chi tiêu nhiều như Tết, cô bạn cảm thấy khá áp lực. ''Cuối tuần vừa rồi mình tranh thủ đi siêu thị sắm đồ cho gia đình, thấy các khoản nhỏ cộng dồn lại tăng vọt hơn so với những tháng trước. Dù con số vẫn nằm trong kế hoạch dự chi ban đầu, mình vẫn khá đau đầu. Tất nhiên cả năm chỉ có 1 dịp Tết, mình ủng hộ việc chi tiêu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, mình cần có kế hoạch chi tiêu hợp lý phù hợp với tài chính cá nhân".

Bên cạnh đó, cô bạn cũng rút ra được rất nhiều bài học sau những lần sắm Tết, dần dần tìm được cách chi tiêu phù hợp. Chẳng hạn năm ngoái, chưa có nhiều kinh nghiệm sắm Tết, sát Tết Ngọc Linh mới đi mua sắm cho gia đình. Khi đó, đồ đạc không còn nhiều, đường xá cũng tắc dẫn đến việc nhà thiếu đồ và mất nhiều thời gian cho việc mua sắm. Đó là một bài học rút kinh nghiệm cho năm nay. Những đồ có thời hạn sử dụng lâu dài, cô bạn sẽ mua trước Tết khoảng 1 tháng để có nhiều sự lựa chọn và tiết kiệm thời gian hơn.

Hội độc thân chi 20-30 triệu ngày Tết: Ám ảnh nhất là khoản lì xì, không tiếc tiền biếu bố mẹ - Ảnh 2.

Ngọc Linh

Còn đối với Thảo Linh, điều cô ''ám ảnh" nhất ngày Tết những năm gần đây đó chính là số tiền lì xì. Do họ hàng khá đông, có nhiều cháu nên cô bạn thường sẽ phải lì xì kha khá. ''Thật ra có lẽ một phần do mình còn độc thân nên cảm thấy hơi 'xót' tiền. Nhưng dần dần mình học cách xem đó là số tiền cần thiết phải tiêu. Tết là dịp để lì xì cho các cháu lấy may, mong cầu 1 năm mới vui vẻ, mạnh khỏe. Còn lì xì con đồng nghiệp thì đó là một cách xã giao trong môi trường công sở, văn hoá công ty. Mình coi đó là cách để kết nối với đồng nghiệp".

Còn những khoản tiền dành cho gia đình và bản thân, Thảo Linh cho rằng nó vẫn nằm trong tầm kiểm soát nên không quá áp lực. Trên thực tế, cô bạn đã tiết kiệm chi tiêu Tết từ đầu năm và lên kế hoạch từ sớm nên không có nhiều khoản phát sinh, bất ngờ.

''Mình làm thu nhập 30 triệu/tháng, trong năm mình sẽ tiết kiệm 1-2 triệu/tháng để tết sử dụng. Nếu có thưởng Tết, mình sẽ có thêm tiền sử dụng thêm hoặc tiết kiệm cho những mục tiêu tài chính trong năm sau. Còn nếu như không có tiền thưởng, mình cũng không sợ Tết không có tiền tiêu'', Minh Đức chia sẻ.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày