Nhận lương tháng 13 đừng vội đâm đầu sắm Tết: Chịu khó làm điều này để tiền đẻ ra tiền

Vân Anh, Theo Phụ nữ mới 10:08 01/02/2024
Chia sẻ

Nếu chưa biết dùng tiền lương tháng 13 thế nào để “tiền đẻ ra tiền", đây là gợi ý dành cho bạn.

Những ngày cuối năm, nhiều dân văn phòng đã bắt đầu nhận những đồng tiền lương tháng 13. Lúc này, bài toán họ cần giải là làm sao chi tiêu hợp lý số tiền này để không gây lãng phí và tận dụng tốt chúng cho các mục tiêu tài chính sau này?

Nếu còn chưa biết tiêu xài lương tháng 13 thế nào, hãy thử tham khảo gợi ý của Sophie Nguyễn - một dân văn phòng đang sống tại TP.HCM. Hiện, cô nàng này đang sở hữu kênh YouTube chuyên chia sẻ quan điểm về tài chính cá nhân.

Được biết, trong năm 2023, cô đã dùng tiền lương tháng 13 đi đầu tư vàng và thu được một khoản lời từ đây. Nếu vẫn chưa biết dùng lương tháng 13 thế nào, hãy thử tham khảo các gợi ý tài chính từ Sophie Nguyễn.

Nhận lương tháng 13 đừng vội đâm đầu sắm Tết: Chịu khó làm điều này để tiền đẻ ra tiền - Ảnh 1.

Sophie Nguyễn

Hai bước cần làm trước khi tính nên dùng lương tháng 13 thế nào

- Bước 1: Chuẩn bị trước khoản tiền dành để chi tiêu Tết từ đầu năm

Nếu tính toán kỹ càng các khoản cần chi tiêu Tết từ sớm thì vào những ngày cuối năm, bạn sẽ giảm gánh nặng tài chính khi phải dùng hết số lượng lớn tiền bạc trong thời gian. Đồng thời, bạn cũng thuận tiện lên kế hoạch sử dụng dùng lương tháng 13.

Vậy chuẩn bị trước khoản tiền chi tiêu Tết này như thế nào?

Về bản thân Sophie Nguyễn, từ những năm gần đây, cô đã tính toán trước mình cần chi bao nhiêu tiền trong đợt Tết. Đây là một con số cố định và ít biến động qua từng năm. Tiếp theo, cô sẽ chuẩn bị khoản tiền tiêu Tết này trải dài suốt một năm, chứ không phải chỉ đợi đến mấy tháng cuối năm thì "nước đến chân mới nhảy".

Sophie Nguyễn lấy ví dụ, giả sử bạn tính trong năm tới bản thân cần khoảng 30 triệu đồng để chi tiêu Tết. Bạn hãy lấy 30 triệu đồng chia cho 365 ngày, như thế tức mỗi ngày bạn cần để dành được khoảng 82 ngàn đồng là đủ. Hoặc nếu không muốn để dành tiền theo từng ngày, bạn hãy chia nhỏ 30 triệu đồng cho 12 tháng. Tức, mỗi tháng bạn phải đảm bảo tiết kiệm được 2,5 triệu đồng.

Tiếp theo, Sophie Nguyễn cài đặt trên ứng dụng ngân hàng chức năng tự động trừ tiền theo từng ngày. Số tiền tích luỹ qua một năm chính là khoản chi tiêu Tết của cô. Cũng nhờ thế trước đợt Tết Nguyên đán 2024, cô đã có đủ tiền tiêu Tết nhờ lên kế hoạch từ đầu năm 2023.

Nhận lương tháng 13 đừng vội đâm đầu sắm Tết: Chịu khó làm điều này để tiền đẻ ra tiền - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

- Bước 2: Xác định không tiêu hết tiền lương tháng 13

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể để dành được một khoản tiền đủ để chi tiêu Tết mà không cần động tới lương tháng 13. Với trường hợp này, Sophie Nguyễn khuyên bạn có thể coi năm cũ là "nháp" và lên kế hoạch chuẩn bị tiền tiêu Tết từ đầu năm 2024.

Và kể cả khi bạn cần dùng lương tháng 13 để chi tiêu Tết, bạn vẫn nên để dành tiền tiết kiệm là 40-60% từ thu nhập này thay vì dùng hết toàn bộ chỉ trong vài ba ngày Tết. Với khoản tiền tiết kiệm đó, bạn hãy mang chúng đi làm nhiều mục tiêu tài chính khác, nhằm giúp "tiền đẻ ra tiền" hoặc khiến cuộc sống trong năm tới thuận tiện hơn.

Mang tiền lương tháng 13 đi đầu tư ở đâu?

Từ trải nghiệm cá nhân, Sophie Nguyễn chia sẻ có 5 khoản chi tiêu mà bạn nên ưu tiên dùng tiền tiết kiệm từ lương tháng 13 để lấp đầy.

1. Quỹ dự phòng khẩn cấp

Lương tháng 13 là cơ hội để tốt để bạn lấp đầy quỹ dự phòng khẩn cấp. Chúng sẽ đảm bảo tình hình tài chính, đồng thời phòng ngừa rủi ro cho bạn và người thân. Quỹ dự phòng khẩn cấp cũng khiến bạn có một nền tảng tài chính nhất định để chuyển sang các bước tiếp theo, chẳng hạn như mang tiền đi đầu tư.

2. Trả nợ

Một trường hợp khác, bạn cũng nên dùng lương tháng 13 để trả nợ thẻ tín dụng, nợ ngân hàng hoặc người thân. Bởi lẽ thời điểm này chủ nợ… cũng kỳ vọng bạn trả nợ cho họ. Thêm nữa, việc trả nợ cũng tương tự như cho tiền vào quỹ dự phòng khẩn cấp, chúng giúp bạn cải thiện tình hình tài chính và có thêm động lực để thực hiện các bước làm giàu khác.

Nhận lương tháng 13 đừng vội đâm đầu sắm Tết: Chịu khó làm điều này để tiền đẻ ra tiền - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

3. Đầu tư

Trong năm ngoái, Sophie Nguyễn đã trích lương tháng 13 để mua 1 lượng vàng SJC với mức giá 67,5 triệu đồng. Trải qua một năm giá vàng biến động thì hiện tại, giá vàng SJC đang ở mốc 75,4 triệu đồng. Nói cách khác, cô đã lãi khi biết chọn kênh đầu tư tốt nhờ tiền lương tháng 13. Hiện tại, Sophie Nguyễn đã dùng lương tháng 13 để mua chứng khoán và dự định phân bổ tiếp vào khoản đầu tư khác.

"Đó (mua vàng từ tiền lương tháng 13 - PV) là khoản chi tiêu mình thấy hoàn toàn xứng đáng thay vì chi tiêu cho cá nhân trong những ngày Tết", Sophie Nguyễn nhớ lại.

Với tiền lương tháng 13, bạn có thể bắt đầu tìm hiểu hình thức đầu tư phù hợp với bản thân như mua vàng, mua cổ phiếu, đầu tư chứng chỉ quỹ… "Nếu như bạn từng đầu tư lâu rồi thì sẽ biết khi vốn của bạn càng thoải mái thì cơ hội càng tiến tới sẽ nhiều như thế nào", Sophie Nguyễn nói thêm.

Nhận lương tháng 13 đừng vội đâm đầu sắm Tết: Chịu khó làm điều này để tiền đẻ ra tiền - Ảnh 4.

Sophie lãi khi mua vàng đầu tư bằng tiền lương tháng 13 của năm ngoái (Ảnh minh hoạ)

4. Đầu tư cho bản thân

Hãy tham khảo dùng tiền lương tháng 13 để nâng cấp cho mình như học ngoại ngữ mới, học nhạc cụ, học đầu tư hay thay đổi hình ảnh cá nhân. Ảnh hưởng đối với tương lai, hoặc gần nhất là một năm tới có thể tốt hơn nhiều so với việc dùng tiền lương tháng 13 để chi tiêu trong 3-5 ngày Tết.

"Ăn chơi thì rồi cũng sẽ qua. Nhưng số tiền bạn dành cho đầu tư và đầu tư vào bản thân các bạn sẽ tạo tác động lâu dài. Nó mang lại cho bạn 1 năm tươi sáng hơn", Sophie Nguyễn bày tỏ.

5. Tiết kiệm

Đây là một phương án an toàn và luôn đúng nếu bạn chưa biết nên làm gì hay không có hứng thú sử dụng lương tháng 13. Đó sẽ là số tiền trong tương lai nếu bạn cần có vốn để làm một cái gì đó.

Tại sao không nên chi tiêu quá nhiều cho dịp Tết?

Theo nhận định từ Sophie Nguyễn, có một vài lý do mà bạn không nên quá tập trung vào chi tiêu Tết, cũng như cảnh giác tiêu tiền vào dịp này.

Thứ nhất, việc chi tiêu trong mùa Tết thường được thúc đẩy bởi cảm xúc hơn là câu chuyện thực tế cá nhân

Điều này đến từ việc ở thời điểm cuối năm nhiều nhãn hàng tung chương trình sale và các campaign quảng cáo nói về Tết khiến chúng ta nảy sinh suy nghĩ muốn mua sản phẩm. Mà chúng ta lại đang có sẵn đủ loại tiền từ tiền lương, tiền thưởng Tết, tiền lương tháng 13… thì dễ rất đến quyết định mua hàng.

Bên cạnh đó, cuối năm là lúc chúng ta thường suy nghĩ "một năm qua làm vất vả rồi thì cuối năm chi tiêu thoải mái một tí đi". Đây chính là lúc cảm xúc dẫn dắt bạn mua hàng, chứ không còn đơn thuần là lý trí. Lúc này bạn đã có "thiên thời địa lợi nhân hoà" để tiêu tiền. Tức bạn vừa có cớ tiêu tiền, mà lại có sẵn nhiều tiền trong ví hơn mức bình thường.

Thứ hai là tâm lý peer pressure (áp lực đồng trang lứa)

Khi thấy nhiều người nói mình cần làm thế này thế kia vào ngày Tết, bạn rất dễ gặp áp lực tài chính, tệ hơn là không muốn về quê ăn Tết nữa. Nếu như bạn chưa rõ về tiêu chuẩn và mục tiêu tài chính của mình thì sẽ dễ dàng chạy theo đám đông, từ đó khiến cái Tết không còn vui nữa.

Sau cùng, Sophie Nguyễn bày tỏ khoản tiền lương tháng 13 này không phải để trả cho nhân viên vào thời điểm cuối năm. Mà chúng dùng để trả cho cho 12 tháng nỗ lực làm việc, do đó bạn hãy sử dụng đồng tiền này sao cho xứng đáng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày