Giả như Harry Potter có trộn lẫn với cả dòng phim X-Men và đẻ ra một đứa con ngoài giá thú, đó chắc chắn sẽ là Học Viện Sát Thủ (Deadly Class). Được sản xuất bởi đạo diễn của Avengers và dựa trên truyện tranh cùng tên, series này thực chất đã ra mắt từ năm ngoái, nhưng phải đến bây giờ khi được chiếu trên Netflix thì mới được khán giả Việt Nam chú ý. Bộ phim về hội teen sát thủ siêu cáu bẳn, hậm hực cũng nhanh chóng leo lên top 3 Thịnh hành của Netflix, chỉ xếp sau Start Up và Gambit Hậu. Liệu đây có phải là một tác phẩm đáng xem?
Trailer của Học Viện Sát Thủ (Deadly Class)
Học Viện Sát Thủ kể về anh chàng Marcus mồ côi, lang thang cơ nhỡ bất ngờ được tuyển chọn vào Kings Dominion - một mái trường chuyên đào tạo sát nhân. Ngôi trường này được theo học bởi toàn các con cái, cháu chắt của giới giang hồ khét tiếng, chính vì vậy mặt ai cũng hằm hằm rất nguy hiểm. Tất cả được quản lý dưới trướng của “hiệu trưởng” là thầy Lâm - được thủ vai bởi nam diễn viên Benedict Wong (đã từng đóng Marco Polo và Doctor Strange). Xuyên suốt 10 tập phim, khán giả sẽ theo dõi những đứa trẻ sát nhân đi đánh chém, thanh toán người không ghê tay. Nếu như phần nội dung có chút tỏ ra nguy hiểm thì Học Viện Sát Thủ cũng khiến khán giả thỏa mãn với những pha hành động mãn nhãn, hấp dẫn.
Cảm nhận đầu tiên khi xem Học Viện Sát Thủ, có lẽ khán giả sẽ tưởng như đang đi lạc vào Hogwarts phiên bản siêu cục súc, chỉ một cái động chạm nhẹ cũng đủ để các “giang hồ nhí” lôi nhau ra xử đẹp. Các lớp học của phim nghe qua cũng rất màu mè với “Nghệ thuật hắc ám nâng cao” hay “Độc dược”, chỉ có điều thay vì mấy trò phù thủy thì nội dung các lớp ấy toàn dạy cách thanh toán lẫn nhau.
Mặc dù là một bộ phim bạo lực, đen tối, Học Viện Sát Thủ cũng nỗ lực trong việc phóng những góc nhìn mới về thế giới trần trụi, tham quyền lực. Trong ngôi trường của cũng có sự phân chia giai cấp mạnh mẽ, khi những đứa con của ông chủ, bà chủ băng đảng sẽ được nằm ở “chiếu trên”, trong khi những kẻ cơ nhỡ giống Marcus thì bị gọi là “chuột” dưới đáy xã hội. Ông thầy Lâm của phim cũng có cái nhìn vô cùng tiêu cực về thế giới, luôn miệng nhắc nhở các học sinh thân yêu của mình phải “trau dồi” khả năng đâm chém, để làm gì thì cũng ít người rõ.
Vấn đề chính của phim là việc nó tỏ ra quá nghiêm túc, nguy hiểm, trong khi nội dung lại không sâu sắc đến vậy. Bởi lẽ phim rơi quá nặng nề vào mặt đen tối, hành động máu me be bét cũng như drama tuổi teen, thông điệp của Học Viện Sát Thủ không được đề cao và làm rõ. Đâu đó sẽ có những đoạn hội thoại dài dòng càng nghe càng lòng vòng, khó hiểu.
Có thể gọi ngôi trường của Học Viện Sát Thủ là một xã hội thu nhỏ vì nhà sản xuất đã xây dựng đủ mọi hình tượng rập khuôn về mọi nền văn hóa. Saya (được thủ vai bởi Lana Condor) là nhân vật có gốc Nhật Bản, vậy nên rất quan trọng “danh dự” và vũ khí yêu thích là cây kiếm. Những nhân vật Mexico thì sẽ đi bán thuốc phiện, dân da đen thì cầm súng… Tất cả đều cáu giận 24/7 và hở tí là “bem” nhau sấp mặt không nể nang gì. Các hình tượng nhân vật này khiến Học Viện Sát Thủ trở nên rất đa dạng, màu mè, nhưng không nặng về mặt nội dung hay tâm lý mà chỉ đơn giản là để khoe mẽ, hút mắt khán giả.
Phải đến hết 4 tập đầu tiên, khi nội dung của phim khá hơn bằng việc cắt bỏ bớt những chi tiết sát thủ “tỏ ra nguy hiểm” và tập trung vào các drama học đường của hội teen, các nhân vật mới thực sự tỏa sáng. Những diễn viên của phim khi ấy cũng mới có cơ hội để thể hiện năng lực của mình khi bị tổn thương, đau đớn giày vò chứ không chỉ cười phớ lớ khi đâm nhau sau lưng như trước.
Lana Condor thoát xác thành công so với hình ảnh cô bé kẹo ngọt trong phim cũ
Nữ diễn viên Lana Condor - nổi tiếng với vai cô nàng ngọt ngào như kẹo bông của loạt phim To All The Boys I’ve Loved Before - thực sự lột xác với nhân vật Saya mặt lạnh như tiền và hai cánh tay thì xăm kín. Đây cũng là nhân vật sáng nhất của Học Viện Sát Thủ, lấn lướt cả nam chính Marcus. Dẫu vậy, gương mặt “búng ra sữa” của nữ diễn viên gốc Cần Thơ vẫn khó thể hiện được sự góc cạnh của nhân vật và khiến người xem phải nhớ mãi về sau.
Điểm cộng lớn nhất của Học Viện Sát Thủ chính là mảng hành động được phim đầu tư rất tốt. Những phân đoạn võ thuật, “động tay động chân” được thực hiện chỉn chu và mãn nhãn và đôi khi rất “nặng đô”.
Đừng mong chờ những pha xử lý mượt mà đến độ John Wick, thế nhưng điểm đặc biệt ở Học Viện Sát Thủ chính là phim lại vô cùng sáng tạo trong việc sử dụng vũ khí, biến các màn ám sát, đánh nhau trở nên vừa bất ngờ, vừa hấp dẫn.
Giữa mùa phim Âu Mỹ đang khá “hẻo”, không ngạc nhiên khi một gương mặt như Học Viện Sát Thủ lại leo lên được top 3 Thịnh Hành của Netflix. Bộ phim này mặc dù nội dung không quá lắt léo, thông minh thì vẫn cân bằng lại được nhờ mảng miếng hành động “chặt chém”, các đoạn cao trào, giật gân cũng được làm khá hết mình để sau đó khiến người xem thỏa mãn. Tóm lại, đây là một bộ phim giải trí mãn nhãn, thích tỏ ra nguy hiểm nhưng lại thất bại ở chính cái hố mà nó đào ra.
Học Viện Sát Thủ hiện đang được chiếu đủ 10 tập trên Netflix.
Nguồn ảnh: Syfy