Tỷ lệ chọi gần 1/15 và 10 ngày 4 kỳ thi vào trường chuyên
Trên địa bàn Hà Nội, ngoài hệ thống các trường THPT thuộc Sở GD&ĐT thì còn có hệ thống các trường ĐH. Các trường này gồm: THPT chuyên Sư phạm, THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (thuộc ĐH Sư phạm), THPT chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội), THPT chuyên ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội), THPT khoa học giáo dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội). Như vậy, tính riêng ĐH Quốc gia Hà Nội là có 3 trường THPT. Trong đó, riêng THPT chuyên ngữ còn có cả hệ THCS bắt đầu tuyển sinh từ năm nay.
Theo thông báo của các trường, thì tỷ lệ chọi năm nay vào các trường chuyên không thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội cao nhất là THPT chuyên Sư phạm. Hệ chuyên của trường này (trường còn có hệ cận chuyên) tỷ lệ chọi lên tới 1/14,5. Trường còn dành không quá 10% chỉ tiêu vào các lớp chuyên để tuyển thẳng học sinh có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập ở bậc THCS. Vì vậy, tỷ lệ chọi thực tế cao hơn một chút.
Tính riêng hệ chuyên, tỷ lệ chọi vào trường THPT Chuyên ngữ là 1/11,8. Trong đó, lớp chuyên Tiếng Hàn và Tiếng Nga có mức cạnh tranh cao nhất. Có 455 em đăng ký dự thi lớp chuyên Tiếng Hàn, nhưng chỉ tiêu cho lớp này chỉ là 20.203 em đăng ký dự thi chuyên Tiếng Nga trong khi trường chỉ 10.
Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên tuyển 450 chỉ tiêu vào các lớp chuyên Toán, Tin, Vật lý, Hóa học và Sinh học. Trong khi đó, số hồ sơ đăng ký là 2.660 (tỷ lệ chọi 1/6).
Điều đáng nói, các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH đều tổ chức thi với thời gian rất gần nhau. Trong khoảng 10 ngày từ 26/5 đến 4/6, có thí sinh của Hà Nội chạy sô 4 kỳ thi vào trường chuyên. Trong đó có 3 kỳ vào các trường THPT chuyên thuộc các trường ĐH và 1 kỳ thi vào trường chuyên của Sở GD&ĐT Hà Nội (gồm THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT chuyên Sơn Tây, THPT Chu Văn An).
Không những thế, để chắc một suất vào được trường THPT như mơ ước, nhiều phụ huynh còn bắt con phải thi cả vào những trường THPT ngoài công lập hoặc THPT thuộc các trường ĐH như THPT Khoa học giáo dục, trường ĐH Giáo dục, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội... Như vậy, số lượng kỳ thi thí sinh phải tham gia không phải chỉ dừng lại ở 3 hay 4 trong 10 ngày.
Phụ huynh đừng bắt con làm “trang sức” cho mình
Chị Nguyễn Diệu Hương, Ba Đình, Hà Nội năm nay có con thi vào lớp 10 THPT. Cũng lo cho con, đưa đón con đi học ở trường, học thêm nhưng chị không còn “dám ép con” như cách đây 4 năm đối với cô con gái đầu.
Kể về cô con gái lớn, chị Hương cho biết ngày đó, chị tự tin vào khả năng của con nên bắt con làm hồ sơ dự thi tất cả các trường THPT chuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Chị nhẩm tính, ít ra thì con chị cũng phải đỗ chuyên Anh, trường THPT chuyên ngữ. Thế nhưng sau khi các trường THPT chuyên báo điểm, con chị không có tên trúng tuyển trong bất cứ trường THPT chuyên nào. Không những thế, hy vọng cuối cùng của chị là con sẽ đỗ THPT Việt Đức cũng không thành khi con thi thực chất chỉ đủ điểm đỗ nguyện vọng tràn (nguyện vọng 3).
Không muốn con phải đi học xa, cuối cùng, năm đó, chị cho con học một trường ngoài công lập. Năm nay, cậu con út lại vào lớp 10 nhưng chị vẫn ám ảnh ánh mắt của cô con gái cả trước những quyết định thay con của chị 4 năm trước. Phải hết học kỳ I năm đó, con gái chị mới nói chuyện bình thường với chị. Thế nên, khi cậu út cho biết nguyện vọng 1 đăng ký vào một trường top 2 gần cơ quan mẹ là chị gật đầu đồng ý luôn, miễn là con tự tin, và muốn được học ở ngôi trường đó.
Đứng dưới góc độ một nhà giáo, thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lê Quý Đôn, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết việc các trường THPT tổ chức thi tuyển sinh đó là cơ hội và thách thức cho thí sinh. Các trường có quyền làm việc này vì số lượng chỉ tiêu có hạn. Thí sinh có tham gia hay không là quyền quyết định của thí sinh và phụ huynh.
Theo thầy Quốc Bình, việc phụ huynh chạy đua vào những trường có chất lượng, có danh tiếng cũng là một điều tốt. Nhưng quan trọng nhất, phụ huynh phải hiểu được năng lực thực sự và mong muốn của con em. “Hãy biết con mình là ai, đừng quá kỳ vọng vào con cái, đừng bắt con chạy theo làm đồ trang sức cho mình” - thầy Nguyễn Quốc Bình nói.
Thầy cũng chia sẻ câu chuyện từng chứng kiến học trò của mình đã khóc khi bố mẹ bắt thi vào trường chuyên. Vì đó không phải là mong muốn, thực lực, hạnh phúc của con. Mà đó là áp lực và là nỗi buồn của con. Chạy theo các kỳ thi sẽ không phải là áp lực lớn nếu con có nguyện vọng và có năng lực. Còn nếu vì cha mẹ thì thầy Bình cho rằng không nên.