Tuyển sinh đại học ở nước ngoài khác Việt Nam như thế nào?

Trace, Mỹ Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 24/08/2015
Chia sẻ

Kỳ thi Tuyển sinh Đại học cam go vừa kết thúc, không những học sinh, phụ huynh mà người dân cả nước đều “hoang man, bấn loạn”. Vậy cách tuyển sinh đại học ở các quốc gia khác trên toàn thế giới ra sao?

Việt Nam

Theo phương án đổi mới được đưa vào thử nghiệm năm nay, học sinh lớp 12 tại Việt Nam phải tham gia kỳ thi THPT Quốc gia nhằm mục đích cùng lúc xét tốt nghiệp THPT và đầu vào đại học. Có 03 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tùy theo ngành học muốn đăng ký mà thí sinh thi thêm 01 trong 05 môn tự chọn bao gồm Hóa học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử và Địa lý.

11401-1f4b2
Kỳ thi THPT Quốc gia là tâm điểm chú ý của người dân cả nước trong thời gian vừa qua.

Thí sinh sau đó có thể nộp hồ sơ của mình tới 04 trường đại học khác nhau, các trường đại học sẽ căn cứ theo chỉ tiêu về số lượng sinh viên, kết quả thi và nguyện vọng của thí sinh để lựa chọn sinh viên cho mình.

Trung Quốc

Giống như Việt Nam, phần lớn các quốc gia châu Á vẫn duy trì kỳ thi Tuyển sinh Đại học phạm vi toàn quốc hàng năm. Có hình thức tuyển sinh đại học gần giống với Việt Nam nhất là Trung Quốc. Học sinh sau khi tốt nghiệp THPT nếu muốn vào đại học phải tham gia kỳ thi Tuyển sinh Đại học chung phạm vi toàn quốc. Nội dung đề thi và chỉ tiêu tuyển sinh cho từng ngành, từng trường được chỉ định bởi Bộ Giáo dục.

11402-1f4b2
Nội dung đề thi được quyết định và niêm phong bởi Bộ Giáo dục Trung Quốc.

Điểm khác biệt duy nhất là nguyện vọng của tất cả thí sinh trên toàn quốc sẽ được nộp lên Hội đồng thi Quốc gia. Sau đó, kết quả thi kèm theo nguyện vọng sẽ được chuyển đến các trường đại học mà học sinh đăng ký. Việc tuyển sinh được các trường lựa chọn trên cơ sở điểm thi của thí sinh.

Hàn Quốc

Một đất nước khác mà học sinh phải tham dự kỳ thi Đại học chung trên toàn quốc là Hàn Quốc. Tuy nhiên, điểm thi đại học chỉ chiếm 65% kết quả tuyển sinh. Các yếu tố còn lại là bảng điểm Phổ thông Trung học (25%) và thi tự luận tại trường đại học (10%).

Nhật Bản

Tại Nhật Bản, kỳ thi Đại học chung toàn quốc được tổ chức với 06 nhóm môn học với 31 môn cụ thể, hình thức thi chủ yếu là trắc nghiệm. Tùy theo từng ngành học, mỗi thí sinh được chọn tối thiểu là 05 môn thi. Sau đó, thí sinh có thể phải thi thêm một vài môn đặc thù phù hợp với yêu cầu của trường đó.

11403-1f4b2
Đề thi đại học dưới hình thức trắc nghiệm được sử dụng ở Nhật để nâng cao tính công bằng cho cuộc thi.

Ấn Độ

Ở Ấn Độ, việc tuyển sinh đại học lại có đôi chút phức tạp. Học sinh cuối cấp THPT ở Ấn Độ sẽ phải tham dự 02 kỳ thi là Tốt nghiệp THPT và Tuyển sinh Đại học. Điểm thi tốt nghiệp và điểm thi đại học là cơ sở để các trường đại học lựa chọn sinh viên. Tuy nhiên, từng địa phương và từng trường đại học lại có cách chấm điểm, thang điểm và điểm chuẩn khác nhau.

Mỹ

Trong khi đó, các nước phương Tây lại chuộng phương án không tổ chức tuyển sinh đại học trên toàn quốc. Ví dụ như tại Mỹ, các trường đại học tuyển sinh không dựa vào một kỳ thi chung toàn quốc mà dựa vào kết quả kiểm tra của hai cuộc thi độc lập là SAT (Scholastic Achivement Test, thi Anh văn và Toán) và ACT (American College Test, thi Anh văn, Toán, Đọc hiểu và Khoa học). Mỗi cuộc thi được tổ chức 04 lần/năm. Điểm chung của hai kỳ thi này là đều chú trọng đánh giá khả năng tư duy và phân tích, vận dụng kiến thức của thí sinh thay vì kiểm tra khối lượng kiến thức mà thí sinh tích lũy được. Thêm vào đó, dựa vào đăng ký của thí sinh, ACT còn đưa ra bộ câu hỏi nhằm đánh giá năng khiếu và sở trường của thí sinh và tư vấn cho sinh viên nên chọn học ngành nào trong kết quả thi được gửi về. Sau đó, học sinh cuối cấp trung học sẽ gửi bảng điểm trung học, kết quả thi SAT hoặc ACT và bài luận tới khoảng 05 đến 06 trường đại học. Các trường sẽ dựa trên những kết quả này để lựa chọn sinh viên mới.

11404-b2d2c
Thay vì thi đại học, học sinh trung học ở Mỹ thi SAT và ACT.

Ngoài ra, các trường đại học danh tiếng của Mỹ như Harvard, Stanford, Duke còn áp dụng thêm hình thức tuyển chọn đặc biệt. Hàng năm, Ban tuyển sinh của các trường này sẽ đi tới tất cả các thành phố trên toàn quốc nhằm mục đích tìm ra những gương mặt học sinh xuất sắc nhất. Những lá thư mời nộp hồ sơ cũng được các đại học danh tiếng này gửi tới những học sinh cuối cấp có thành tích vượt trội. Bằng cách này, các trường đại học danh tiếng có thể đảm bảo mỗi học sinh nộp hồ sơ vào trường đều là nhân tài.

Na Uy

Một đất nước khác không có kỳ thi Tuyển sinh Đại học là Na Uy. Thành tích tại trường THPT, điểm thưởng cho ngành học đặc biệt, kinh nghiệm phục vụ quân đội của một học sinh là những yếu tố được cân nhắc trong quá trình xét tuyển đại học. Mỗi học sinh có thể gửi hồ sơ của mình tới 10 trường đại học khác nhau để tham gia xét tuyển.

Ireland

Có đôi chút khác biệt so với hai quốc gia trên, ở Ireland, sau khi học xong Trung học, học sinh sẽ phải tham gia một kỳ thi Quốc gia để lấy Chứng chỉ Tốt nghiệp Phổ thông. Sau đó, những thí sinh muốn vào đại học sẽ nộp nguyện vọng lên Cơ quan Tuyển sinh Trung ương và máy tính sẽ tự động chuyển danh sách thí sinh cùng điểm thi tốt nghiệp đến các trường dựa theo nguyện vọng của thí sinh. Mỗi trường sẽ tự xác định số lượng sinh viên cho mỗi ngành học và thông báo kết quả về cho thí sinh trúng tuyển.

Như vậy, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng chung của các quốc gia châu Á là vẫn duy trì kỳ thi chung với quy mô toàn quốc để tuyển sinh đại học. Ngược lại, các nước phương Tây lại áp dụng hình thức xét tuyển gọn nhẹ, với các yếu tố như thành tích của thí sinh tại trường trung học, kỹ năng tư duy, phân tích vấn đề, vận dụng kiến thức... được cân nhắc. Kỳ thi THPT quốc gia 2015 là một cố gắng thay đổi theo hướng “Tây hóa” của Việt Nam, tuy nhiên, vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh và thành công như mong đợi.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày