Theo thiết kế nội dung môn học của ban soạn thảo chương trình sách giáo khoa (SGK) sau năm 2015 do Bộ GD-ĐT chủ trì, bậc tiểu học và THCS có những môn học mới được xây dựng trên nền tảng tích hợp nhiều môn học cũ. Tiểu học có những môn học được chuyển sang hình thức “hoạt động giáo dục” thay cho kiểu truyền thụ bài học lý thuyết như trước.
Ông Đỗ Ngọc Thống, thường trực ban soạn thảo chương trình SGK sau năm 2015, cho biết nội dung các môn tìm hiểu tự nhiên và xã hội (lớp 1,2,3) và các môn tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu xã hội (lớp 4, 5) sẽ được thiết kế dưới dạng câu chuyện lịch sử, văn hóa, xã hội, đạo đức, hiện tượng tự nhiên, gia đình, bảo vệ sức khỏe... gần gũi với cuộc sống để học sinh tiểu học có hiểu biết sơ giản về thế giới xung quanh.
Lên tới bậc THCS, môn khoa học tự nhiên sẽ được tích hợp chủ yếu từ các môn lý, hóa, sinh, khoa học về Trái đất. Môn khoa học xã hội được tích hợp chủ yếu từ các môn lịch sử, địa lý, một số kiến thức kinh tế, xã hội. Nội dung các môn học trên được thiết kế theo cách sắp xếp các chủ đề gần nhau nhằm soi sáng, liên hệ lẫn nhau, đồng thời có thêm các chủ đề vận dụng kiến thức tổng hợp.
“Cùng với thiết kế các môn học sẽ có những chủ đề liên môn được xây dựng để tích hợp vào môn học và hoạt động dạy học, ví dụ như ô nhiễm môi trường, giáo dục giới tính, an toàn giao thông....” - một thành viên ban soạn thảo cho hay.
“Gánh nặng” lớp 10
Ngược lại với các lớp dưới, theo thiết kế chương trình môn học mới, lớp 10 vẫn còn 11 môn học bắt buộc gồm ngữ văn, toán, giáo dục công dân, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, tin học, công nghệ và bốn hoạt động giáo dục. Ngoài ra sẽ có các chuyên đề sâu thuộc các môn ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh vật, lịch sử, địa lý, âm nhạc, mỹ thuật, tin học, thể dục, ngoại ngữ 2. Các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý sau khi được tích hợp vào môn học mới ở chín năm học trước, tới lớp 10 lại tách ra thành môn độc lập.
Một số đại biểu tại hội thảo bày tỏ băn khoăn với cách thiết kế này. Họ cho rằng nếu so với lớp 11, 12 chỉ có ba môn học bắt buộc và ba môn tự chọn thì lớp 10 phải gánh quá nặng. Những môn học được tích hợp trước đó giờ trở lại thành môn học độc lập. Sau một năm học, các môn này lại được chia nhánh có định hướng chuyên sâu trong các chuyên đề tự chọn ở lớp 11, 12. Như vậy, năm lớp 10 dự liệu sẽ bị dồn vào lượng kiến thức nặng để đảm bảo học sinh có nền tảng cơ bản.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, dù số lượng môn học ở lớp 10 vẫn không giảm bớt nhiều so với hiện tại nhưng nội dung kiến thức, yêu cầu dạy học sẽ điều chỉnh theo hướng mới. Ví như môn toán sẽ lược bỏ tất cả những kiến thức quá chuyên sâu, không phục vụ mục đích cung cấp kiến thức nền tảng cơ bản nhất để hình thành năng lực tư duy, năng lực tính toán... Những học sinh muốn theo đuổi ngành toán nâng cao hoặc các ngành nghề cần kiến thức toán học đã có các chuyên đề sâu ở ngay trong chương trình lớp 10, đặc biệt là lớp 11, 12.
Một đại diện của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM băn khoăn về việc để đáp ứng yêu cầu của môn học mới, các trường sư phạm cũng cần đào tạo, bồi dưỡng giáo viên có thể đảm nhận được những môn học “tích hợp từ nhiều môn” hoặc những môn học thiết kế theo chuyên đề sâu... Cách tổ chức dạy học theo phương án phân hóa cũng cần phải tính toán kỹ để tránh việc thất bại như ở chương trình phân ban.
Đại diện Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh việc thiết kế môn học ở bậc THPT phải liên quan mật thiết tới phương án tổ chức thi ĐH - CĐ, định hướng nghề nghiệp. Vì nếu không có định hướng rõ ràng thì học sinh sẽ không có năng lực để tham dự các kỳ thi tuyển sinh, cũng theo đó sẽ có những môn học, chuyên đề không có người học, nhưng có những môn học, chuyên đề lại quá nhiều người học dẫn tới thiếu chỗ học, thiếu giáo viên...
Trả lời băn khoăn này, đại diện ban soạn thảo cho biết trong tương lai việc tuyển sinh vào các trường ĐH - CĐ sẽ theo hướng để các trường tự chủ về phương thức xét tuyển. Bậc phổ thông ngoài các môn bắt buộc, tự chọn sẽ có nhiều chuyên đề gần với các ngành nghề đào tạo cung cấp kiến thức nền để học sinh có thể chuyển tiếp sang học chuyên sâu ở bậc ĐH - CĐ, TCCN hoặc trường nghề.
Giảm tải để phát triển năng lực, kỹ năng
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển, kết quả rà soát lại chương trình, môn học hiện hành cho thấy có nhiều kiến thức giữa các môn học trùng lặp, không cần thiết, quá khó, thậm chí có tình trạng cùng một môn học thì kiến thức lớp dưới khó hơn lớp trên... Đây là cơ sở thực tế để ban soạn thảo điều chỉnh theo hướng tích hợp “nhiều môn trong một môn”, chuyển một số môn học sang hoạt động giáo dục, tự chọn nhằm giảm tải, tập trung phát triển năng lực, kỹ năng cần thiết cho người học.
Giảm môn học, tăng hoạt động GD
Với việc tích hợp nội dung của nhiều môn học trước đây trong một môn mới, chương trình tiểu học và THCS đang xây dựng sẽ không còn một số môn học riêng rẽ như khoa học, lịch sử và địa lý, kỹ thuật, thủ công (tiểu học), vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý (thcs). Ở lớp 1, 2 sẽ chỉ có ba môn học bắt buộc là tiếng Việt, toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội và bốn hoạt động giáo dục. Lớp 3 có các môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn. Lớp 4, 5 có các môn bắt buộc là tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, đạo đức, tìm hiểu tự nhiên và tìm hiểu xã hội cùng các hoạt động giáo dục tự chọn.
Ở bậc THCS chỉ còn bảy môn học bắt buộc (giảm sáu môn so với hiện nay), gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, giáo dục công dân, công nghệ (bao gồm tin học). Các môn thể dục, hướng nghiệp, nghệ thuật (mỹ thuật và âm nhạc) chuyển thành hoạt động giáo dục là chủ yếu.