"Thần giữ của" và cách sống sót trong lớp học

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 23:58 23/11/2012
Chia sẻ

Hãy cùng lắng nghe tâm sự của những người ngoài-cuộc để tìm ra “lối thoát” mới cho những người trong cuộc – thần giữ của cho các lớp học nhé!

Điểm mặt dấu trừ của "thần giữ của"

Nhắc đến ‘thần giữ của” của lớp mình, Trang Anh (19 tuổi, Hải Phòng) không giấu nổi sự chán nản và thất vọng. “Bọn tớ học theo chương trình tín chỉ, nghĩa là mỗi môn học sẽ có một lớp trưởng khác nhau, có thể trùng có thể không. Ở lớp học môn Tài chính doanh nghiệp của tớ, bạn lớp trưởng cũng là thủ quỹ, học rất giỏi nhưng không được lòng mọi người. Lý do đơn giản lắm, bạn ấy đã tổ chức thu quỹ lớp một lần và hai tuần sau tiếp tục thu và nói như thể đây là lần đầu tiên bạn ấy thu. Cả lớp phàn nàn và đồng loạt phản đối thì bạn ấy nói rằng ai không nộp sẽ bị trừ điểm chuyên cần. Do bạn ấy có nhiệm vụ điểm danh thay giảng viên nên chúng tớ cũng cắn răng để nộp. Số tiền không nhiều, nhưng uy tín của bạn ấy trong mắt mọi người đã giảm đi đáng kể!”

"Thần giữ của" và cách sống sót trong lớp học 1
Ảnh minh họa.

Còn Mạnh Quân (ĐH KDCN) cho biết, thủ quỹ của lớp bạn ấy là một cô nàng cực kì khó tính và khó gần. “Con trai tụi tớ thường hay quên, chứ chẳng phải ki bo, kẹt xỉ hay chống đối nội quy lớp gì cả. Bạn ấy nên thông báo sớm thay vì đợi tới lúc cả lũ chơi điện tử hoặc ăn uống liên hoan hết sạch tiền mới đứng trước mặt chúng tớ yêu cầu nộp tiền ngay. Ấy là còn chưa kể đến chuyện những lúc tớ đưa tiền… to, bạn ấy không có đủ tiền trả lại liền nói rằng tớ cố tình “chống đối”. Những bạn gom góp tiền lẻ trong túi ra nộp thì bạn ấy lại bảo rằng chật túi bạn ấy. Thật chẳng biết sao mà lần!”

Không đến mức phản đối gay gắt như Quân hay Trang Anh nhưng Dương (20 tuổi, Hà Đông) cũng không “hưởng ứng” lắm sự mập mờ trong cách làm việc của thủ quỹ. “Khi bắt đầu môn học, lớp trưởng cũng là thủ quỹ yêu cầu chúng tớ đóng 10.000đ vào quỹ chung. Sĩ số lớp gần 150 người. Nhưng số tiền quỹ đó, ngoài việc mua nước cho giáo viên trong 15 buổi học, chúng tớ không biết bạn ấy đã làm gì. Tới khi cả lớp thắc mắc thì bạn ấy bảo đã dùng hết vào việc mua nước. Cả lũ nhìn nhau, bó tay trước những chai nước trị giá cả trăm nghìn của bạn ấy!”

Chưa hết, thủ quỹ còn phải đối mặt với những tình huống oái oăm kiểu bất ngờ đánh rơi mất tiền hoặc thiếu tiền quỹ lớp nhưng không hiểu tại sao. Khi mang ra tâm sự trước lớp thì nhận được những ánh mắt như thể chính mình là người đánh mất và… lừa đảo. 

Bỏ qua những “phân cảnh” tình ngay lý gian, những cách nhìn, cách nghĩ từ người ngoài cuộc, thì rõ ràng chính những người trong cuộc cần xác định những cách giải quyết cho riêng mình. Những cách gì nhỉ?

Gạch đầu dòng gợi ý
 
- Chi tiết hóa từng khoản mục. “Chi li” quá mức trong cuộc sống hằng ngày sẽ bị bạn bè đánh giá là “tiểu tiết”, tủn mủn. Nhưng để trở thành một thủ quỹ “tài năng” bạn cần chi tiết hóa từng khoản mục để có thể kiểm soát số tiền một cách rõ ràng và phát hiện ngay những lỗ hổng khi tiền “biến đâu mất tiêu”.

- Cẩn thận “sổ sách”. Hãy lưu giữ những bản hóa đơn, ghi chép các khoản mục thu chỉ quỹ lớp của mình. Những lần thu quỹ lớp từ các thành viên trong lớp, dù là khoản nhỏ nhất bạn cũng nên lập danh sách, đánh dấu và nhận chữ ký một cách cẩn thận, tránh những trường hợp tranh cãi có thể xảy ra.

"Thần giữ của" và cách sống sót trong lớp học 2

- Tinh tế và nhạy cảm. Tất nhiên là không phải với… tiền quỹ lớp rồi. Mà là với hoàn cảnh của các thành viên trong lớp. Nghĩa là nếu có thể, hãy tìm hiểu về hoàn cảnh chung của các bạn trong lớp và có thể miễn thu quỹ lớp với một số bạn có tình hình tài chính không thực sự tốt.

- Giữ tiền đúng cách. Là thủ quỹ, bạn không nhất thiết lúc nào cũng phải mang tất cả quỹ đến lớp. Chỉ cần mang một khoản đủ dùng và một khoản dự trù cần thiết. Phần còn lại, bạn nên cất ở nhà hoặc giữ trong thẻ, một cách nào đó thực an toàn cho khoản tiền “tù và hàng tổng” ấy!

- Luôn tươi cười. Đừng tỏ ra khó chịu khi “dính” tới khoản tiền quỹ. Bởi nếu bạn cảm thấy không thoải mái hay vui vẻ khi làm nhiệm vụ của chính mình thì sao có thể trông đợi mọi người tự nguyện đóng góp quỹ lớp được. Hãy thuyết phục mọi người rằng đó là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của họ, công việc của bạn hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều đấy!

Lời nhắn cho người ngoài cuộc

Hãy lắng nghe và quan tâm bạn mình nhiều hơn, tìm hiểu kĩ vấn đề trước khi đưa ra một đánh giá nào đó. Nếu có thắc mắc hãy thổ lộ để cùng nhau chia sẻ. Không nên giữ bí mật để rồi gây ra những hiểu lầm không đáng có.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày