Vẻ ngoài nhận dạng- Thường cảm thấy mình là kẻ... kém may mắn nhất trên thế gian. Tuy nhiên, sự “tự ti” của những người này bao hàm một nét vô cùng khác biệt: Họ thường cho rằng may mắn của mình đã bị kẻ khác (bạn bè, anh chị em trong nhà, hàng xóm,...) ăn cắp.
- Cảm thấy khó chịu, GATO (ghen ăn tức ở) trước thành công của người khác, bất kể trong lĩnh vực nào. Những lúc như vậy, họ thường gắng sức ép buộc bản thân mình cố gắng vượt lên, bất kể họ có thích công việc/môn học đó hay không.
- Bất mãn trước thành công của người khác và thể hiện sự bất mãn đó bằng cách “vạch lá tìm sâu”. Vì cho rằng người ta ăn cắp may mắn của mình, những kẻ thích săm soi này thường “còng lưng” tìm kiếm lỗi sai của người khác để chứng minh rằng họ không xứng đáng nhận được thành công đó.
- Khi đạt được thành tựu, điều đầu tiên họ làm là khoe khoang với người khác và không ngừng chế giễu những người thua cuộc hoặc xếp thứ hạng thấp hơn.
Ở lớp của bạn có nhân vật ấy không?“Tớ ngồi cạnh một cô bạn, lực học khá ổn, tính tình rất dễ chịu. Duy một điểm, tớ cực ghét ở cô ấy đó là mỗi lần cô giáo trả bài kiểm tra, bạn ấy nhất định sẽ săm soi bài của tớ thật kĩ (nếu bài bạn ấy thấp điểm hơn, tất nhiên). Có những lỗi sai rất nhỏ như thiếu đơn vị hay chưa ghi đáp số, bạn ấy cũng giơ tay, yêu cầu cô trừ điểm tớ để hai đứa có kết quả như nhau. Không những thế, mỗi lần trả bài kiểm tra là y như rằng bạn ấy sẽ giật bài làm của tớ trước khi tớ kịp cầm nó. Để làm gì ư? Bạn ấy phải thắng tớ, phải giỏi hơn thế, vậy đấy. Hết kì, tớ đã xin cô chuyển sang bàn khác. Tạm biệt cô bạn GATO luôn!” - Mai Anh, Thanh Xuân – Hà Nội chia sẻ.
Còn T.D (HN) cũng đã chia sẻ về đứa bạn khá phiền toái này:
“Tớ và thằng bạn thân cùng có ước mơ nhận học bỗng tham gia một khóa học công nghệ ngắn hạn ở nước ngoài. Nó có thông tin gì cũng đều chia sẻ với tớ. Hai đứa thân nhau lắm. Một lần, tớ tìm được thông tin về hội thảo bên Malaysia, người ta cung cấp học bổng toàn phần cho những ứng cử viên có thành tích tốt. Số lượng không hạn chế. Và dù nó có tham gia, cũng không làm tăng tính cạnh tranh, quan trọng là hồ sơ có đẹp hay không. Nhưng tớ đã xấu tính và giấu nhẹm thông tin đó vì nghĩ không thể nào để nó hơn mình, vượt qua mình. Cho đến tận bây giờ, đó vẫn là điều tớ hối hận vô cùng”.
“Trong một giờ học ở trường, thầy giáo tớ, người từng du học ở nước ngoài đã chia sẻ, điểm khác biệt giữa sinh viên Việt và sinh viên nước ngoài có thể được thể hiện rõ ràng trong giờ trả bài kiểm tra. Sinh viên nước ngoài thường đọc kĩ các chỗ thầy gạch chân, nếu không hiểu tại sao bị trừ điểm có thể mang lên hỏi thầy. Nhưng sinh viên Việt Nam thì khác, họ chạy toán loạn, đến xem bài của người này người kia xem điểm ai cao hơn, xem cùng một lỗi nhưng mình bị trừ điểm ít hơn hay nhiều hơn người khác... Vấn đề ở đây không phải là tôn trọng quyền cá nhân, mà nằm ở chỗ người Việt thường ích kỉ và không muốn người khác hơn mình. Trên thực tế, đó là một tật vô cùng xấu và cần phải sửa ngay.” - Thùy Dung, ĐH Ngoại Thương tâm sự.
Vừa tốt vừa xấuNếu trong lớp bạn, xung quanh bạn có những gương mặt "điển hình" như thế - những người hay GATO chính hiệu, đừng vội lo lắng hay tỏ ra khó chịu. Đó sẽ là động lực để bạn tiến lên và cố gắng hơn nữa, đó cũng là tấm gương để bạn... tránh xa và giữ cho mình không như họ.
Nếu bạn chính là kẻ GATO và thích săm soi, hãy để ý tới cảm xúc của bạn. Liệu rằng khó chịu với thành công của người khác và luôn cho rằng bạn mới là người xứng đáng được nhận, điều đó có mang đến thành công cho bạn? Hãy nhớ, không ai được số phận nuông chiều, thành công chỉ có thể đến từ nỗ lực.