Đối với sinh viên Việt Nam nói riêng, và sinh
viên quốc tế nói chung, Pháp là một vùng đất hứa nơi ta bắt gặp một rừng cây khổng
lồ: cây ngoại ngữ, cây văn hoá-du lịch, cây trải nghiệm và hơn cả là cây tri thức.
Hẳn những ai quan tâm và có dự định chọn nước Pháp là điểm dừng chân tiếp theo trên con đường học vấn của mình hay của con em mình, ngoài việc đọc qua 3 bước chinh phục nước Pháp, chắc chắn bạn còn muốn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề học phí, chi phí sinh hoạt tại đây.
Học Phí
Như các bạn đều biết, tại Pháp, trường tư và trường công có mức học phí khá chênh lệch. Đối với những bạn chọn học trường tư, hoặc theo chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, học phí rơi vào khoảng 4.500 – 10.000 euro/năm (111 – 246 triệu đồng). Còn ở các trường công, con số này vào khoảng 400 – 600 euro/năm (10 – 15 triệu đồng).
Bằng Đại học | 184 € ~ 4.527.000 VND |
Bằng Thạc sĩ | 256 € ~ 6.298.000 VND |
Bằng Kỹ sư | 610 € ~ 15.000.000 VND |
Bằng Tiến sĩ | 391 € ~ 9.619.000 VND |
Bảo hiểm xã hội
Sau học phí, bạn sẽ cần chi một khoản cho việc đóng bảo hiểm xã hội (hay bảo hiểm sức khỏe). Đối với hầu hết trường tại Pháp, việc này là bắt buộc. Bạn có quyền được hoàn lại tiền khám sức khỏe khi ốm, khi mang thai trong năm học.
Phí thành viên: 213 euro (2014/2015) (5.240.000 đồng).
Ngoài ra, còn có các gói bảo hiểm khác hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho sinh viên: từ 75 euro (1.845.000 đồng) tới 639 euro (15.720.000 đồng) một năm nếu bạn đăng kí tại LMDE (1) và từ 99 euro (2.435.000 đồng) tới 588 euro (14.465.000 đồng) (4 gói) nếu bạn đăng kí loại bảo hiểm Smerep (2). Khi tới các cơ sở của LMDE hay Smerep, các bạn sẽ được tư vấn để tìm ra gói bảo hiểm phù hợp với bản thân.
Ăn uống
Trong các trường đại học, các bạn sẽ bắt gặp nhà ăn sinh viên thuộc Cơ quan quản lí trường học cấp vùng (CROUS). Thông thường, nhà ăn sinh viên mở từ thứ hai tới thứ sáu, từ 11h45 – 14h45 và 18h16 – 21h00, đóng cửa hai ngày cuối tuần và các ngày lễ. Có thể thanh toán bằng tiền mặt, thẻ moneo (một loại thẻ thanh toán trong các máy bán đồ ăn tự động, phòng giặt là, nhà ăn sinh viên, dịch vụ photocopy), và thẻ ngân hàng.
Vài số liệu năm 2014 tại nhà ăn sinh viên khu vực Paris ( theo ciup.fr)
- Giá một bữa ăn gồm: khai vị + món chính (thịt hoặc cá) hay món chay + tráng miệng: 3.20 euro (79.000 đồng).
- Pizza:
4.10 euro (100.000 đồng).
- Đồ nướng:
4.90 euro (120.000 đồng).
Tuy nhiên, nhà ăn sinh viên thường phải xếp hàng nên nếu không sắp xếp được thời gian, hãy tìm một giải pháp khác như chuẩn bị đồ ăn từ nhà, tìm những hệ thống đồ ăn nhanh lân cận để đảm bảo ăn đúng bữa và kịp giờ nếu bạn có lớp buổi chiều.
Chi phí cho việc ăn ở Pháp không quá tốn kém.
Tùy vào bản thân mỗi người, mức chi tiêu cho việc ăn khoảng 150 – 250 euro/tháng
(3.690.000 – 6.150.000 đồng) tức 1800-3000 euro/năm (44.280.000 – 73.800.000 đồng).
Đi lại
Ở Pháp, việc đi lại trong vùng, ngoài vùng, từ thành phố này tới thành phố khác hay việc di chuyển tới các nước lận cận không có gì khó khăn. Hơn nữa, sinh viên được hưởng một mức giá rẻ hơn từ 10 đến 50 phần trăm cho các phương tiện đi lại.
Ví dụ tại Paris, du học sinh chi trả trung
bình khoảng 700 euro - 1000 euro/năm (17.220.000 – 24.600.000 đồng) cho việc đi lại
trong khu vực Paris và vùng ngoại ô thành phố. Ở Toulouse, khoản chi phí không
cao như Paris: khoảng 100 euro/năm (2.460.000 đồng).
Nhà ở
Chi phí thuê nhà là khoản có mức giá khá đa dạng vì nó phụ thuộc vào thành phố bạn ở, chất lượng dịch vụ của phòng, diện tích, tiện nghi... Nếu có chỗ tại kí túc xá thuộc CROUS thì hàng năm tiền nhà vào khoảng: 2.600 euro – 5.000 euro (63.960.000 – 123.000.000 đồng). Nếu không ở ký túc xá thì mức giá có thể lên cao hơn. Tuy nhiên, chính phủ Pháp cũng sẽ hỗ trợ lên tới 40% tiền thuê nhà cho sinh viên.
Bên cạnh đó, khi bắt đầu thuê nhà, thông thường bạn cần giấy nhập học, bảo hiểm và giấy tờ tùy thân, đặt cọc trước 1 tháng tiền nhà. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại khi bạn kết thúc hợp đồng. Với CROUS, tiền sẽ hoàn lại muộn hơn 02 - 03 tháng.
Ngoài 05 khoản chi phí kể trên, các bạn cũng không thể không kể tới những phí phụ liên quan tới việc học tập, giải trí, du lịch, văn hóa và mua sắm cho bản thân... Hy vọng những thông tin trong bài viết này có thể giúp các bạn có cái nhìn rõ hơn về vấn đề tài chính khi đi du học Pháp.