Vấn đề quyền lợi việc làm dành cho du học sinh sau khi về nước không phải là vấn đề mới, nhưng lại nóng hổi vì mỗi năm, Việt Nam lại chào đón hàng ngàn các bạn du học sinh trở về tìm kiếm cơ hội. Bài viết này chỉ thể hiện quan điểm của một du học sinh, về việc tại sao du học sinh không nên “hét lương” khi trở về. Đặc biệt là các du học sinh bậc cử nhân và chưa từng trải nghiệm bất cứ công việc chuyên nghiệp nào.
Nhóm du học sinh Việt Nam tại Đại học Queensland
Đầu tiên, chưa có kinh nghiệm làm việc, đồng nghĩa bạn không nên “quá đòi hỏi” cho tấm bằng bạn đang sở hữu. Một sự thật hiển nhiên là các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp luôn tìm kiếm các cá nhân có khả năng làm việc, chứ không tìm các loại bằng cấp. Khả năng làm việc của mỗi người được chứng minh bằng những gì mà một tân cử nhân đạt được trong công việc. Điều này lí giải tại sao kinh nghiệm làm việc và những kỹ năng học được từ nghề nghiệp là điều quan trọng nhất, vì chúng thể hiện được khả năng làm việc của mỗi người. Người lao động cũng giống như các công ty riêng biệt, cố gắng giành lấy “khách hàng”, là những công việc trên thị trường lao động. Việc một cử nhân tốt nghiệp trong nước hay ngoài nước, sẽ không phải là vấn đề mà các nhà tuyển dụng quan tâm nếu nhìn nhận dựa trên khía cạnh kinh nghiệm việc làm. Bạn tốt nghiệp đại học thuộc top 100 thế giới và chưa từng đi làm toàn thời gian trước đó, thì cũng tương đương với một người mới tốt nghiệp đại học Ngoại Thương và đang tìm kiếm công việc đầu tiên. Không ai có thể đảm bảo khả năng làm việc của bạn vượt trội hơn những cử nhân tốt nghiệp trong nước. Chính vì thế, tôi hiểu một sự thật là tất cả các tân cử nhân chưa có kinh nghiệm làm việc đều có một khởi điểm ngang nhau.
Du học sinh Việt quảng bá hình ảnh Việt Nam trong lễ hội màu – Spring Flare tại Brisbane, Úc
Thứ hai, sự hiểu biết về thị trường Việt Nam sẽ là một điểm yếu của du học sinh. Để hoàn tất một chương trình đại học tại nước ngoài, bạn phải trải qua một khoảng thời gian ít nhất là 3 đến 5 năm. Trong khoảng thời gian ấy, các du học sinh có thể đã bị mất liên kết với thị thường trong nước. Họ sẽ không biết hết được những thay đổi xảy ra trên thị trường trong quãng thời gian đi du học. Chính vì thế, từ khía cạnh hiểu biết về thị trường, các tân cử nhân trong nước sẽ hơn hẳn những người học từ nước ngoài trở về. Họ không cần thời gian tìm hiểu thêm về thị trường, cũng có thể trở nên nhanh nhạy hơn vì họ biết những đặc điểm và những gì đang diễn ra trên thị trường Việt Nam. Du học sinh về nước sẽ cần thời gian để tìm hiểu và thích ứng với trị trường và cách thức vận động của nó.
Điều thứ ba, cũng là điều chủ quan, mang tính định kiến nhất. Đó chính là một hình ảnh chưa được tốt về du học sinh trong mắt xã hội và nhà tuyển dụng. Tôi từng đọc một bài báo có nói rằng, khoảng hơn 90% du học sinh Việt là thuộc dạng du học tự túc. Một thực tế là có rất nhiều các bạn trẻ được gia đình tạo điều kiện cho đi du học vì các lí do khá hài hước: Ở Việt Nam quá cá biệt hay rớt đại học trong nước. Những du học sinh này chính là nguồn ngọn của các định kiến hiện tại. Nhiều nhà tuyển dụng cho rằng du học sinh là những người có tư duy kém, khả năng kém, vì không thi đậu đại học trong nước nên mới đi du học. Do đó, có rất nhiều nhà tuyển dụng đang chuyển hướng thu hút các nhân tài trong nước hơn là các du học sinh. Mặt khác, nhiều du học sinh trở về chưa thể hiện được khả năng và kiến thức họ học được tại nước ngoài. Điều này dẫn đến việc hình thành một hình ảnh không tốt cho tất cả các du học sinh trong mắt nhà tuyển dụng. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định một điều, việc học ở nước ngoài hoàn toàn không hề dễ dàng, dù không phải thi đầu vào như các trường đại học trong nước nhưng để hoàn tất chương trình, các du học sinh phải nỗ lực rất lớn.
Du học sinh Việt Nam tại lễ hội màu – Spring Flare
Cuối cùng, tôi không phải là du học sinh có thành tích xuất sắc như các du học sinh Việt khác ở khắp nơi trên thế giới. Tôi cũng không phải là người có các hoạt động ngoại khóa nổi trội để được biết đến. Tôi chỉ là một du học sinh bình thường, chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc ở một trường đại học tương đối lớn tại xứ sở chuột túi xa xôi. Tôi không may mắn khi gia đình không đủ điều kiện tài chính để cho tôi theo đuổi bậc tại học tại đây. Tuy nhiên, tôi thấy mình khá may mắn khi có cơ hội trải nghiệm giáo dục bậc đại học tại Việt Nam và sau đại học tại Úc. Vì vậy, tôi hiểu thị trường lao động Việt Nam và biết phải làm những gì để có thể giành lấy một vị trí cạnh tranh trong thị trường ấy. Tôi sẽ không “hét lương” khi trở về.
DuHo Nguyễn
Hội Sinh Viên Việt Nam tại Đại học Queensland – UQIVS