Những sinh viên này đều học giỏi, nhiệt tình tham gia các hoạt động công tác xã hội, phong trào. Học bổng nhận được không chỉ giúp các bạn trang trải việc học, nhà trọ, học thêm tiếng Anh mà còn... gửi về phụ giúp gia đình ở quê.
160 triệu đồng/4 nămNguyễn Trần Vũ là sinh viên vừa tốt nghiệp khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM). Trong quá trình học tại trường, chàng trai quê Đông Hà, Quảng Trị đoạt hai giải nhất, một giải nhì Olympic hóa học sinh viên toàn quốc, sinh viên 5 tốt cấp ĐH Quốc gia và toàn thành. Thành tích ấy đã mang lại cho Vũ học bổng của Quỹ GE với khoảng 70 triệu đồng trong ba năm liên tiếp.
Ngoài ra, Vũ cho biết bạn còn nhận học bổng của Quỹ Odon Vallet (7 triệu đồng, năm 2009), Quỹ học bổng Kitagawa (50.000 yen Nhật/năm trong ba năm), học bổng Lotte Hàn Quốc (300 USD), học bổng khuyến khích học tập của ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM, 3 triệu đồng/kỳ trong 13 kỳ)... Tổng cộng số học bổng Vũ nhận được trong bốn năm là 160 triệu đồng.
“Học bổng đã giúp tôi tự bơi trong quá trình học đại học. Tôi để dành đóng học phí, nhà trọ, mua sách, học tiếng Anh. Sau khi ra trường, tôi còn tích cóp được khoảng 40 triệu đồng từ học bổng để học thạc sĩ” - Vũ vui vẻ cho biết.
Nhờ bội thu học bổng, sinh viên Lê Thị Hiền còn giúp em đang học ở quê Tương tự, mới học năm thứ ba Trường ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM nhưng bạn Hoàng Phương đã nhận được tổng cộng khoảng 90 triệu đồng tiền học bổng.
“Đó là những khoản như học bổng á khoa đầu vào, học bổng từ các doanh nghiệp, học bổng khuyến khích học tập từ nhà trường mà tôi tự tìm và được giới thiệu” - Phương kể. Để đạt được những học bổng ấy, ngoài thành tích học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh từ phổ thông, Phương cũng luôn duy trì điểm trung bình trên 8.0 và tham gia các hoạt động của lớp, trường. “Có doanh nghiệp trao học bổng 500 USD/kỳ nhưng nếu không đạt 7,5 điểm trở lên thì kỳ đó sẽ ngưng nhận tiền. Học kỳ sau nếu đạt được thì sẽ nhận được học bổng của hai kỳ. Do đó tôi luôn phải cố gắng học” - Phương tâm sự.
Cùng trường với Phương, bạn Lê Thị Hiền, ngành quản trị kinh doanh, cũng nhận học bổng từ quỹ “Thắp sáng niềm tin” với 10 triệu đồng/năm từ năm 2011 (hiện là 11 triệu đồng/năm). Ngoài ra, với thành tích học tập có học kỳ trên 9.0, Hiền cũng nhận học bổng của Tập đoàn sơn Kova 8 triệu đồng, học bổng “Khơi nguồn sáng tạo” 2 triệu đồng, học bổng khuyến khích học tập của khoa, của trường...
“Cha mất khi mình vào năm thứ nhất. Mẹ ở quê làm nông không giúp được nhiều. Số tiền học bổng cùng với làm gia sư giúp mình trang trải việc học và gửi tiền mỗi học kỳ 3 triệu đồng cho một đứa em đang học lớp 12 ở quê chuẩn bị thi ĐH...” - cô sinh viên quê Quảng Ngãi tâm sự.
Ngoài ra, bạn Thế Anh - sinh viên năm 3 khoa báo chí và truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cũng nhận được trên 30 triệu đồng từ các nguồn học bổng...
Phải học giỏi và hoạt động xã hộiNói về “bí kíp” “săn” học bổng, bạn Nguyễn Trần Vũ chia sẻ khi xin học bổng, bạn phải chuẩn bị một hồ sơ thật tốt.
“Bên cạnh đó, có học bổng yêu cầu phải viết luận, mình cũng phải làm thật tốt bài này. Chẳng hạn như nói rõ ràng về dự định tương lai, động lực học tập của mình. Là dân kỹ thuật nên mình không viết bóng bẩy nhưng phải rõ ý như kế hoạch học thạc sĩ, tiến sĩ khi ra trường. Mình cũng thường tham gia các đợt công tác xã hội của lớp, của trường như chương trình Những ước mơ xanh, Ước mơ của Thúy... Doanh nghiệp ngoài quan tâm đến kết quả học tập cũng chú ý đến hoạt động xã hội khi quyết định cấp học bổng cho sinh viên” - Vũ đúc kết.
Trong khi đó, bạn Hoàng Phương cho rằng mình nhận được nhiều học bổng là do thành tích học tập tốt từ cấp III. Phương chia sẻ:
“Sinh viên năm thứ nhất khi xin học bổng doanh nghiệp yêu cầu phải đưa ra được những thành tích của mình, những cuộc thi, hoạt động từ cấp III. Lên đại học bạn cũng phải duy trì nhịp điệu học vì có học bổng sẽ trao theo kỳ, nếu bạn học giỏi mới tiếp tục được xét”.Còn Lê Thị Hiền cho rằng bạn thường vào Google “săn” các thông tin về học bổng từ các doanh nghiệp.
“Trung tâm hỗ trợ sinh viên cũng là một nguồn quý giá - Hiền nói - rồi những nơi bạn nên “ghé qua” như khoa, trường, Facebook của bạn bè xem có chia sẻ thông tin học bổng nào hay không”. Theo Hiền, học bổng thường có hai dạng: thứ nhất là dành cho những bạn thật sự xuất sắc và một loại ưu tiên những bạn sinh viên khó khăn để hỗ trợ các bạn. Những học bổng này cũng yêu cầu sinh viên học khá, giỏi trở lên cùng với điểm rèn luyện.
Sau khi “xác định được mục tiêu” (tức loại học bổng), bạn phải chuẩn bị hồ sơ thật tốt, thực hiện đúng các bước doanh nghiệp yêu cầu từ nộp đơn, bảng điểm, chứng nhận hoạt động phong trào.
“Hầu hết doanh nghiệp đều có tiêu chí cụ thể về điểm học tập, điểm rèn luyện để trao học bổng. Ngoài kết quả học tập tốt, mình cũng phải tham gia nhiều hoạt động phong trào mới có cơ may được sự hỗ trợ của doanh nghiệp” - Hiền kết luận.