Những "mánh khóe" hay ho để hòa nhập với sinh viên quốc tế

Trace, Mỹ Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/08/2015
Chia sẻ

Từ trau dồi ngoại ngữ, tìm hiểu về văn hóa và tôn giáo của các nước, đến học tiếng lóng, tập uống bia, tập đi club... Tất tần tật bí quyết để hòa nhập với sinh viên nước ngoài của du học sinh Việt đều ở đây.

Kết bạn với sinh viên nước ngoài khó hay dễ? Chơi với bạn nước ngoài có gì khác chơi với bạn Việt Nam? Hãy xem những du học sinh Việt Nam “mách nhỏ” gì về việc kết bạn nước ngoài khi đi du học nhé!

Nguyễn Duy Linh - du học sinh tại Hamburg, Đức

Kết bạn nước ngoài thì khác với kết bạn Việt Nam, vì mình luôn nghĩ "Nó là người nước ngoài" nên sẽ thế này nọ kia và hay chụp lên đầu họ một cái định kiến nào đó của cái dân tộc đó, nên nhiều khi cản trở việc kết bạn. Vậy nên sau khi sang đây, mỗi khi gặp bạn nước ngoài, mình đều cố gắng tìm hiểu về đất nước, văn hóa của họ để có thể hiểu nhau rõ hơn, gỡ bỏ được cái định kiến mà mình có về đất nước ấy, cũng như là có thêm nhiều chủ đề chung để dễ nói chuyện hơn nữa.

9901-32f62
“Đi du học mà co cụm lại trong cộng đồng sinh viên Việt thì phí thật!”

Sinh viên Việt Nam mình ở nước ngoài thì thường hay thích tụ tập với nhau. Mà nói chung chuyện này cũng dễ hiểu thôi, nói chuyện cùng bạn Việt Nam không bị rào cản ngôn ngữ hạn chế, có thể nói chuyện thâm thuý đá xoáy các kiểu vui hơn chứ (cười). Tuy nhiên tớ thì luôn cố gắng chơi với các bạn nước ngoài, vì tớ nghĩ là đã đi du học mà co cụm lại trong cộng đồng sinh viên Việt thì phí thật. Rõ ràng là đi nước ngoài thì phải học nhiều cái mà ở nhà không có điều kiện tiếp xúc. 

Chơi với bạn nước ngoài là mở mang tầm mắt, thông thoáng đầu óc, giúp mình có nhiều hiểu biết xã hội như việc xem hàng trăm bộ phim tài liệu hay đọc hàng chục cuốn sách. Đồng thời có bạn nước ngoài là mình cũng có nhiều cơ hội học tập thực hành và làm việc hơn. Nhiều khi việc dám làm quen với ai đó người nước ngoài, mà không, hẳn cả đến từ ngoài châu Á đi, giống như là bước ra ngoài “vùng an toàn” (comfort zone) vậy đó. Nếu thành bạn bè thì bỗng nhiên mình thấy tự tin hẳn lên, khả năng giao tiếp cũng tốt hơn.

Nguyễn Quốc Đông - du học sinh tại Amsterdam, Hà Lan

Để hoà nhập với mấy bạn sinh viên nước ngoài thì đầu tiên phải giỏi, thật là giỏi ngoại ngữ. Tiếng Anh “chính gốc” là chưa đủ mà còn cần nghe được cả ngữ âm, rồi hiểu cả từ lóng của các bạn đến từ những nước khác nhau. Lúc mới đầu chưa quen thì mình thi thoảng có phát âm sai, nghe nhầm, với không hiểu nghĩa bóng mà các bạn nói nên cũng “quê”, nhiều lần cả lớp đều cười mà có mỗi mình mình ngồi im, vậy đó (cười). Ngoài ra còn phải làm quen với cả tôn giáo hay lối sống ở các nước, ví dụ như ở Hà Lan việc hút cần sa là hợp pháp nên lúc mới sang có lần mình được rủ đi hút mình cũng choáng lắm (cười).

9902-32f62
“Ngoài trau dồi ngôn ngữ, mình còn phải tìm hiểu thêm về văn hóa của các nước nữa.”

Nói chung thì ngôn ngữ vẫn là một rào cản lớn, vì như mình thấy thì phần lớn các bạn châu Âu học cùng mình đều biết 2 - 3 ngôn ngữ phổ biến, ngoài tiếng Anh còn cả tiếng Đức, tiếng Pháp, nên nhiều khi họ không cùng một quốc tịch nên vẫn nói chuyện được với nhau dễ dàng, còn mình thì lại “lạc loài” (cười). Tự ti nữa, kiểu như thấy các bạn giỏi quá, mình thì chỉ nói được mỗi tiếng Anh với tiếng Việt mà còn chưa sõi nữa.

Lê Mỹ Linh - du học sinh tại Rotterdam, Hà Lan

Tính mình thì vốn hướng nội nên lúc đầu mới sang cũng ngại không dám bắt chuyện với các bạn nước ngoài cùng lớp, chỉ khi nào có bạn đến bắt chuyện thì mới trả lời. Nhưng bù lại thì mình lại có thể quan sát được các bạn nói chuyện với nhau, rút ra được kinh nghiệm là các bạn nước ngoài nói chuyện thoải mái lắm, nhiều khi có nói sai, hay nói những câu không liên quan gì đến chủ đề cũng không sao, bởi vì cái mà các bạn ấy đánh giá cao là nỗ lực giao tiếp của mình. Nên là sau một thời gian thì mình tự tin hơn, bắt đầu bắt chuyện với các bạn ấy, đi ăn, đi chơi cùng nhau.

9903-32f62
“Sau giờ học mình còn tham gia các hội nhóm, câu lạc bộ cho sinh viên nữa.”

Ngoài ra thì sau giờ học, ở trường mình cũng có nhiều hội nhóm cho sinh viên, câu lạc bộ thể thao nữa. Ở những câu lạc bộ, hội nhóm này thì bầu không khí thường thoải mái hơn, nên cũng dễ nói chuyện hơn. Thế nên là mình cũng tham gia những hoạt động này để dễ hòa nhập hơn.

Theo mình thì sinh viên Việt phần lớn vẫn quen với cách dạy và học ở Việt Nam, tức là chỉ siêng lên lớp, cặm cụi ghi chép học hành, cố thi lấy điểm cao mà ít giao tiếp với các bạn nước ngoài, tham gia hoạt động này nọ. Mình thấy thế là không nên, bởi như vậy thì có khác gì vẫn học ở Việt Nam chứ? Tất nhiên là nếu dành quá nhiều thời gian để đi chơi với các bạn nước ngoài hay tham gia hoạt động ngoại khóa thì cũng không tốt, cân bằng được giữa chơi và học là tốt nhất.

Nguyễn Hương Thảo - du học sinh tại Chester, Anh

Sau một thời gian sang đây thì mình dần dần thay đổi các mối quan tâm và sở thích, vì mình cảm thấy khi có cùng sở thích và mối quan tâm với những người tầm tuổi mình thì nó sẽ dễ để nói chuyện và để làm bạn hơn. Không có nghĩa là mình phải bắt chước tụi nó thích gì mình sẽ thích nấy, mà là thay vì chỉ xem phim Trung Quốc và đọc tin tức về hot teen Việt Nam thì mình quan tâm tới những thứ mà thế giới cũng quan tâm, hoặc nghe những nghệ sĩ mà mình có thể tự tin giới thiệu cho bất kỳ một người bạn nào của mình cũng nghe được. Nói chung là vẫn nên giữ được cá tính riêng của mình nhưng đừng nên có những sở thích khép kín quá, kiểu vậy đó!

9904-32f62
“Để hòa nhập được thì mình phải chủ động hơn, thay đổi các mối quan tâm và sở thích của mình nữa.”

Mình cũng tập uống nữa. Không biết các bạn ở nước khác thế nào, nhưng ở Anh mà muốn chuyển từ mối quan hệ “quen biết sơ sơ” sang “bạn bè” thì cách tốt nhất và nhanh nhất là đi tiệc tùng hoặc đi uống với nhau (cười).

Có một điều là sinh viên Việt Nam đúng là rất thích túm tụm với nhau. Ý mình không phải là chơi với nhiều người Việt là xấu hay là muốn hoà nhập thì phải xa lánh cộng đồng Việt Nam, nhưng có nhiều người hơi thích tụ tập người Việt quá! Đi đâu cũng tụ tập một hội, ăn chung, du lịch chung, đi gym chung, đi club chung, thậm chí đi học cũng ngồi chung rồi “bắn” Tiếng Việt thay vì Tiếng Anh. Riết rồi có khi cảm thấy mình có nhiều bạn Việt Nam thế này rồi thì cần gì phải kết bạn nữa, cứ ở trong vùng an toàn với các bạn Việt Nam của mình thôi… Nói chung là nên hạn chế phụ thuộc vào các mối quan hệ với bạn Việt, chơi với người Việt nhiều quá!

Trong thời đại của công dân toàn cầu hiện nay, việc mở rộng mối quan hệ với những người bạn nước ngoài là rất quan trọng. Đi du học chính là một cơ hội tốt để bạn làm điều này. Hy vọng những chia sẻ của các du học sinh Việt Nam trong bài viết trên có thể phần nào giúp các bạn tân du học sinh hòa nhập với sinh viên quốc tế dễ dàng và nhanh chóng hơn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày