Làm thêm khi đi du học: những điều cần lưu ý tối đa

Trace, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 19/10/2015
Chia sẻ

Để giảm bớt chi phí sinh hoạt và giúp đỡ gia đình ở quê nhà, nhiều du học sinh lựa chọn các công việc làm thêm ngoài giờ. Tuy nhiên, trước khi quyết định làm thêm, các bạn hãy thực sự cân nhắc...

5501-a1a46
Trước khi quyết định làm thêm, các bạn du học sinh cần thực sự cân nhắc.

“Làm chui” - Nên hay không?

Hầu hết các quốc gia đều có những quy định ngặt nghèo đối với việc làm thêm của du học sinh. Tại Singapore hay Trung Quốc, du học sinh bị “cấm tiệt” chuyện part-time. Còn ở Mỹ, du học sinh không được phép làm thêm ngoài-trường-học.

Chi phí sinh hoạt đắt đỏ buộc nhiều sinh viên phải đi “làm chui”, không khai báo, không hợp đồng lao động, không đóng thuế. Những trường hợp này đa số buộc phải làm những công việc nặng nhọc như: bồi bàn, rửa bát, dọn dẹp... với mức lương bèo bọt. Bên cạnh đó, họ luôn phải đối mặt với nỗi sợ hãi thường trực. Bởi nếu lỡ bị các nhân viên trường học hoặc cảnh sát phát hiện, không cần giải thích, họ sẽ phải xách va li về nước ngay lập tức.

5502-a1a46
Các du học sinh khi “làm chui” thường không có nhiều sự lựa chọn về công việc.

Do vậy, những bạn du học sinh đang du học tại những đất nước cấm part-time cần phải hết sức cân nhắc trước khi đi xin việc.

Cẩn trọng thời gian

Một số quốc gia khác khá linh hoạt khi tạo điều kiện cho du học sinh làm thêm để giảm bớt gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên phần nhiều các quốc gia này lại đưa ra giới hạn thời gian được phép làm thêm. Chẳng hạn, tại Úc hay Hàn Quốc, sinh viên chỉ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần. Nếu cố tình “lách luật”, kết cục của những du học sinh này cũng không khác gì những du học sinh “làm chui”: Về nước!

5503-a1a46
Làm thêm quá thời gian cho phép cũng có nguy cơ khiến bạn bị trục xuất.

Thủy Tiên (du học sinh Nhật Bản) cho biết: “Theo quy định của nước sở tại, du học sinh được phép làm thêm không quá 20 giờ mỗi tuần. Hiện tại, mình đang làm cho một quán ăn, đăng ký làm full-time 2 ngày cuối tuần. Muốn làm thêm cũng không được, vì bên này kiểm soát rất chặt.”

Khác với Tiên, N.P (du học sinh Úc) lại lựa chọn công việc làm nail khá nhẹ nhàng: “Vì muốn tập trung cho việc học nên mình chỉ đăng ký làm full-time một buổi một tuần thôi. Thu nhập không đáng bao nhiêu nhưng không tham được. Bị phát hiện là về nước ngay!”

Cân bằng việc học

Khi làm thêm, hãy đảm bảo bạn vẫn có thể hoàn thành tốt việc học, tránh làm việc quá sức dẫn tới mệt mỏi, uể oải khi lên lớp.

5504-a1a46
Cân bằng việc học và làm thêm khi du học luôn là bài toán khó đối với các du học sinh.

H.B (du học sinh Nhật Bản): “Mình chỉ dám tranh thủ ‘cày’ vào các kì nghỉ, làm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, sau đó về nhà nghỉ ngơi. Chứ bình thường mà làm với thời gian như thế, lên lớp chỉ có ngủ, còn học hành gì nữa.”

Đồng ý với quan điểm của H.B, Thủy Tiên (du học sinh Nhật Bản) nói: “Lúc mới sang đây, vừa ‘ham tiền’ lại vừa ‘nhiệt tình năng nổ’, mình nhận việc cả ngày thường, làm từ 5 giờ chiều đến 10 giờ tối. Làm xong về nhà là 10 rưỡi, tắm rửa ăn uống là lên giường ngủ. Mệt mỏi không muốn học hành gì, báo hại kỳ đó mình thi lại 2 môn. Bây giờ chừa rồi chỉ dám làm cuối tuần thôi!”

Sắp xếp thời gian làm thêm và học tập hợp lý cũng là một cách để bảo vệ sức khỏe của bạn khi học xa nhà. “Lỡ mà ốm hay thi trượt môn nào, lấy tiền làm thêm bù vào chắc lại... ốm trận nữa mất!” - H.B hài hước nói.

Như vậy, để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra, các bạn du học sinh trước khi bắt đầu một công việc part-time hãy tìm hiểu thật kỹ những quy định làm thêm ở nước mình du học. Đừng để “sai một ly, đi một dặm” biến những nỗ lực không ngừng thành vô ích bởi một sai lầm không đáng có.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày