Du học là phải... du lịch

Cá Mập, Theo Trí Thức Trẻ 00:11 26/01/2013
Chia sẻ

Không chỉ một mà là có rất nhiều nguyên nhân khiến bạn phải thực hiện việc này nếu đã quyết định du học.

Tấm thẻ sinh viên thần kì

Chẳng cần là một dân du lịch thứ thiệt, bạn cũng có thể dễ dàng nhận ra sự thật rằng, rất nhiều dịch vụ công cộng, địa điểm du lịch đều dành cho sinh viên với những “ưu đãi” nhất định. 

Đơn cử như câu chuyện của Thùy Dung (K48, ĐH Ngoại Thương Hà Nội) - người từng trải qua một tuần tham gia đại nghị Châu Á Thái Bình Dương về vấn đề nước năm 2012. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, Dung đã tới thăm cung Deoksu ngay gần Seoul City Hall. Điều khiến Dung ngạc nhiên chính là việc chiếc thẻ sinh viên (mang từ Việt Nam sang) cũng giúp cô bạn tiết kiệm tới 50% giá vé vào cung.

Bạn cũng có thể đăng kí nhận thẻ ISIC (International Student Identity Card) – tấm hộ chiếu cho phép bạn tận dụng các chương trình và dịch vụ ưu đãi ở ngay chính quê hương mình, cũng như các nước khác trên thế giới. Người sở hữu ISIC được hưởng rất nhiều ưu đãi, từ giá vé các phương tiện đi lại, tới chi phí mua sắm, hay tham quan…

Du học là phải... du lịch 1

Không ngần ngại sử dụng hostel

Hostel là kí túc xá dành cho sinh viên và cũng đồng thời là nhà trọ dành cho những khách du lịch muốn tiết kiệm tối đa chi phí ăn ở. Sẽ khá thuận tiện và dễ dàng cho bạn trong việc lựa chọn một hostel có mức giá và địa chỉ phù hợp nếu bạn đang là du học sinh ở một địa điểm không quá xa. Hơn nữa, đây cũng là một cách tuyệt vời để bạn hiểu thêm về nền văn hóa, các phong tục tập quán ở nơi bạn đến và những vùng đất khác (quê hương của những người bạn cùng phòng). Nếu bạn du lịch một mình thì “nhảy” vào hostel book một chỗ ngủ cũng đồng nghĩa với việc bạn có khả năng tìm được một nhóm bạn cùng sở thích và “chí hướng” để nhập cuộc.

Xê dịch, đôi khi là chuyện xa vời

Xin visa có lẽ được xem là khâu khó khăn nhất và cũng là “kì đà cản mũi” phổ biến nhất đối với những kế hoạch vi vu của các người trẻ. Không chỉ bởi khoản fee “trên trời”, mà còn bởi những thủ tục rườm rà đối với người Việt của các Đại sứ quán ở Việt Nam. Nhận thức được điều đó, Hồng Nhung (du học sinh Nhật) đã tranh thủ khoảng thời gian ở Nhật để mua vé máy bay, tranh thủ sang Hàn Quốc du hí. Bởi một khi bạn đã sở hữu visa Nhật thì chuyện sang Hàn khá đơn giản nếu không muốn nói là dễ ợt. 

Du học là phải... du lịch 2

Kiếm tiền trên từng chặng đường

Chớ vội nghĩ rằng du lịch là ném tiền qua cửa sổ hay hoang phí. Bạn hoàn toàn có thể kiếm đủ số tiền “bù lỗ” bằng cách chụp ảnh, hay viết những bài báo chia sẻ trải nghiệm du lịch (tương tự như traveling journalism – báo chí lữ hành). 

Minh Trang (du học sinh Thụy Điển) từng là một CTV của một tờ báo lớn ở Việt Nam. Lên đường du học, cô cũng không từ bỏ “nghiệp” của mình và thể hiện tình yêu với nó bằng những bài viết du lịch. Những góc nhìn mới mẻ, những địa điểm chưa từng được cây bút nào đặt bút viết khiến bài viết của Trang được đón nhận và chọn đăng trên nhiều báo. Tiền nhuận bút của cô nàng cũng khá rủng rỉnh, đủ để trang trải cho những chuyến hành trình sau này.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày