Lãnh đạo một số trường đại học hàng đầu của Anh vừa lên tiếng cảnh báo việc hạn chế nhập cảnh đối với các sinh viên nước ngoài có thể làm "chệch hướng" các trường đại học "xứ sở sương mù", vào thời điểm được xem như mới chỉ là sự khởi đầu của thời kỳ hưng thịnh nhất của giáo dục đại học quốc tế.
Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh Cơ quan Biên giới Anh (UKBA) vừa rút giấy phép bảo trợ visa cho sinh viên quốc tế ngoài khu vực Liên minh châu Âu (EU) của trường Đại học London Metropolitan (LMU), do trường này không vượt qua được các bài kiểm tra của UKBA. Căng thẳng càng gia tăng khi chính phủ nước này đặt ra những mục tiêu liên quan đến vấn đề hạn chế nhập cảnh.
Ông Steve Smith, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Exeter, cho rằng: "Chúng ta đang chuyển vấn đề chính trị sang vấn đề hạn chế nhập cảnh. Nước Anh đang có nguy cơ lặp lại những sai lầm mà Mỹ đã phạm phải trong những năm đầu thế kỷ 21."
Mỹ đã thắt chặt việc nhập cảnh sau vụ tấn công khủng bố năm 2001. Hậu quả là số lượng sinh viên nước ngoài đã giảm từ mức tăng 6% năm 2002 xuống chỉ còn 1% năm 2003 và tiếp tục giảm mạnh trong những năm sau đó. Thay vì đến Mỹ, một số lượng lớn du học sinh nước ngoài đã lựa chọn Anh và Australia làm điểm đến của mình.
Giáo sư Edward Acton, Phó Hiệu trưởng trường Đại học East Anglia, cũng nhận định: "Khó có thể đạt được mục tiêu nhập cảnh mà không cắt giảm số lượng sinh viên nước ngoài bởi vì họ chiếm ít nhất 60% số người nhập cảnh vào Anh."
Nhu cầu của các sinh viên tương lai đang tăng lên nhanh chóng. Năm 2006, các nước châu Á, như Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam, đã gửi 478.000 sinh viên tới học tại các trường ở Anh, Mỹ, Canada và Australia. Đến năm 2011, con số này đã tăng lên 732.000. Theo ước tính của Tập đoàn tư vấn du học Parthenon, số lượng du học sinh đến từ những nước này có thể lên tới 972.000 vào năm 2017.
Không chỉ các trường đại học hàng đầu mới có thể khai thác những tiềm năng này. Phân tích của Parthenon cho thấy có tới 62% số sinh viên quốc tế ở Mỹ theo học ở các trường không thuộc tốp 100 trường hàng đầu của nước này và 44% học ở các trường không có tên trong tốp 200.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng có thể kiếm tiền từ việc liên kết với các trường đại học nhằm cung cấp những dịch vụ đi kèm. Ông Acton cho biết đối tác của trường Đại học East Anglia, Into, cũng đã cung cấp cho trường khu giảng dạy và chỗ ở cho sinh viên và làm công tác tiếp thị ở những khu vực mà Trường East Anglia ít có sự hiện diện.
Với nguồn thu hàng năm lên tới 28 tỷ bảng (gần 45 tỷ USD), các trường đại học Anh đang kiếm được khá nhiều tiền và có lợi thế trong việc khai thác nhu cầu ngày càng tăng từ sinh viên nước ngoài.
Theo báo cáo của Hội đồng hỗ trợ đại học xứ England - HEFCE, các trường đại học Anh nắm giữ số tài sản lên tới 26 tỷ bảng trong năm 2009-2010, đó là chưa tính đến tài sản trị giá khoảng 4 tỷ bảng của trường Cao đẳng Oxford và Cambridge.