Ngày 16/3 vừa qua, trang Kyodo News đưa tin người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản thông báo vào tuần sau, chính quyền nước này sẽ thành lập một ban cố vấn lo giải quyết khủng hoảng kế vị của Hoàng gia.
Ban cố vấn đặc biệt sẽ có nhiệm vụ trưng cầu ý kiến từ các chuyên gia để tìm cách đảm bảo sự kế vị ngai vàng được ổn định, trong bối cảnh số lượng thành viên Hoàng gia Nhật hiện tại đang giảm dần.
Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato phát biểu trong một cuộc họp báo cho biết quy định chỉ nam giới mới có quyền kế vị áp dụng lâu nay sẽ được thảo luận. Dự kiến ban cố vấn sẽ đưa ra được kết quả và giải pháp sau 1 năm làm việc.
Nhật hoàng Naruhito (61 tuổi) và Hoàng hậu Masako (57 tuổi) chỉ có một cô con gái duy nhất là Công chúa Aiko (19 tuổi). Công chúa hiện đang là sinh viên tại Đại học Gakushuin - ngôi trường mà phần lớn các thành viên Hoàng gia cũng theo học.
Nhật hoàng chỉ có một con gái duy nhất là Công chúa Aiko
Khi còn làm Thái tử phi, Hoàng hậu Masako từng gặp áp lực nặng nề đến mức trầm cảm vì "nghĩa vụ" phải sinh con trai nối ngôi cho hoàng gia. Sau 8 năm kết hôn, Nhật hoàng và Hoàng hậu mới có Công chúa Aiko. Lúc này, em trai duy nhất của Nhật hoàng là Akishino và vợ cũng chỉ có 2 Công chúa.
Khi Aiko ra đời, Nhật Bản đã cân nhắc đến việc đổi luật để phụ nữ cũng có thể kế vị. Tuy nhiên, việc này bị bỏ dở sau khi Hoàng tử Hisahito - con trai Thân vương Akishino và Vương phi Kiko chào đời năm 2006.
Hiện tại, danh sách kế vị của Nhật Bản rơi vào khủng hoảng khi chỉ có đúng 3 người nhưng 2 người đã ở độ tuổi cao. Đầu tiên là Thân vương Akishino (55 tuổi) - người vừa được sắc phong chính thức làm Hoàng tự vào tháng 11 năm ngoái. Tiếp đó là con trai ông - Hoàng tử bé Hisahito (14 tuổi) và Thân vương Masahito (85 tuổi) - chú của đương kim Nhật hoàng.
Thân vương Akishino và con trai Hisahito - 2 người kế vị tiếp theo theo luật hiện hành
Vào tháng 4 năm ngoái, tờ Kyodo News đã được thực hiện một cuộc thăm dò lớn với người dân Nhật về việc có ủng hộ phụ nữ thừa kế ngai vàng hay không. Có tới 85% số người được hỏi ủng hộ việc có Nữ hoàng trong tương lai. Ngay từ chục năm trước, các cuộc trưng cầu tương tự cũng cho kết quả ủng hộ cao.
Người dân xứ sở mặt trời mọc khá thoải mái với việc đổi luật kế vị, nhưng không ít người bảo thủ trong Chính quyền nước này vẫn giữ quan điểm gìn giữ truyền thống. Vào đầu năm nay, Thủ tướng Yoshihide Suga đã phát biểu: "Trong hoàn cảnh hiện tại, việc kế vị chỉ dành cho nam giới vẫn nên được ưu tiên".
Trong thực tế, lịch sử Nhật Bản cũng từng có 8 Nữ hoàng. Tuy nhiên, tất cả những người này đều truyền ngôi lại cho nam giới trong hoàng tộc.
Bên cạnh đó, hoàng gia cũng đang cân nhắc thay đổi lại quy định phụ nữ hoàng tộc sau khi kết hôn sẽ bị tước vị, trở thành thường dân. Năm 2017, khi Công chúa Mako - con gái cả của Thân vương Akishino tuyên bố đính hôn với bạn học Kei Komuro, vấn đề này lại gây chú ý hơn bao giờ hết.
Trong danh sách thành viên Hoàng gia Nhật hiện tại, trong thế hệ người trẻ nữ giới chiếm số lượng áp đảo, chỉ có một mình Hoàng tử bé Hisahito là nam giới. Điều đó có nghĩa là nếu vẫn giữ nguyên quy định như hiện nay, Hoàng tử Hisahito không chỉ là lựa chọn kế vị duy nhất mà còn phải chịu gánh nặng quá lớn. Nếu trong tương lai các Công chúa đều kết hôn và rời khỏi hoàng cung, Nhật Bản sẽ thiếu người thực hiện nghĩa vụ Hoàng gia trầm trọng.
Gia đình Hoàng gia Nhật vào đầu năm 2020
Để giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đang đưa ra các giải pháp đa dạng như: cho phép phụ nữ giữ tước vị sau khi kết hôn và thành lập nhánh riêng trong hoàng tộc, giao nhiệm vụ cho những cựu công chúa đã rời hoàng gia, khôi phục lại các nhánh hoàng tộc đã bị cắt bỏ trong thế kỷ trước,...
Nguồn: Kyodo News