Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều người "tái mặt", EVN lý giải như thế nào?

Thục Hạnh, Theo Tổ Quốc 22:14 24/04/2019
Chia sẻ

Sau khi EVN công bố tăng giá điện thêm 8,36%, nhiều hộ gia đình hoang mang khi hoá đơn tiền điện của nhà mình bỗng tăng vọt so với tháng trước, cá biệt có hộ tăng gấp 5 lần dù không mua thêm các thiết bị điện. EVN đã có những lý giải trước sự việc này.

Hàng loạt hộ gia đình hoang mang khi hoá đơn điện bỗng tăng đột biến 

Từ ngày 20/3, giá điện đã tăng thêm 8,36%. Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm VAT). Đây là quyết định được ban hành bởi Bộ Công thương, được Chính phủ đồng ý về chủ trương.

Dù biết đến thông tin giá điện tăng 8,36%, tuy nhiên nhiều hộ gia đình tại Hà Nội và TP.HCM vẫn vô cùng choáng váng khi hoá đơn thanh toán tiền điện tháng 4 của gia đình tăng đột biến gấp nhiều lần.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều người tái mặt, EVN lý giải như thế nào? - Ảnh 1.

Giá điện tăng 8,36% từ ngày 20/3 - Ảnh minh hoạ

Theo thông tin đăng tải trên báo VNExpress, anh Vinh (chung cư EHome 3, phường An Lạc, quận Tân Bình, TP.HCM) cho hay, tiền điện tháng 4 nhà anh tăng gần gấp 4 lần tháng 3 và hơn 5 lần so với tháng 2. 

Cụ thể, hóa đơn điện tháng 2 là 290.000 đồng, tháng 3 tăng lên là 320.000 đồng và tháng 4 lên tới 1,25 triệu đồng (gồm thuế VAT) với lượng điện tiêu thụ 482 kWh. Dù được điện lực báo là do tăng lượng điện tiêu thụ và giá tháng 4 có điều chỉnh, nhưng anh Vinh cho rằng mức tăng nhiều lần như vậy là bất hợp lý.

Cũng trên VNExpress, chị Anh (quận 10, TP.HCM) cho biết, tháng 3 gia đình chị phải trả 6 triệu tiền điện, nhưng tháng 4 chị bất ngờ khi tiền điện đã lên đến gần 10,5 triệu đồng, tăng 75% so với tháng trước.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều người tái mặt, EVN lý giải như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều người dân tại TPHCM lo lắng về hóa đơn tiền điện tăng cao trong tháng 3 và tháng 4 - Ảnh: Dân trí

Tình trạng bàng hoàng khi nhận hoá đơn tiền điện tăng đột biến như trên cũng xảy ra đối với nhiều hộ dân tại Hà Nội. Chị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tiền điện tháng 4 gia đình chị tăng gần 400.000 đồng so với tháng 3, lên gần 1,3 triệu đồng.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều người tái mặt, EVN lý giải như thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh: VNExpress

EVN lý giải tại sao hoá đơn tiền điện tăng chóng mặt

Theo báo Dân trí, trước sự việc người dân hoang mang, lo lắng khi hoá đơn tiền điện tăng bất thường, Đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) đã lên tiếng lý giải. Theo đó, các nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến hoá đơn điện tháng 4 của nhiều hộ dân tăng vọt là:

Thứ nhấthóa đơn tiền điện trong tháng 3 và tháng 4 sẽ cao hơn hóa đơn tiền điện trong tháng 2 là vì tháng 2 chỉ có 28 ngày. Trong khi đó, tháng 3 lại có đến 31 ngày, tức là số ngày sử dụng điện trong kỳ hóa đơn tháng 3 sẽ tăng lên 3 ngày.

Ngoài ra, tháng 2 cũng là tháng có kỳ nghỉ Tết nguyên đán nên nhiều người dân TPHCM sẽ về quê hoặc đi du lịch nên việc sử dụng điện trong tháng 2 sẽ ít hơn.

Thứ hai, giá điện đã được tăng lên khoảng 8,3% kể từ ngày 20/3 theo Quyết định 648 của Bộ Công Thương.

Hóa đơn tiền điện tăng đột biến khiến nhiều người tái mặt, EVN lý giải như thế nào? - Ảnh 4.

Thời tiết nắng nóng cũng kéo theo việc hóa đơn tiền điện tăng mạnh do nhu cầu sử dụng điện tăng cao - Ảnh minh hoạ

Thứ ba, nắng nóng kéo dài tại TPHCM trong tháng 3 và tháng 4 cũng là lý do khiến cho sản lượng điện tiêu thụ tăng cao, bởi các thiết bị sinh hoạt trong gia đình sẽ phải tăng công suất làm việc hơn.

Thứ tưsản lượng điện tiêu thụ của người dân tăng cao sẽ khiến cho mức thang tính giá điện sẽ khác nhau.

Ví dụ, một gia đình sử dụng 200 kWh điện trong một tháng thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 3, tức 2.014 đồng/kWh. Như vậy, gia đình này bình thường chỉ phải trả khoảng 402.000 đồng.

Thế nhưng, trong đợt nắng nóng kéo dài, gia đình nói trên có sản lượng điện tiêu thụ tăng lên 300 kWh thì mức thang tính giá điện sẽ rơi vào bậc 4, tức 2.536 đồng/kWh.

Như vậy, gia đình này sẽ phải trả số tiền lên tới 768.000 đồng, tức tiền điện tăng đến 91% dù sản lượng điện sử dụng chỉ tăng 50%.

Theo ông Phạm Quốc Bảo, Tổng giám đốc Công ty Điện lực TPHCM thì trong mùa nắng nóng, người dân càng phải tiết kiệm điện hơn. Người dân nên sử dụng các thiết bị điện đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và nên ưu tiên sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện năng.

"Người dân nên tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, bật máy điều hòa ở mức 25 độ C trở lên nhằm tiết kiệm điện. Tận dụng ánh sáng, gió thiên nhiên để giảm nắng nóng. Mọi người nên chọn mua các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng, kiểm tra đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát điện", ông Phạm Quốc Bảo chia sẻ.

- Theo Dân trí

Tổng hợp
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày