Giá điện tăng 8,36% từ hôm nay

Phạm Tuyên, Theo Tiền Phong 16:55 20/03/2019

Từ hôm nay (20/3), mỗi kWh điện sẽ tăng gần 144 đồng, lên mức bình quân hơn 1.864 đồng.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, giá điện sẽ tăng thêm 8,36% từ hôm nay (20/3). Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng từ 1.720,65 đồng lên hơn 1.864 đồng một kWh (chưa gồm VAT). Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, quyết định tăng giá điện vừa được ký và có hiệu lực từ 20/3. Mức tăng này đã được Chính phủ đồng ý về chủ trương.

Trước đó, Chính phủ cũng đã họp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan về vấn đề tăng giá khí bán cho điện. Trong chiều nay, Bộ Công Thương sẽ có thông tin chính thức về việc tăng giá này.

Các phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP và nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng.

“Việc tăng giá căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than,dầu, khí) tăng, cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá. Đúng ra 2018 đã phải điều chỉnh rồi nhưng vì nhiều lý do ta điều chỉnh vào tháng 3/2019 với mức tăng 8,36%. Việc tăng giá điện sẽ được thực hiện trong tháng 3”, vị này cho hay.

Theo tính toán, tăng giá điện sẽ tác động đến những hộ sản xuất tiêu thụ điện lớn như các nhà sản xuất sắt thép, xi măng. Ước tính việc tăng giá điện giảm 0,22% tăng GDP và sẽ có tác động về chỉ số lạm phát.

"Giá điện Việt Nam hiện ở mức 7,4 cent/kWh nay tăng lên gần 8 cent/kWh. Giá điện của Việt Nam hiện vẫn thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, trong năm qua, phải “bù lỗ” cho rất nhiều chi phí sản xuất kinh đoanh điện tại các huyện, xã đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện. Mức giá điện bán theo quy định của Chính phủ tại các huyện, xã đảo chỉ bằng 8,9% đến tối đa 34% giá thành sản xuất của ngành điện. Trong đó, đặc biệt có nơi giá bán điện của EVN chịu lỗ rất lớn, chỉ bằng 2,32% giá thành sản xuất như tại huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa).

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ngoài số tiền trên, đến nay, chênh lệch tỷ giá chưa tính vào giá điện của năm 2015 tới hiện vẫn còn treo lại lên tới 754 tỷ đồng. Chênh lệch tỷ giá phát sinh trong năm 2018 chưa tính vào giá điện lên tới 3.593 tỷ đồng. Tổng chênh lệch tỷ giá cộng dồn qua các năm chưa tính đầy đủ trong giá điện đến nay lên tới 10.000 tỷ đồng.

Những khoản chi phí chưa được tính đủ trong giá thành điện của các năm trước đây và trong năm 2017 sẽ được tính vào chi phí sản xuất điện năm 2019 của EVN.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày