Hiện tượng "ghét cha" kỳ lạ trong gia đình: Khi nhìn ra gốc rễ vấn đề, nhiều người mẹ vô cùng hối hận

Hiểu Đan, Theo Phụ nữ số 09:11 18/04/2025
Chia sẻ

Tìm hiểu căn nguyên, một chuyên gia tâm lý mới phát hiện ra nguyên nhân.

Mới đây, một cảnh tượng xảy ra ở Trung Quốc khiến người ta đau lòng: Có người con trai và người cha xảy ra tranh cãi, con trai với vẻ mặt hung dữ đánh lại cha mình. Hai cha con như kẻ thù không đội trời chung.

Người mẹ cho biết, trong các buổi họp mặt gia đình, con trai luôn tỏ vẻ xem thường các đề nghị của cha, thậm chí dùng lời lẽ lạnh nhạt và cay nghiệt để đáp lại. Khi hai cha con giao tiếp, không khí đầy căng thẳng và đối đầu, trong mắt đứa con hoàn toàn không có sự tôn trọng và tình yêu thương đáng có. Sợi dây tình thân vốn nên gắn kết bằng máu mủ ruột rà, sao lại trở nên mong manh và dễ vỡ đến vậy?

Tìm hiểu căn nguyên, một chuyên gia tâm lý mới phát hiện rằng: Người mẹ vô tình có những hành vi khiến quan hệ cha con trở nên căng thẳng.

Hiện tượng "ghét cha" kỳ lạ trong gia đình: Khi nhìn ra gốc rễ vấn đề, nhiều người mẹ vô cùng hối hận- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Chị thường xuyên chê bai người cha trước mặt con cái, than phiền rằng chồng mình không kiếm được nhiều tiền: "Con nhìn xem bố người ta kìa, người ta còn có thể mua nhà to, lái xe sang, còn bố con thì sao?" – lời nói đầy sự hạ thấp.

Hoặc trách cứ người cha không chu đáo, không quan tâm đến gia đình: "Suốt ngày chỉ biết lo công việc, chuyện trong nhà thì không quan tâm một chút nào, đúng là không có tinh thần trách nhiệm". Thậm chí trong lúc cãi vã chị còn xúc phạm đến nhân cách người chồng: "Anh đúng là kẻ vô dụng, việc gì cũng không làm nên hồn".

Những lời nói như dao nhọn, khắc sâu vào tâm hồn non nớt của đứa trẻ. Nhận thức của trẻ trong quá trình trưởng thành phần lớn phụ thuộc vào sự giáo dục bằng lời nói và hành vi của cha mẹ. Khi người mẹ ngày ngày liên tục truyền tải những đánh giá tiêu cực về người cha vào tai con, đứa trẻ sẽ dần hình thành một hình ảnh tiêu cực về cha mình một cách vô thức.

Trong mắt chúng, người cha không còn là hình tượng đáng kính, đáng dựa dẫm nữa, mà trở thành một người đầy khuyết điểm, vô dụng và thất bại.

Lâu dần, sự tôn trọng trong lòng đứa trẻ dành cho cha dần dần tan biến, sự kính sợ cũng không còn. Bầu không khí gia đình như vậy không chỉ làm tổn thương quan hệ cha con, mà còn gây ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần và sự hình thành giá trị sống của trẻ.

Hậu quả của việc "con ghét cha"

Dưới góc nhìn tâm lý học, trẻ em trong quá trình trưởng thành cần có một hình mẫu nam giới tích cực để xây dựng nhận thức về giới tính và đặc điểm tính cách. Nhưng khi hình ảnh người cha bị người mẹ liên tục bôi nhọ, quá trình hình thành nhân cách của trẻ có thể bị lệch lạc.

Ví dụ, con trai có thể thiếu sự mạnh mẽ, khi đối diện với khó khăn và thử thách thì lại tỏ ra yếu đuối, trốn tránh, bởi vì chúng không học được sự kiên cường và quả quyết từ người cha. Ngoài ra, sự mất cân bằng trong quan hệ gia đình sẽ khiến nội tâm của trẻ đầy mâu thuẫn và lo âu. Một mặt, chúng yêu mẹ, mặt khác lại vì những lời của mẹ mà sinh ra phản cảm với cha – sự giằng xé trong cảm xúc ấy sẽ đẩy trẻ rơi vào vực sâu của đau khổ.

Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường gia đình như vậy thường thiếu cảm giác an toàn, và giá trị bản thân cũng tương đối thấp, bởi chúng không cảm nhận được sự nuôi dưỡng từ một tình yêu gia đình trọn vẹn và hòa hợp.

Vậy làm thế nào để hàn gắn một mối quan hệ gia đình đầy tổn thương như thế, đưa tình cha con trở lại đúng hướng?

Trước hết, các bà mẹ cần nhận thức được sức sát thương từ lời nói của mình, học cách kiểm soát cảm xúc và cách diễn đạt. Dù có không hài lòng với người cha, cũng nên lựa chọn thời điểm và phương thức phù hợp để trao đổi, tránh việc hạ thấp cha trước mặt con cái. Ví dụ, có thể lựa chọn những lúc riêng tư giữa hai vợ chồng, nói chuyện nhẹ nhàng để bày tỏ nhu cầu và mong muốn của bản thân, cùng nhau thảo luận cách cải thiện mối quan hệ gia đình.

Đồng thời, người mẹ nên tích cực dẫn dắt trẻ nhận ra những điểm tốt và điểm mạnh của người cha.

Cha có thể không giỏi ăn nói, nhưng nỗ lực làm việc để đảm bảo kinh tế cho gia đình; ông có thể không khéo việc nhà, nhưng khi con gặp nguy hiểm, sẵn sàng không do dự mà lao ra bảo vệ. Người mẹ nên như một chiếc cầu nối, chuyển tải những điều tích cực từ người cha đến với con, xây dựng lại hình ảnh người cha trong lòng con.

Ví dụ, kể cho con nghe về những lần người cha vượt qua khó khăn và đạt được thành công, để con hiểu rằng cha cũng có những điều đáng để ngưỡng mộ. Còn người cha, cũng không nên chọn cách trốn tránh hoặc im lặng trước những khó khăn trong gia đình.

Hãy tích cực hơn trong việc tham gia cuộc sống gia đình, dành nhiều thời gian ở bên con cái, thể hiện trách nhiệm và sự quan tâm bằng hành động thực tế. Ví dụ, thường xuyên cùng con tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách hoặc thảo luận các vấn đề trong cuộc sống, tăng cường giao lưu tình cảm, để con có cơ hội nhận ra những mặt tốt đẹp của cha mình.

Gia đình vốn dĩ nên là bến cảng ấm áp của trẻ, là cái nôi nuôi dưỡng sự trưởng thành khỏe mạnh của chúng. Mong rằng cha mẹ cùng nhau cố gắng, xây dựng lại một mối quan hệ gia đình hài hòa, để trẻ có thể lớn lên trong một môi trường tràn đầy yêu thương.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày