Hệ tiêu hóa đang lên tiếng "kêu cứu" nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau: Điều số 3 ai cũng thường bỏ qua

Minh Võ, Theo Trí Thức Trẻ 20:43 29/03/2022

Hệ tiêu hóa luôn phải làm việc để cung cấp năng lượng cho hoạt động hàng ngày, vậy nên khi nó suy yếu sẽ tạo điều kiện cho bệnh tật "tấn công" cơ thể.

Trong cuộc sống hiện đại, chúng ta phải lo toan quá nhiều thứ khiến bản thân dễ bị stress và căng thẳng. Để giải tỏa áp lực, một số người vô tình mắc phải những thói quen gây hại cho hệ tiêu hóa chẳng hạn như ăn nhiều đồ ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường hay ngủ ít… Về lâu dài, chúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, gây hàng loạt bệnh đường ruột, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc ung thư.

Hệ tiêu hóa đang lên tiếng kêu cứu nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau: Điều số 3 ai cũng thường bỏ qua - Ảnh 1.

Khi hệ tiêu hóa suy yếu, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh và ốm đau nhiều hơn

Theo thống kê, hiện có đến 40% dân số trên thế giới đang gặp phải những vấn đề về tiêu hóa. Nếu muốn phòng ngừa bệnh, bạn nên chủ động theo dõi sức khỏe đường ruột mọi lúc, đặc biệt là khi thấy cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau thì cần thăm khám sớm trước khi bệnh đường ruột phát triển:

- Táo bón kéo dài.

- Luôn cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do.

- Khó tiêu và đầy hơi sau khi ăn.

- Mất ngủ và có dấu hiệu buồn bã, trầm cảm.

- Hay ốm vặt.

Cụ thể như sau:

1. Táo bón kéo dài

Đường ruột khỏe mạnh là khi bạn đi vệ sinh trơn tru, không thấy đau. Còn ngược lại, nếu xuất hiện tình trạng táo bón có nghĩa là hệ tiêu hóa đang gặp trục trặc. Lúc này số lượng hại khuẩn trong ruột đang lấn át lợi khuẩn, chúng tấn công thành ruột và gây nên các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt làm tăng nguy cơ mắc chứng táo bón dài ngày.

Hệ tiêu hóa đang lên tiếng kêu cứu nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau: Điều số 3 ai cũng thường bỏ qua - Ảnh 2.

Táo bón là nguyên nhân hàng đầu gây nên bệnh trĩ và ung thư đại tràng

Táo bón nếu không chữa trị sớm sẽ tạo tiền đề cho bệnh trĩ và ung thư đại tràng phát triển. Theo Keri Gans - tác giả của cuốn sách ăn kiêng The Small Change Diet chia sẻ, bạn nên ăn thật nhiều chất xơ và uống thêm nước để giảm bớt táo bón; thường xuyên vận động để tăng nhu động ruột và kích thích đi vệ sinh đều đặn hơn.

2. Luôn cảm thấy mệt mỏi không rõ lý do

Hệ tiêu hóa có mối liên hệ mật thiết với hệ miễn dịch. Cụ thể, nếu ruột chứa quá nhiều hại khuẩn thì chúng sẽ gây rối loạn tiêu hóa, khiến hệ miễn dịch bị ức chế và trở nên yếu hơn, làm cơ thể luôn thấy mệt mỏi, uể oải dù trước đó không làm bất cứ việc gì nặng nhọc.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết bạn nên tìm cách cải thiện sức khỏe đường ruột: chăm chỉ tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau và sữa chua để hệ tiêu hóa hoạt động ổn định lại, những cơn mệt mỏi cũng theo đó dần biến mất.

3. Khó tiêu và đầy hơi sau khi ăn

Khó tiêu và đầy hơi chính là kết quả khi hệ tiêu hóa bị suy yếu hoặc không thể dung nạp một số thực phẩm. Theo Mike Gorski - Giám đốc Trung tâm Thể hình MG FitLife (Mỹ) cho biết, các triệu chứng này xuất hiện khi vi sinh vật trong đường ruột đang bị mất cân bằng, hoặc số lượng lợi khuẩn không đủ để lấn át hại khuẩn.

Hệ tiêu hóa đang lên tiếng kêu cứu nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau: Điều số 3 ai cũng thường bỏ qua - Ảnh 3.

Triệu chứng dễ thấy nhất khi hệ tiêu hóa bị "ốm" chính là khó tiêu và đầy hơi

Nếu bạn luôn gặp tình trạng này sau bữa cơm, hãy xem lại những gì bạn ăn lúc đó và cố gắng tìm ra nguyên nhân. Lấy ví dụ, nếu bạn khó tiêu sau khi ăn đồ chiên dầu thì nhất định phải tránh càng sớm càng tốt. Cần hạn chế ít nhất trong 2 tuần hoặc nhiều hơn cho đến khi hệ tiêu hóa ổn định trở lại.

4. Mất ngủ và có dấu hiệu buồn bã, trầm cảm

Theo Rocio Salas-Whalen, chuyên gia y khoa, nhà nội tiết học tại Phòng khám Manhattan (Mỹ) cho biết, con người chúng ta thường cảm thấy vui vẻ và ngủ ngon nhờ hormone hạnh phúc serotonin. Loại hormone này tập trung 95% ở đường ruột vì não bộ không có khả năng lưu trữ tryptophan để tạo serotonin.

Vậy nên khi đường ruột hoạt động yếu dần đi, khả năng hấp thụ tryptophan và tạo serotonin của cơ thể bị hạn chế, khiến bạn thấy buồn rầu, lo lắng và mất ngủ dài ngày. Trong một số trường hợp nặng, nó còn gây nên chứng trầm cảm.

Để khắc phục tình trạng này, bạn nên thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn nhằm tăng số lượng lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Việc này sẽ góp phần tăng khả năng sản sinh serotonin và hỗ trợ kiểm soát căng thẳng hiệu quả, giúp bạn ngủ ngon và khỏe mạnh hơn.

Hệ tiêu hóa đang lên tiếng kêu cứu nếu cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu sau: Điều số 3 ai cũng thường bỏ qua - Ảnh 4.

5. Hay ốm vặt

Như đã đề cập, hệ tiêu hóa gặp trục trặc kéo theo hệ miễn dịch bị suy yếu. Lúc này, cơ thể dễ bị vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh, khiến bạn bị ốm vặt liên tục nhiều tuần mà không rõ lý do. Một nghiên cứu tại Đại học Stanford (Mỹ) đã chứng minh rằng, những người có nhiều lợi khuẩn trong đường ruột sẽ có hệ miễn dịch tốt hơn, từ đó giảm hẳn nguy cơ mắc bệnh.

Các chuyên gia chia sẻ, cách tốt nhất để tăng cường lợi khuẩn cho đường ruột chính là chăm ăn những thực phẩm lên men, chẳng hạn như sữa chua. Chúng cung cấp cho cơ thể các chủng lợi khuẩn như lactobacillus và bifidobacteria… có khả năng khôi phục sự cân bằng vi khuẩn đường ruột. Tuy nhiên cũng đừng vì thế mà ăn nhiều bởi việc làm đó sẽ gây tiêu chảy, chỉ nên dùng ở một lượng phù hợp.

Theo Eatthis, Healthline