"Sáng thứ Hai không đến công ty!", slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi "He Always Smiles"

TYPN, Theo Helino 10:39 10/12/2018

Ở một nơi nào đó, với một số người nào đó, Thứ Hai lại là ngày đáng mong đợi nhất tuần.

Vì sao thứ 2 lại đáng ghét đến thế?

Ghét Thứ Hai gần như đã trở thành một trào lưu. Nói "ghét" thì cũng không hẳn, người ta sợ Thứ Hai thì đúng hơn. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ta sợ giờ chào cờ đầu tuần, sợ tiết sinh hoạt lớp với quyển sổ đầu bài hắc ám, sợ những bài kiểm tra dồn dập khi bản thân còn chưa kịp tỉnh táo sau hai ngày cuối tuần ăn chơi tới bến. 

Đi làm rồi, ta ghét Thứ Hai, bởi đó là khi giấc ngủ của ta bị co ngắn lại, trong khi danh sách những việc cần làm thì ngày một dài ra. Trên cả là cảm giác chưa nghỉ ngơi đủ, chưa chơi bời đã. 

Sáng thứ Hai không đến công ty!, slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi He Always Smiles - Ảnh 1.

Có rất nhiều lý do để ghét Thứ Hai, và một trong những lý do phổ biến nhất là: bạn không thật sự thích những việc mình đang làm. Mà Thứ Hai lại là ngày khởi đầu cho chuỗi những công việc ấy. Bạn không tìm được niềm vui nơi trường lớp, và mỗi sáng đầu tuần những con số chán ngắn lại nhảy lòng vòng trong đầu bạn: "Để đến ngày nghỉ tiếp theo, tôi cần vượt qua 5 tiết Văn, 5 tiết Toán, 2 tiết Hóa, 3 bài kiểm tra, 1 giờ sinh hoạt lớp…"; để với tới buổi hẹn xem phim với người yêu, tôi phải đạt 500 triệu doanh thu tuần này". Cứ đo đạc cuộc sống bằng việc cần phải làm, con số cần phải đạt như vậy, bảo sao người ta không ghét Thứ Hai.

Người ta có thể tìm ra rất nhiều lý do để ghét thứ 2; nhưng không phải ai cũng tìm được cho mình một động lực để thức dậy trong trạng thái tràn đầy năng lượng, đánh một màu son thật rực rỡ để khởi đầu cho một tuần làm việc mới. Tuy nhiên, "vắc xin" phòng chống căn bệnh "sợ thứ 2" đã và đang được nhiều doanh nghiệp trẻ Việt Nam nghiên cứu và áp dụng để góp phần nâng cao năng suất của người lao động, cũng như xây dựng một nét văn hóa doanh nghiệp có "màu", có "chất", nổi bật giữa hàng ngàn, hàng vạn bông hoa trong vườn khởi nghiệp.

Rất nhiều bạn trẻ Việt đã mang văn hóa làm việc khoa học, tiến bộ của các doanh nghiệp nước ngoài để áp dụng vào môi trường Việt Nam. Có những công ty "thưởng" cho người lao động một buổi "Happy Friday": họ có thể tự chọn, hoặc về sớm, hoặc tụ tập cùng công ty uống trà sữa, chơi ma sói, đi xem phim. Cũng có những start-up thu hút rất nhiều bạn trẻ bằng cách xua tan "Monday Blues". Thay vì uể oải thức dậy, than thở chán đời, chán việc, người ta có thể ăn vận xinh đẹp và đến quán cafe check-in cùng sếp và đồng nghiệp trong buổi sáng thứ hai "không đến công ty".

Một anh boss đẹp trai, nói không với thứ Hai

Đỗ Hoàng Minh Khôi là CEO của công ty trẻ kinh doanh về life-style (phong cách sống). Hiện công ty này đang sở hữu một loạt các thương hiệu cafe và thời trang được giới trẻ yêu thích như: Xofa Cafe, All Day Coffee, Mono Talk, ClownZ Streetwear.

Rất nhiều người biết đến Xofa Cafe, nhưng không phải ai cũng biết, ông chủ của thương hiệu cafe này và "biệt đội siêu nhân viên" đứng đằng sau nó không phải trải qua cảm giác uể oải, lo âu, mệt mỏi như chúng ta, hay bất cứ nhân viên trĩu nặng lo âu mỗi sáng đầu tuần nào ở Hà Nội.

 Bởi họ đã thống nhất với nhau: "Sáng Thứ Hai không đến Công ty".

Sáng thứ Hai không đến công ty!, slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi He Always Smiles - Ảnh 2.

Ngay sau khi dòng trạng thái "Chúng tôi không đến công ty vào sáng Thứ Hai" được đăng tải, chúng tôi đã liên hệ ngay với anh Đỗ Hoàng Minh Khôi để tìm hiểu thêm về nét văn hóa doanh nghiệp độc đáo này.

Và nếu bạn chưa biết Đỗ Hoàng Minh Khôi là ai, thì chắc cũng phải trên dưới một lần các bạn biết đến nhân vật chàng trai đội cái hộp, lấy tên "He Always Smiles" từng làm mưa làm gió mặt trận Youtube với loạt phim ngắn rất trẻ mà đình đám nhất là "Valentine 13" có sự góp mặt của hotgirl Salim. Channel Youtube của Khôi đã dừng đăng tải được một thời gian kha khá dài, chắc hẳn để ông chủ tập trung nhiều vào các dự án kinh doanh trẻ của bản thân. 

Hãy nghe Đỗ Hoàng Minh Khôi "He Always Smiles" nói đôi chút về mô hình kinh doanh của mình. 

"Chúng mình là một công ty trẻ, hoạt động trong 2 lĩnh vực là cafe và thời trang. Ngoài khối cửa hàng, chúng mình cũng có một khối văn phòng khoảng 40 người, bao gồm marketing, thiết kế thời trang, phát triển sản phẩm, nhân sự... Phần lớn trong đó là những người trẻ. Với đặc thù kinh doanh về life-style, cảm hứng làm việc là một yếu tố quan trọng với chúng mình.

Thứ hai là ngày đầu tiên của tuần, và vốn gán mác họp-giao-ban. Trước đây, chính mình nhiều khi cũng khá ngại ba chữ này. Một vài nhân viên của mình tối chủ nhật vẫn còn đang đi..."quẩy". Dư âm của cuối tuần luôn rất lớn, khiến thứ hai trở nên hơi "đáng ghét chút (cười to).

Và đó là lí do để ra đời ý tưởng sáng thứ 2 không tới công ty mà ra ngoài gặp gỡ sáng tạo cùng nhau. Bọn mình lấy tên gọi cho hoạt động này là "Monday Morning".

Kể từ đó, sáng thứ 2 trở nên cảm hứng và thú vị hơn nhiều. Không phải "hiệu triệu" ai cả, mà mọi người còn hào hứng nghĩ xem sáng thứ 2 sẽ tụ tập nhau ở địa điểm thú vị nào. Và tâm thế của ai cũng vui vẻ trong các buổi Monday Morning. Chúng mình cũng dành khoảng 15 phút đầu giờ để trò chuyện vui với nhau, trước khi bắt đầu bàn luận ý tưởng."

Anh nghĩ sao về vai trò của một không gian làm việc tốt cho buổi sáng đầu tuần?

Mình tin là rất quan trọng, và cũng đủ đơn giản để thực hiện. Công ty nào cũng cần gặp gỡ trao đổi với nhau vào đầu tuần, và "sợ họp giao ban" là một cảm xúc thường tình, dễ hiểu. Nhưng nếu thực hiện việc gặp gỡ ở một địa điểm mọi người đều rất thích, thì cảm xúc sẽ tốt lên nhiều. Không phải bỗng dưng mà nhiều người thích làm việc tại quán cafe phải không?

Và nếu về cuối buổi, kết quả công việc vẫn tốt, cũng như mọi người cảm thấy nhẹ nhàng thoải mái hơn, tại sao chúng ta không biến việc này thành thường kì cơ chứ? Linh hoạt vì niềm vui của mọi người trong team, mình thấy rất đáng. Cuối cùng, hãy để kết quả kinh doanh trả lời.

Hãy kể một chút về văn hóa doanh nghiệp và cách anh đang xây dựng nó tại công ty?

Đối với chúng mình, văn hóa doanh nghiệp cần được xây dựng bằng Hành Động Mỗi Ngày.

Hằng ngày, chúng mình sử dụng Xofa Dollars để thưởng "nóng" cho những sự tiến bộ, những hành động tốt của các thành viên dưới cửa hàng. Chỉ cần tươi cười hơn, phục vụ chuẩn chỉnh hơn, giúp đỡ đồng nghiệp, hay làm những điều ấm áp cho mọi người... là có thể nhận được Xofa Dollars để sử dụng ăn uống, trải nghiệm tại chính Xofa. Phía mặt sau của Xofa Dollars sẽ là lí do khen tặng do Quản lí viết tay.

Các leader cũng thường xuyên thực hành việc đi hỏi nhân viên về "5 điều bạn chưa hài lòng về tôi". Sau đó sẽ cố gắng thay đổi, cải thiện.

Mỗi chiều thứ 6, dù bận đến mấy, trên văn phòng chúng mình vẫn cố gắng tổ chức Happy Hour để mọi người cùng nhau ăn uống nhẹ và giao lưu.

Sáng thứ Hai không đến công ty!, slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi He Always Smiles - Ảnh 3.

Mỗi năm, tại Xofa Cafe, chúng mình thường dành một ngân sách lớn nhất định để tổ chức sinh nhật cho Xofa. Dịp Xofa tròn 3 tuổi vừa rồi, bọn mình đã đi qua đêm kỉ niệm, cùng nhau chơi trò chơi, đàn hát, thi tài và cả...khiêu vũ.

Sang năm 2019, sáng thứ 7 sẽ là ngày không làm việc của khối văn phòng chúng mình. Chúng mình dự định dành thời gian để chia sẻ, đào tạo lẫn nhau, đọc sách và trò chuyện về công việc một tuần vừa qua. Cũng có thể, chúng mình sẽ dành thời gian đi chơi đâu đó hoặc xem một bộ phim cùng nhau ngay tại công ty. Mình nghĩ rằng dành thời gian để phát triển con người cũng như học cách… chung sống là rất quan trọng.

Anh có thể chia sẻ một vài câu chuyện thú vị nhờ đầu tư vào văn hoá doanh nghiệp từ chính các công ty của mình được không ạ?

Văn hóa bên mình luôn khuyến khích mọi người khám phá bản thân và quyết liệt theo đuổi đam mê. Có một bạn nhân viên phục vụ sau quá trình làm việc 1 năm ở Xofa Cafe đã quyết định từ bỏ trường đại học bạn ấy đang học, để tìm hiểu sâu hơn về ngành dịch vụ. Hiện giờ tuy bạn không còn làm việc tại Xofa, nhưng bạn ấy hạnh phúc với lựa chọn của bạn và hiện cũng đang làm việc tại một đơn vị lớn trong ngành dịch vụ.

Một nhân viên khác của Xofa Cafe đã quyết định nghỉ làm khi tìm thấy niềm đam mê về thiết kế thời trang của bạn ấy. Thế nhưng sau khi đi một vòng khắp Bắc Nam, và nghe tin công ty mình mở thêm thương hiệu thời trang nữ, bạn ứng tuyển trở lại. Lí do của bạn là: bạn yêu mến môi trường làm việc tại đây, và tin rằng bản thân sẽ được phát triển tốt cùng với những đồng nghiệp đam mê và hoài bão. Trước chưa có vị trí phù hợp với bạn, giờ đã có (cười lớn).

Xin anh hãy nói một câu để người đi làm bớt sợ ngày thứ 2?

Sáng thứ Hai không đến công ty!, slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi He Always Smiles - Ảnh 4.

Thứ Hai sẽ không hề đáng ghét nếu bạn thật sự yêu cuộc sống của mình

Chúng tôi không có ý chỉ trích rằng bạn đang chán đời. Tâm lý ghét ngày đầu tuần, ghét phải đi làm là chuyện rất bình thường. Không thiếu những người tràn đầy nhiệt huyết với công việc của mình, nhưng nếu được phép ở nhà ngủ, họ sẽ ngủ một cách đầy say mê, ngủ sâu, ngủ kỹ hơn tất cả mọi người. Điều đó không có nghĩa là họ lười hay "chán việc".

Công việc chiếm ⅓ cuộc đời bạn. Nếu bạn thật sự mãn nguyện với nó, tiếng chuông đồng hồ mỗi sáng sẽ không còn là nỗi ám ảnh nữa. Hãy tìm cho mình những niềm vui nho nhỏ ở chỗ làm. Một thói quen uống cafe với anh chị em đồng nghiệp, một nhóm bạn hợp cạ, hay thậm chí là "thích" một ai đó; tất cả những gì có thể khiến bạn vượt qua cơn buồn ngủ và những nỗi sợ hãi về KPI để nở một nụ cười thật tươi mỗi sáng Thứ Hai.

Sáng thứ Hai không đến công ty!, slogan độc đáo của CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi He Always Smiles - Ảnh 5.

Ảnh: Đỗ Hoàng Minh Khôi

CEO Đỗ Hoàng Minh Khôi chỉ là một trong muôn vàn những leader trẻ tuổi đang cố gắng truyền cảm hứng cho những người đi làm, thậm chí là cả học sinh, sinh viên, những người ít nhiều vẫn đang mang "thành kiến" với ngày Thứ Hai đầu tuần. Hy vọng sau khi đọc những dòng chia sẻ của anh "boss" đẹp trai, tất cả chúng ta có thể sống với trách nhiệm của một người lớn và tinh thần của một đứa trẻ, hãy vui vẻ chào đón một tuần mới bằng câu hát: "Thứ hai là ngày đầu tuần, em hứa cố gắng chăm ngoan".