Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân

minh khôi, Theo Đời sống pháp luật 23:59 31/07/2024
Chia sẻ

Cảm phục Anh Tài Tự Long!

Đến thời điểm hiện tại, NSND Tự Long chắc chắn là một trong những Anh Tài nhận được nhiều sự chú ý nhất từ Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Ngay từ đầu, khán giả sẽ có ấn tượng về một nghệ sĩ lão làng, một nghệ sĩ hài hước sẽ mang đến những tràng cười sảng khoái cho khán giả. Và đúng là anh đã làm được điều đó, khi cần hài có hài, khi cần nghiêm túc có nghiêm túc, nhưng nhìn vào các tập đã lên sóng, ta có thể thấy hành trình của NSND Tự Long tại Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đã vượt ra khỏi phạm trù một cuộc thi.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 1.

Anh trai Tự Long "kịch trần, bay phấp phới" trong màn trình diễn Trống Cơm

NSND Tự Long thực sự là một người anh lớn, là chỗ dựa tinh thần và là nơi các đàn em học hỏi về những kiến thức, trải nghiệm mà đàn anh tích lũy được sau nhiều thập niên làm nghề. Các Anh Tài ngày càng yêu mến anh Tự Long bởi sự gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ và tư vấn cho các nghệ sĩ trẻ. Chưa dừng lại ở đó, hành trình lan tỏa tình yêu văn hóa dân tộc, với các bộ môn nghệ thuật truyền thống của Tự Long thực sự khiến khán giả đã ngưỡng mộ lại càng thêm xúc động.

“Chèo mới là sự nghiệp lớn của mình, là giấc mơ tôi theo đuổi từ ngày còn là cậu bé chăn trâu”

NSND Tự Long sinh trưởng trong gia đình có truyền thống về nghệ thuật sân khấu ở Bắc Ninh. Bố anh là NSƯT Tự Lẫm - từng đảm nhiệm vị trí Trưởng đoàn Quan họ Bắc Ninh trong những ngày đầu mới thành lập. Mẹ anh cũng là nghệ sĩ quan họ có tiếng tại quê hương. Ngay từ bé và cho cả những năm tháng trưởng thành, Tự Long sống trong những làn điệu quê hương, thấm đẫm trong văn hóa cổ truyền của dân tộc. Chính điều ấy có lẽ đã nuôi lớn lên trong lòng anh một tình yêu nồng nàn với quê hương cũng như niềm canh cánh về bảo tồn văn hóa dân tộc. Tự Long đã tốt nghiệp xuất sắc Sân khấu Điện ảnh chuyên ngành hề chèo, được giới chuyên môn đánh giá cao trên sân khấu chèo, giành nhiều HCV trong các kỳ hội diễn chèo toàn quốc

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 2.

Hình ảnh khác của Đại tá Tự Long

Hiện tại, nam nghệ sĩ đang đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật chèo truyền thống. Trả lời với truyền thông, Tự Long từng xúc động bày tỏ sân khấu chèo thực sự mới là cả cuộc đời của anh: "Tôi tâm niệm, sân khấu chèo mới là sự nghiệp lớn của mình. Đó là giấc mơ tôi theo đuổi từ ngày còn là cậu bé chăn trâu. Bạn bè đồng nghiệp và khán giả quen gọi tôi là Long chèo, tôi tự hào với biệt danh này, đó cũng là lời nhắc nhở cho tôi biết đâu là cái đích trong cuộc đời nghệ thuật của mình"

Năm 2000, Tự Long bén duyên với chương trình "Gặp Nhau Cuối Tuần" và trở thành "Táo Quân". Từ đây, anh bắt đầu hành trình gắn bó với vai diễn "Táo Quân" - một nhân vật mang đến tiếng cười sảng khoái cho khán giả mỗi dịp Tết đến xuân về. Trải qua hơn hai thập kỷ gắn bó với chương trình, anh đã hóa thân vào nhiều vai diễn khác nhau như Táo Điện Lực, Táo Thể Thao, Táo Văn Hóa, Táo Thoát Nước, Táo Giao Thông,...

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 3.

Tự Long còn quen thuộc với chương trình Táo Quân

Mỗi vai diễn đều mang một màu sắc riêng, được Tự Long thổi hồn vào bằng khả năng hát chèo cuốn hút, cùng lối diễn hài hước tự nhiên và sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong suốt 20 năm qua. Ngoài ra, khi nhắc đến NSND Tự Long, công chúng còn nhớ ngay đến những vai diễn châm biếm sâu cay, nhưng đầy ý nghĩa của anh trên sóng VTV như: "Bác sĩ Hoa Súng" trong Gặp Nhau Cuối Tuần, hay "Bác Phô" uy quyền nhưng cũng đầy tình người ở Thư Giãn Cuối Tuần...

Với hơn 25 năm tâm huyết cống hiến cho nghệ thuật, NSND Tự Long được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Ưu tú” vào năm 2012, danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân” vào năm 2015. Sau 5 năm, anh được phong quân hàm Đại tá và trở thành một trong các nghệ sĩ trẻ tuổi nhất được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý này. NSND Tự Long hứa hẹn sẽ mang đến chương trình những màn trình diễn giao thoa giữa nghệ thuật truyền thống và hiện đại, hứa hẹn đem đến cho người hâm mộ các tiết mục đặc sắc và vô cùng bùng nổ.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 4.

Tự Long đóng góp không nhỏ vào nền nghệ thuật nước nhà

Ngay cả khi lấn sân sang các sân khấu hài kịch miền Bắc, Tự Long vẫn cố gắng hết sức để mang cái hay, cái đẹp tuyệt vời của nghệ thuật chèo lên sân khấu. Đó là nỗi niềm canh cánh của một người nghệ sĩ chèo chân chính khi các loại hình sân khấu nghệ thuật truyền thống nói chung và sân khấu chèo nói riêng dần thưa vắng khán giả. Một nghệ sĩ chèo đôi khi phải mang nghệ thuật chèo lồng ghép vào sân khấu một bộ môn khác, cũng là một cách để giữ lửa, nhưng ngẫm lại đến tận cùng cũng chua chát lắm thay. Nhưng “cơm áo không đùa với khách thơ”, xã hội hiện đại khiến nhiều giá trị cổ truyền dần thui chột, dần vào dĩ vãng…

Chính Tự Long cũng từng nhìn nhận một cách thẳng thắn về sự mai một của nghệ thuật sân khấu mà anh theo đuổi: “Tôi nghĩ hề chèo không phải là đang bị mai một đâu mà đang bị triệt tiêu thì đúng hơn. Chèo bị lép vế trước truyền hình, lép vế trước các phương tiện truyền thông giải trí hiện đại, lép vế trước hài kịch. Trước đây người ta đi xem chèo để tìm tiếng cười còn thời bội thực hài kịch hiện nay, người ta có thể tìm tiếng cười ở mọi nơi, vào mọi lúc. Chèo muốn sống được phải về các vùng quê. Còn ở thành phố, có nhà hát nào sáng đèn bằng tấm vé khán giả bỏ tiền mua?”.

Hành trình “vượt ngàn chông gai” đầy cảm hứng, là người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân

Ngay từ vòng Concert, Tự Long đã khiến khán giả yêu mến với bản Tình Đất ngọt ngào, giản dị và mộc mạc. Sau đó, anh nhận được sự chào đón của tất cả các Anh Tài còn lại, anh là một người anh lớn, một người nghệ sĩ quốc dân mà… họ mới chỉ thấy trên tivi. Trải qua những rụt rè ban đầu, Tự Long dần dần làm quen được với nhịp quay của show truyền hình thực tế, anh cởi mở với tất cả mọi người, và trở thành “cây hài” khi nói câu nào “đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới" câu đấy và thỉnh thoảng lai… tiết lộ luôn kết quả hay các hình ảnh mà chương trình chưa cho phép các Anh Tài hé lộ.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 5.

Tự Long truyền cảm hứng cho các anh trai bằng năng lượng tích cực và chăm chỉ

Tại vòng Công diễn 1, toàn bộ kiến thức và sự trải nghiệm của Tự Long trở thành hành trang quý giá để khiến tiết mục Nhà Sao Sáng dẫu không đứng nhất trong chương trình, nhưng lại trở thành sân khấu viral nhất trên MXH.

Khi nhận đề bài, Anh tài Tự Long nhìn nhận rằng Trống Cơm là một bài hát không trọn vẹn, bởi đây là một điệu hát” dân gian, với việc chương trình cho phép sáng tạo không quá 50% để làm mới ca khúc. Cả nhóm quyết định tạo nên sự giao thoa của truyền thống - đương đại bằng những giai điệu mới, thông qua việc trình diễn nhạc cụ trống cơm, đàn bầu hay phục trang truyền thống của dân tộc Việt Nam để có thể phục vụ cho cả “người già, người trung niên, người trẻ” theo như lời chia sẻ của NSND Tự Long.

Video focus của Tự Long trong màn trình diễn Trống Cơm

Màn trình diễn Trống Cơm thực sự đã gây ấn tượng khán giả, lẫn các anh tài khác khi mang màu sắc âm nhạc đương đại từ giai điệu, lời rap, kết hợp với đó là trang phục truyền thống áo ngũ thân và khăn xếp, những điệu hò của dân ca Bắc bộ, tiếng trống cơm, tiếng đàn bầu do anh tài thể hiện đã nhận được nhiều sự tán thưởng.

“Tôi rất thích những cái gì của dân tộc thì có thể gìn giữ nó, sau đó cách điệu, phát triển nó. Điều này cũng rất đúng với tinh thần Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024” - Anh tài Tự Long tâm sự. Sau khi kết thúc phần trình diễn, Tự Long cũng thở phào trước sự dốc sức của bản thân và đồng đội, anh chia sẻ: “Tôi không nghĩ là hát live và diễn live lại mệt như thế này. Mệt hơn cả phần trình diễn trước của tôi”.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 6.

Anh tài cùng SOOBIN và Cường Seven

Chia sẻ thêm về ý nghĩa của tiết mục lần này, Tự Long cho biết: “Ca khúc này nói về văn hóa. Văn hóa là bản chất, là cội nguồn của dân tộc. Phương diện văn hóa mà chúng tôi muốn kể đó chính là tiếp nối những giá trị truyền thống, chúng tôi muốn cho những người trẻ hiểu và tiếp cận nhiều hơn nữa, để thêm yêu vốn cổ của dân tộc.

Lời bài Trống cơm chúng tôi không sửa. Nhưng có điều đặc biệt là chương trình cho chúng tôi sáng tác mới đến 49%. Tận dụng điều đó chúng tôi đã sáng tác thêm một đoạn để làm mới thêm giai điệu nhưng không mất đi bản sắc của ca khúc, bản sắc của dân tộc chúng mình. Khán giả của chúng tôi có thể là 6x, 7x, 8x hay 9x, nhưng cũng có thể là đối tượng 2000 trở lên. Nhưng họ vẫn sẽ thích nghe trống cơm và chúng tôi làm giàu thêm kho tàng văn hóa Việt Nam”.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 7.

Anh tài không ngại thử sức mình ở các hình ảnh mới mẻ

Chia sẻ và nhìn nhận của NSND Tự Long nhanh chóng được lan truyền mạnh mẽ trên MXH. Đặc biệt, nhận định “Văn hóa là bản chất, là cội nguồn của dân tộc” gây xúc động mạnh.

Một chi tiết cảm động hơn khi NSND Tự Long bất chấp đang là các “đối thủ” thi đấu với nhau, sẵn sàng đứng ra tư vấn và chỉ dẫn cho các đàn em thuộc Nhà Xương Rồng khi họ nhận một đề bài khó. Đến đây, khí chất của một “người anh” lẫn “người thầy” nơi NSND Tự Long lại được bộc lộ. Để có thể hiểu đúng và có cái nhìn sâu sắc, bao quát hơn về tiết mục mà mình trình diễn, Nhà Xương Rồng đã có một buổi trò chuyện với NSND Tự Long. Tại đây, NSND Tự Long đã chia sẻ thêm những kiến thức mà mình biết cho đàn em. Anh nói: “Những người ở hậu phương lúc nào cũng muốn gửi gắm những cái đẹp nhất, ngon nhất, những cái ấm áp nhất ra trận tuyến, cho người mình yêu ở ngoài đó. Người ở trận tuyến thì lại có sức mạnh khi mặc cái áo đấy, cảm thụ tình yêu thương của gia đình, của làng quê và người ta chắc tay súng để diệt quân thù”.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 8.

Được Tự Long góp ý, nhóm Xương Rồng của Duy Khánh vươn lên dẫn đầu

Để nói về Áo Mùa Đông, NSND Tự Long đã “khai sáng” cho các nghệ sĩ trẻ: “Người ta vững chãi ở nơi “đầu sóng ngọn gió”, ở nơi biên cương xa xôi, cái chết chỉ đến trong gang tấc. Nhưng có hơi ấm truyền qua cái áo đó, người ta sẵn sàng đương đầu với thử thách, sẵn sàng đối diện với kẻ thù và chấp nhận hy sinh cao cả. Những tấm áo đấy không chỉ là hơi ấm mà những tấm áo đấy đã được thấm máu của những người ra chiến trường, để cho màu cờ Tổ quốc được đỏ tươi”, NSND Tự Long nói đầy tự hào.

Hành trình “vượt chông gai” đầy cảm hứng của NSND Tự Long - một người anh, người thầy, và là người nghệ sĩ của nhân dân- Ảnh 9.

Nam nghệ sĩ gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả

Tìm về những tư liệu cội nguồn gắn liền với ca khúc Áo Mùa Đông những năm 1946 là chiếc áo trấn thủ - vật dụng biểu trưng cho tình quân dân, tình đoàn kết dân tộc, tình của hậu phương dành cho chiến sĩ cách mạng nơi tiền tuyến. Lấy cảm hứng từ vật dụng biểu tượng này cho tiết mục mình, Duy Khánh, Bùi Công Nam, Thanh Duy, Thiên Minh - 4 anh tài của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai 2024 mong muốn đại diện cho người trẻ để thể hiện lòng yêu nước, tình cảm hậu phương dành cho quân dân, lòng biết ơn sâu sắc đến sự hy sinh của cha ông - thế hệ đi trước đã đặt sinh mệnh nơi chiến trường để mang lại hòa bình cho dân tộc.

Còn nhớ ở Chị Đẹp, khán giả đã có một diva Mỹ Linh vừa hài hước nhưng cũng cực kì tình cảm, sâu sắc với đàn em. Và với Tự Long, so sánh cũng khá khập khiễng, nhưng quả thật sự ấm áp và vững chãi anh mang lại từ một người anh, cộng với “bồ kiến thức” về văn hóa lịch sử từ một người thầy, đã khiến cái tên anh chinh phục thật nhiều khán giả Gen Z! Các Anh Tài ai cũng cực kì yêu mến Tự Long và ngược lại anh đối xử chan hòa với tất cả mọi người.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày