Người ta thường nói: có sinh con mới thấu lòng cha mẹ, có con rồi mới biết những khó khăn, vất vả thời son rỗi chẳng là gì so với những khi con bị ốm đau, bệnh tật. Với những đứa trẻ bình thường, việc chăm sóc, nuôi nấng đã là cả một vấn đề đối với những ông bố, bà mẹ. Còn với những đứa trẻ sinh ra chẳng may hao khuyết, gánh nặng ấy dường như tăng lên gấp bội. Nhưng dẫu con có thế nào, nhiều người mẹ vẫn ân cần chăm sóc, nuôi nấng bằng tất cả những gì mình có.
Cô gái tuổi 30 mà chẳng biết nói cười, lớn lên trên bàn tay mẹ
Ở thôn Hợp Lý, xã Lý Nhân, tỉnh Hà Nam có một người mẹ như thế. Bà Nguyễn Thị Điểm có 4 người con, 1 người mất khi mới hơn 1 tuổi, 2 người con sau người đã lập gia đình, người đang học nghề. Còn "sót" lại một người con thứ, năm nay đã gần 30 nhưng vẫn chỉ như đứa trẻ lên 3 chẳng biết sự đời.
Thanh – 28 tuổi, nặng 12kg và cao chưa đầy 72cm, cả đời chưa một lần bước chân khỏi nhà, không nói được câu nào, lúc nào cáu gắt cái gì thì chỉ khóc thôi, lớn lên và già đi trên tay mẹ, trong hình hài một đứa trẻ lên 3.
Trần Thị Thanh – SN 1990 nhưng thân xác chỉ như đứa trẻ lên 3 với 12kg và cao gần 72cm.
Bà Nguyễn Thị Điểm cùng đứa con kém may mắn
Bà Điệp kể, cách đây 30 năm, vợ chồng bà sinh bé gái đầu lòng. 3 - 4 tháng sau sinh, đứa trẻ cũng chẳng thể cử động cổ, đầu, chỉ nằm yên một chỗ. Biết con bị bệnh, nhưng ông bà cũng chẳng suy nghĩ gì, rồi mang thai tiếp Thanh. Khi Thanh được 3 tháng, người con đầu mất. Sau đó, Thanh cũng mắc triệu chứng y như người chị quá cố, không thể cử động cổ, chỉ biết nằm yên một chỗ.
Lúc bấy giờ vợ chồng bà Điểm mới mang con đi chạy chữa khắp nơi, nhưng tình hình chẳng thể cứu vãn. Thanh còn bị vẹo cột sống, chẳng thể đi, đứng. Thanh cũng không phát triển chiều cao, cân nặng hay trí tuệ như những đứa trẻ khác.
Ngay từ nhỏ Thanh đã không cử động được cổ. Dẫu được bố mẹ đưa đi rất nhiều viện nhưng không có chuyển biến gì
Do cột sống và xương sườn đều bị lệch về một bên, nên Thanh không thể phát triển chiều cao như bạn bè cùng trang lứa.
Cũng vì nguyên do đó, chân của Thanh cũng chẳng nâng đỡ được cơ thể, cô không để đi lại, hay đứng thẳng.
Khi nằm, Thanh cũng chẳng thể tự lật người. Bà Điểm chốc chốc lại lật người con lại cho đỡ mỏi
"Ngày xưa, khi đưa Thanh đi viện, nhà tôi nghèo lắm, vay người ta 100 nghìn người ta cũng không cho vay, vì sợ vay rồi không có tiền trả" – bà Điểm rưng rưng nhớ lại. Nhưng hồi đó vì còn trẻ, nên hai vợ chồng đều cố gắng làm lụng, chắt bóp để chạy chữa cho Thanh. Bao nhiêu tiền bạc đổ vào, nhưng con gái không có gì biến chuyển, hai ông bà đành chấp nhận thực tại.
Cả thế giới của con là mẹ - mẹ quanh quẩn ở nhà chăm con
Bà Điểm bảo, người ta con mọn 3 năm là xong, còn bà 30 năm con mọn vẫn chưa tròn nghĩa vụ. "Từ ngày biết Thanh bị bệnh, cô chẳng dám đi làm ở đâu xa vì lúc nào cũng phải trông chừng con gái. Cũng có khi cuộc sống khó khăn, lại chẳng thể gửi nhà trẻ hay nhờ hàng xóm, cô đành làm liều, nhốt con trong nhà để đi làm. Chỉ liều được vài lần thôi, không dám bỏ đi lâu vì nghĩ thương con nằm một mình lại tội. Nhiều khi khoá cửa rồi vẫn lo con bị bắt cóc mất". Nói rồi bà lại tự cười chua xót, vì con nhà người ta lanh lợi, xinh xắn, bọn bắt cóc còn để ý, đằng này, Thanh của bà...
Trông con, lo miếng ăn giấc ngủ, bà còn lo cả chuyện con bị đám trẻ con trong làng chòng ghẹo. "Bạn bè cùng trang lứa với nó giờ đã lấy chồng hết. Giờ đến chơi với nó toàn là cháu chắt trong nhà. Nhưng những đứa lớn hơn, có ý thức một tí thì không sao, nhưng có nhiều đứa trẻ đến chỉ để bắt nạt, Thanh nó chỉ biết ở yên một chỗ, đâu chống cự được. Thành ra trẻ con đến chơi thì vui, mà cũng bận hơn vì cô phải để ý từng tí một".
Chiếc bếp ngay ngoài trời là nơi hai mẹ con nấu một bữa cơm ăn cả ngày.
Hiện tại, hai mẹ con ở nhà, cứ quanh quẩn với nhau cơm cơm nước nước, có việc gì đơn giản thì làm. Chồng bà Điểm cũng đã có tuổi, không làm được việc nặng, đi làm bảo vệ cho một gia đình ở trên Hà Nội. Tất cả tiền chi tiêu, ăn uống sinh hoạt đều phụ thuộc vào khoản lương 3 triệu mà ông gửi về cho gia đình.
"Ông nhà tôi không cho tôi bế nó xuống bếp, vì sợ nó bị ngã dúi đầu vào bếp lửa. Nhưng mỗi khi đến bữa chẳng biết làm thế nào, tôi vẫn bế theo, đặt nó ngồi xa bếp một chút".
Người ta xui tôi đem con ra trại mồ côi gửi, nhưng khúc ruột của mình, ai nỡ...
Bà Điểm bảo, con gái bà có lẽ có trí nhớ kém cả trẻ lên 3, vẫn thường vệ sinh ra quần mà không biết gọi. Thanh ăn cũng rất ít nên ngày một yếu đi.
Ngày xưa có người bảo bà Điểm mang con qua trại trẻ mồ côi để người ta nuôi hộ, rảnh tay rảnh chân còn đi lo kinh tế. Nhưng bà bảo, dù có thế nào, Thanh cũng là máu mủ, là khúc ruột của bà, nên bà cứ giữ để chăm.
Gương mặt khắc khổ, tảo tần của người mẹ cả đời hy sinh vì con, chẳng dám than trách "ông trời", lặng lẽ chấp nhận phần số.
Tờ giấy khai sinh của Thành, con gái đầu của bà Điểm giờ đã thành tờ giấy kỷ niệm.
"Nó không cười nói nhiều như những đứa trẻ khác nhưng nó cũng tình cảm với tôi lắm. Những lúc tôi mệt nó ra chiều cũng hiểu nên không cáu gắt hay khóc lóc mà im lặng ngồi nhìn thôi.
Sức khỏe của nó ngày một yếu dần, không biết có thể ở lại bên tôi được bao lâu nữa nhưng tôi mong con có thể sống thật lâu để chăm con ngày nào hay ngày ấy. Vất vả lắm, nhưng con bé đã thiệt thòi hơn chúng bạn rồi nên tôi muốn yêu thương con suốt quãng đời còn lại" – người mẹ nghèo tâm sự trong nước mắt.