Trưa 4/12, tại khu vực bánh mứt, hạt khô… ở chợ Bình Tây (quận 6), đa số các tiểu thương đã bày đủ các mặt hàng Tết lên quầy kệ phục vụ khách mua.
"Lúc này chủ yếu khách mua sỉ về chế biến thực phẩm, còn khách lẻ chưa nhiều. Năm nay kinh tế khó khăn, công nhân thất nghiệp. Nhiều người về quê sớm nên chúng tôi cũng lo lắng sức mua không như kỳ vọng. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trước Tết mới biết chắc" - bà Tư, chủ sạp trái cây khô chế biến nói.
Hàng Tết ở chợ sức mua chưa cao
Theo các tiểu thương, năm nay các loại bánh kẹo, mứt, trái cây sấy… có giá tăng từ 5-10% do nguyên liệu đầu vào tăng cao. Đơn cử như giá hạt dưa, hạt bí từ 180.000-200.000 đồng/kg, hạt điều 320.000-350.000 đồng/kg, mứt dừa 190.000 đồng/kg, mứt mãng cầu 350.000 đồng/kg…
"Đường, dầu ăn, gas… đều lên giá; giá nguyên liệu cũng tăng hơn nên sản phẩm ra thị trường giá phải nhích lên chút đỉnh. Chúng tôi cũng lo lắng giá tăng, người dân mua sắm ít hơn nhưng không còn cách nào khác" - chị Thủy, tiểu thương ngành hàng bánh kẹo chợ Tân Định (quận 1) cho biết.
Các doanh nghiệp đều chuẩn bị lượng hàng lớn phục vụ Tết 2023, đồng thời cam kết không tăng giá để phục vụ người dân mua sắm.
Doanh nghiệp cam kết không tăng giá
Phó Tổng Giám đốc Vissan Trương Hải Hưng cho biết, với mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững "từ trang trại đến bàn ăn", sản phẩm của Vissan kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm ra thị trường, bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và phù hợp với người tiêu dùng Việt.
"Vissan cam kết không tăng giá, thậm chí giảm giá nhiều mặt hàng Tết để phục vụ người tiêu dùng" - ông Hưng khẳng định.
Trong khi đó, đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra cho hay, đang khuyến mãi lên tới 40% các mặt hàng thịt heo của Vissan. Trong đó, thịt heo xay giảm còn 95.000 đồng/kg, chân giò heo còn 85.400 đồng/kg, dựng heo còn 87.500 đồng/ kg, xương ống heo, xương sống heo chỉ có giá 68.600 đồng/kg…
Phục vụ thị trường Tết, Công ty CP Dầu thực vật Tường An đã nắm bắt tình hình thực tế và xu hướng mua sắm của người tiêu dùng để chủ động trong sản xuất, điều phối nguồn nguyên liệu. Theo đó, Tường An phát triển cả 3 phân khúc phổ thông, trung và cao cấp tùy thuộc đặc trưng của từng khu vực và đặt mục tiêu sản lượng tăng 15% so với Tết 2022.
Siêu thị, doanh nghiệp tung hàng ngàn sản phẩm Tết phục vụ người tiêu dùng
Nhận định người tiêu dùng sẽ dè dặt hơn trong chi tiêu dịp Tết 2023, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu thực vật Tường An - cho biết, trước những biến động của nền kinh tế thế giới cùng tác động của thị trường trong nước, người tiêu dùng có xu hướng dè dặt hơn trong chi tiêu. Vì vậy, những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ được cân nhắc để mua sắm nhiều hơn.
"Đặc biệt, dù giá nguyên liệu, lạm phát có dấu hiệu tăng, sản phẩm vẫn sẽ giữ nguyên giá bán, đồng thời triển khai chương trình khuyến mãi đặc biệt là khi khách hàng mua hộp quà Tết…" - ông Tùng cho hay.
Dịp Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương TPHCM cho biết, nguồn lương thực thành phố cần là hơn 5.200 tấn, đường 2.000 tấn, dầu ăn 2.300 tấn, thịt gia súc hơn 5.600 tấn, thịt gia cầm gần 8.500 tấn, trứng gia cầm hơn 50 triệu quả. Tổng nguồn hàng chế biến là 1.400 tấn, trong đó rau củ quả hơn 9.000 tấn, thủy hải sản gần 300 tấn, gia vị 1.600 tấn…