Theo đó, Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ ở thủ đô Bangkok, Thái Lan đã nhận được tới 31.801 cuộc gọi cầu cứu trong năm 2017 về việc nhiều con rắn đột nhập vào nhà dân. Số cuộc gọi được cho là cao gấp 3 lần so với con số 10.492 từng được ghi nhận vào năm 2012.
Hàng nghìn con rắn lớn nhỏ chui vào nhà dân khiến nhiều người sợ hãi và gọi điện cầu cứu sự giúp đỡ của các lực lượng chức năng. Điều khiến nhiều người dân sợ hãi là rắn thậm chí còn xâm chiếm cả nhà vệ sinh và bò lên từ bồn cầu.
Rắn bò vào nhà dân khiến nhiều người sợ hãi. Ảnh: Pixbay
Số lượng rắn quá nhiều, ông Prayul Krongyos, Phó giám đốc Sở Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ thủ đô Bangkok, cho biết: "Có ngày chúng tôi phải tiếp nhận tới 173 cuộc gọi nhờ giúp đỡ, loại bỏ rắn độc ra khỏi nhà từ người dân, trong khi chỉ có khoảng năm vụ hỏa hoạn xảy ra mỗi ngày".
Rắn bị bắt sau đó sẽ được đưa đến trung tâm bảo vệ động vật hoang dã của thành phố và được trả tự do trở về môi trường tự nhiên.
Tuy nhiên, thực trạng quá nhiều rắn "ồ ạt" vào nhà dân khiến nhiều người thắc mắc nguyên nhân thực sự. Có khá nhiều nguyên do và các nhà chức trách đã đưa ra lời giải đáp.
Nguyên nhân rắn "tràn" vào nhà dân
Theo các nhà chức trách địa phương cho biết, năm nay, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết ẩm ướt hơn bình thường với những trận mưa kéo dài khiến một lượng lớn bò sát sống ngoài tự nhiên, điển hình là rắn, phải tìm kiếm nơi trú ẩn khô ráo trong nhà dân. Do đó, không ít trường hợp rắn bò vào nhà dân.
Ngoài ra, những đợt triều cường lớn liên tiếp ở thủ đô Bangkok khiến những con rắn buộc phải bò ra khỏi hang và bò đến khu vực cao ráo hơn để sinh tồn.
Mưa lớn nhiều và triều cường liên tiếp cũng khiến cho rắn buộc phải bò ra khỏi hang và "đột nhập" vào nhà dân. Ảnh: Pixbay
Theo Tạp chí Times, có hơn 200 loài rắn ở Thái Lan, trong đó chỉ khoảng 30 loài có nọc độc. Tuy nhiên, hầu hết chúng đều không gây nguy hiểm cho người dân. Trên thực tế, con người đang gây hại cho rắn nhiều hơn.
Nhiều loài rắn không có nọc độc và chúng còn giúp con người loại bỏ lũ chuột và động vật gặm nhấm gây hại. Tuy nhiên, nhiều người dân ở Thái Lan đều cảm thấy sợ hãi rắn và thậm chí còn giết hại mà không cần bận tâm tới việc nó có nọc độc hay không.
Giải pháp ứng phó "cơn ác mộng" rắn tràn vào nhà dân ở Bangkok
Trước tình trạng rắn vào nhà dân quá nhiều ở Bangkok và giúp chúng không bị con người tấn công hay sát hại, ông Nonn Panitvong, một chuyên gia hàng đầu về đa dạng sinh học đã thành lập kênh tin nhắn "Snake at Home" (hay rắn trong nhà) trên ứng dụng di động Line.
Người dân có thể chụp ảnh và gửi về "Snake at Home" để nhận được tư vấn và giúp đỡ từ các chuyên gia. Ảnh: Internet
Cụ thể, nếu bắt gặp một con rắn ở trong nhà, người dân có thể chụp ảnh và gửi về cho "Snake at Home" để nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia về việc liệu chúng có phải rắn độc hay không và hỗ trợ giải pháp cứu hộ cần thiết.
Điều này giúp gia tăng cơ hội sống sót cho cả con người và những con rắn tội nghiệp, vô tình bò vào nhà dân.
Dù mới thành lập vào đầu năm 2017, nhưng kênh nhắn tin "Snake at Home" đã thu hút khoảng 29.000 người đăng ký theo dõi.
Bài viết tham khảo các nguồn: Inhabitat, Treehugger